Phong tục tảo mộ trong dịp Tết Thanh Minh của người Tày, Nùng

Với đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', từ xa xưa, cứ vào ngày Tết Thanh Minh, bà con dân tộc Tày, Nùng tại Cao Bằng lại tổ chức lễ tảo mộ để tưởng nhớ công lao của ông bà tổ tiên. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành.

Không như các dân tộc khác đi tảo mộ vào dịp cuối năm hoặc đi vào đúng ngày tiết Thanh Minh (thông thường ngày tiết Thanh Minh đến sau ngày lập xuân 45 ngày), người Tày, Nùng ở Cao Bằng thanh minh hoặc đi tảo mộ chỉ có một ngày duy nhất đó là ngày 3/3 âm lịch.

Tết Thanh Minh hay còn gọi là Tết “so slam, bươn slam” (tức mùng Ba tháng Ba âm lịch) là ngày lễ quan trọng trong năm, diễn ra ngày mùng 3/3 âm lịch. Dù ai đi đâu, ở đâu cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất. Theo thông lệ từ trước đến nay, cứ sau tháng Giêng là người ta lo việc đắp mộ cho những người quá cố.

Chị Lương Hiền Thúy sinh sống tại Thành phố Hà Nội, quê gốc ở huyện Quảng Hòa cho biết: Dù bận rộn như thế nào, cứ vào dịp Tết Thanh Minh, mấy anh em trong gia đình tôi lại bàn bạc, sắp xếp, bố trí thời gian để cùng đi tảo mộ cho bố mẹ, ông bà. Đúng ngày mùng 3/3, cả gia đình làm các món ăn rồi mới tới phần mộ ông bà, tổ tiên khấn vái, cầu mong ông bà phù hộ cho con cháu, người thân luôn mạnh khỏe, phát đạt.

Lễ Thanh Minh ngày nay đã được cải biên nhiều từ đồ cúng đến nghi thức. Theo quan niệm lễ tết xưa, người đi tảo mộ sẽ chuẩn bị xẻng, cuốc, dao… để thực hiện nghi thức dọn dẹp. Để thể hiện sự trang nghiêm, kính lễ với bề trên, trước khi thực hiện dọn dẹp phần mộ, những người cao tuổi nhất trong gia đình, có uy tín trong dòng họ hoặc là con trưởng đại diện gia đình sẽ đốt đèn, thắp nhang, mời rượu và khấn vái xin phép các cụ. Sau đó, mỗi thành viên trong gia đình sẽ nhổ cỏ, quét dọn lối đi xung quanh khu vực mộ; dùng khăn, chổi sạch để phủi bụi, lau sạch phần mộ... Khi tất cả các thủ tục xong xuôi, gia đình sẽ trang trọng đặt hoa, đồ lễ lên phần mộ và thắp nén hương tưởng nhớ người thân đã khuất.

Nhiều gia đình thắp hương, làm lễ tảo mộ của gia tiên trong ngày Tết Thanh Minh.

Nhiều gia đình thắp hương, làm lễ tảo mộ của gia tiên trong ngày Tết Thanh Minh.

Điểm nhấn và không thể thiếu trong mâm cúng ngày tảo mộ của người Tày, Nùng Cao Bằng đó chính là làm “khẩu nua đăm đeng” (xôi đỏ, đen). Gọi xôi đăm đeng nghĩa là có 2 màu, thế nhưng ngày nay, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân gia đình, phần xôi cúng được biến tấu với nhiều màu sắc khác nhau, thường gọi là xôi ngũ sắc (gồm các màu đỏ, xanh, đen, tím, vàng...). Màu xôi đều được làm từ các loại lá cây trông rất bắt mắt. Xôi đăm đeng có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội, hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm.

Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.

Sau khi hoàn thành các thủ tục khấn vái gia đạo, khắp các bìa rừng, đồi núi, các ngôi mộ được cắm cây nêu với nhiều màu sắc. Bao nhiêu ngôi mộ là bấy nhiêu cây nêu bay theo gió tháng Ba, báo hiệu con cháu đã hoàn thành việc tảo mộ.

Phong tục tảo mộ đã có từ rất lâu đời, được các thế hệ gìn giữ, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”. Thông qua phong tục này nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, củng cố mối quan hệ anh em trong dòng họ, quê hương; đồng thời, giáo dục cho con cháu về lòng hiếu thảo với ông bà, tổ tiên, hướng về nguồn cội, từ đó, bồi đắp cho mỗi thành viên trong gia đình tình cảm sâu nặng.

Hải Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phong-tuc-tao-mo-trong-dip-tet-thanh-minh-cua-nguoi-tay-nung-3168565.html