Phi công Ukraine dùng iPad gắn trên Su-27 điều khiển tên lửa phương Tây

Lực lượng Không quân Ukraine đang sử dụng iPad gắn trong buồng lái của các máy bay phản lực thời Liên Xô để có thể điều khiển các loại vũ khí không đối đất hiện đại của phương Tây.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante ngày 24/5 tiết lộ cách mà Ukraine điều khiển vũ khí phương Tây gắn trên các tiêm kích từ thời Liên Xô như Su-27 vốn có thiết kế không tương thích.

"Ukraine sở hữu rất nhiều máy bay quân sự theo hệ Liên Xô và Nga. Chúng tôi phối hợp với phía Ukraine để khiến vũ khí phương Tây hoạt động trên những máy bay này, về cơ bản là phi công dùng iPad điều khiển chúng", ông William LaPlante cho biết.

Ông LaPlante không cung cấp thêm chi tiết về bảng điều khiển bổ sung này...

...Tuy nhiên ông khẳng định "các phi công Ukraine lái máy bay tham chiến chỉ một tuần sau khi chúng tôi bàn giao vật tư".

Chưa rõ máy tính bảng được tích hợp và hoạt động ra sao trên các mẫu máy bay thế hệ cũ mà Ukraine sở hữu.

Không quân Ukraine gần đây công bố video cho thấy một tiêm kích Su-27 mang theo Tên lửa Chống Radar Tốc độ cao (HARM) AGM-88 do Mỹ viện trợ. Trong buồng lái, ngay trước mặt phi công có gắn một máy tính bảng, có thể là mẫu iPad.

Màn hình của chiếc máy tính bảng hiển thị bản đồ và một số dữ liệu khác. Do gắn ở vị trí nằm ngang, máy che khuất nhiều thiết bị chính trong buồng lái và dường như thay thế vai trò báo dữ liệu chuyến bay của chúng.

Thông tin của ông LaPlante cho thấy máy tính bảng đóng vai trò rất quan trọng để Ukraine vận hành vũ khí không đối đất do phương Tây viện trợ.

Sau khi tích hợp tên lửa chống radar HARM, Ukraine bắt đầu trang bị bom dẫn đường JDAM-ER của Mỹ và tên lửa Hammer do Pháp chế tạo cho tiêm kích Su-27, MiG-29 và Su-24M.

Kỹ thuật viên dường như phải nạp sẵn tọa độ mục tiêu đã biết vào các loại vũ khí như HARM, JDAM-ER và Hammer.

Phi công Ukraine sau đó lái tiêm kích đến vị trí khai hỏa, có thể nhờ hỗ trợ từ máy tính bảng với tính năng định vị GPS, rồi thả vũ khí.

Tuy nhiên, thao tác vận hành HARM phức tạp hơn so với các loại vũ khí khác do mục tiêu chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và có thể di chuyển nhanh khỏi vị trí, đặc biệt là các tổ hợp phòng không tích hợp radar trên tiền tuyến.

Nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương cũng yêu cầu phi công lập tức phản ứng với mục tiêu ngay khi chúng xuất hiện.

Các tiêm kích như MiG-29 và Su-27 mà Ukraine thừa hưởng từ thời Liên Xô thiếu màn hình cho phép hiển thị dữ liệu nhằm đảm bảo tương thích liền mạch với HARM, JDAM-ER và Hammer. Do đó, các mẫu máy tính bảng như iPad được sử dụng để khắc phục hạn chế này.

Máy tính bảng trong buồng lái có thể đóng vai trò cảnh báo tín hiệu radar theo thời gian thực cho phi công Ukraine, thông qua bộ thu tín hiệu trên giá treo vũ khí hoặc đầu dò của tên lửa HARM.

Phi công Ukraine sẽ sử dụng dữ liệu này để xác định vị trí mục tiêu hoặc tránh khu vực có nguy cơ bị phòng không Nga bắn hạ, giúp tăng hiệu quả vũ khí và khả năng sống sót.

Tiêm kích Su-27 là loại chiến đấu cơ hạng nặng có năng lực tác chiến mạnh mẽ nhất của không quân Ukraine trong thời điểm hiện tại.

Dù năng lực chiến đấu những chiếc Su-27 Ukraine không thể bằng Su-35 của Nga, nhưng loại máy bay này vẫn có thể tạo ra các đòn đánh đáng sợ.

Khi cuộc xung đột nổ ra, Nga đã tìm cách tiêu diệt không quân Ukraine, trong đó có việc nhắm việc tìm diệt những chiếc tiêm kích hạng nặng Su-27.

Được biết, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine sở hữu một lực lượng không quân hùng mạnh với 4 tập đoàn quân Không quân và 1 tập đoàn quân Phòng không

Tổng cộng có 600 đơn vị với hơn 2.800 máy bay các loại. Nếu tính về số lượng máy bay thì Không quân Ukraine năm 1992 là lực lượng lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ukraine đã được nhận 67 chiếc tiêm kích hạng nặng Su-27, 240 chiếc tiêm kích hạng nhẹ MiG-29, trong đó có 155 chiếc biến thể mới nhất lúc đó với hệ thống trang bị tác chiến điện tử hiện đại và mang được nhiều nhiên liệu hơn.

Tuy nhiên, tính cho tới thời điểm trước khi xung đột với Nga nổ ra, Không quân Ukraine chỉ còn sở hữu 187 máy bay quân sự các loại, sau tổn thất nặng nề tại chiến trường miền Đông hoặc đã bị thanh lý hoặc đưa vào "bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật".

Theo thông tin mới nhất thì Ukraine chỉ còn 16 chiến đấu cơ Su-27 ở trong tình trạng hoàn hảo, có nghĩa là chúng có thể chiến đấu được ngay. Điều gì đã xảy ra cho quốc gia từng sở hữu 67 chiến đấu cơ cực mạnh này?

Căng thẳng với Nga trong thời gian qua đã khiến nước này đang từng bước phục hồi loại chiến đấu cơ hạng nặng này, tuy vậy dù cố gắng nhưng Kiev vẫn chưa đạt được những thành tựu đáng kể.

Cái khó khăn nhất đối với Ukraine không phải là công nghệ, bởi do nước này vẫn đang giúp các quốc gia khác bảo trì và nâng cấp tiêm kích Su-27; cái chính yếu vẫn là ngân sách. .

Tiêm kích Su-27 được đánh giá là một trong những tiêm kích thế hệ thứ 4 thành công nhất thế giới.

Trải qua thời gian với những nâng cấp, loại máy bay này vẫn đang là một trong những chiến đấu cơ đáng gờm nhất thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phi-cong-ukraine-dung-ipad-gan-tren-su-27-dieu-khien-ten-lua-phuong-tay-post574675.antd