Phụ nữ Mông gìn giữ nghề dệt vải lanh truyền thống

BHG - Từ bao đời nay, nghề dệt lanh đã gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá. Với đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ Mông đã dệt nên những tấm vải lanh với hoa văn tinh xảo, làm nên những bộ trang phục truyền thống và các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đời này qua đời khác, họ như những chú ong thợ cần mẫn, miệt mài gìn giữ tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc mình và trao truyền cho thế hệ tương lai.

Nơi vùng cửa ngõ Cao nguyên đá – Quản Bạ, có một HTX dệt lanh được thành lập bởi chính những người phụ nữ Mông cần cù, chân chất, đó là HTX dệt lanh Lùng Tám. HTX được thành lập từ năm 2001, đến nay có 9 tổ sản xuất với trên 100 thành viên. Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX chia sẻ: Trước đây, vị thế của người phụ nữ Mông trong gia đình và xã hội rất thấp, chỉ quanh quẩn ở nhà trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc con cái, không được tự chủ về kinh tế. Tôi đã dành trọn tâm huyết để thành lập HTX với mong muốn vừa gìn giữ nghề dệt lanh truyền thống, vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ. Ban đầu chỉ có 10 thành viên, đến nay đã hơn 100 thành viên. Nhiều thành viên là nghệ nhân, dù tuổi đã cao vẫn ngày đêm miệt mài với nghề. Ngoài những sản phẩm váy áo, người phụ nữ Mông còn năng động tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới phục vụ khách du lịch như: Khăn quàng cổ, ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn... từ lanh với nhiều màu sắc và các họa tiết hoa văn tinh tế.

Người thợ thực hiện công đoạn dệt lanh.

Theo bà Mai, để tạo ra tấm vải lanh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sau khi thu hoạch, cây lanh sẽ được mang phơi khô, tách thành sợi sau đó cho vào cối giã để sợi lanh mềm ra rồi cột nối lại thành sợi dài. Sau khi tách sợi, lanh sẽ được đem luộc vài lần với nước tro bếp và một lần luộc với nước sáp ong để sợi lanh trắng và mềm hơn. Qua rất nhiều công đoạn chế biến, người thợ bước vào quy trình không kém phần quan trọng đó là dệt vải. Chị Sùng Thị Dua, thành viên HTX chia sẻ: Công đoạn dệt cần sự khéo léo và kinh nghiệm của người thợ để có thể xử lý các sợi bị đứt, ngoài sự khéo léo của đôi tay, phải có sự nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt mới tạo nên được tấm vải lanh hoàn chỉnh. Từ miếng vải mộc này, người thợ sẽ thực hiện tiếp công đoạn nhuộm và vẽ sáp ong để tạo nên các hoa văn. Màu sắc của vải đều từ cỏ cây tự nhiên giúp miếng vải giữ được màu bền, đẹp, đem lại hương thơm dễ chịu và cảm giác tươi mới.

Vẽ sáp ong trên vải lanh để tạo nên những họa tiết bắt mắt.

Từ cây lanh cùng các kỹ thuật thủ công mà không kém phần khéo léo và tinh xảo, người Mông trên Cao nguyên đá đã tạo nên một nghề truyền thống vô cùng đặc sắc. Không chỉ là điểm nhấn trong đời sống văn hóa, dệt lanh còn là hướng đi giúp phụ nữ có thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện sống. Với rất nhiều sản phẩm phong phú, bắt mắt, đa dạng về mẫu mã, thời gian gần đây, HTX dệt lanh Lùng Tám đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Họ tìm đến đây không chỉ để mua sắm các sản phẩm mà còn để tìm hiểu quy trình dệt lanh, trực tiếp trải nghiệm các công đoạn tạo nên một tấm vải. Chị Christine, du khách đến từ Canada chia sẻ: Tôi rất ngưỡng mộ các nghệ nhân, họ có đôi bàn tay vô cùng khéo léo cùng óc sáng tạo tuyệt vời để tạo nên những sản phẩm với hoa văn tinh xảo. Trực tiếp trải nghiệm các công đoạn dệt lanh mới thấy rằng để tạo ra được tấm vải lanh đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ trong từng khâu. Tôi rất thích các sản phẩm dệt lanh truyền thống, đặc biệt là ví, túi xách, khăn quàng cổ. Tôi đã mua một vài món để về làm quà cho người thân của mình.

Từ nghề dệt lanh truyền thống, chị em phụ nữ tham gia HTX có thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/tháng. Những thành viên có trình độ tay nghề cao, thu nhập dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng. Qua đó, góp phần đáng kể cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202405/phu-nu-mong-gin-giu-nghe-det-vai-lanh-truyen-thong-2133418/