Phi công cho rằng bay vào vùng nhiễu động mạnh tệ còn hơn rơi thang máy

Phi công Boeing 787 chia sẻ trong tình huống khẩn cấp, ngoài việc bật đèn cảnh báo, tổ bay sẽ giảm tốc độ để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của rung lắc.

Ngày 21-5, máy bay Boeing 777-300ER của Singapore Airlines chở 211 khách và 18 thành viên tổ bay hành trình từ Anh đến Singapore đã gặp nhiễu động nghiêm trọng khi bay vào không phận Myanmar (khu vực sông Irrawaddy)

Theo đó, tổ bay phải chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan). Thông tin ghi nhận ban đầu, một hành khách trên chuyến bay tử vong, hàng chục người khách bị thương do va đập.

 Chiếc máy bay của hãng hàng không Singapore Airlines trên đường băng sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) chiều 21-5. Ảnh: REUTERS

Chiếc máy bay của hãng hàng không Singapore Airlines trên đường băng sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) chiều 21-5. Ảnh: REUTERS

Trước sự cố nghiêm trọng nêu trên, trao đổi với PLO, một giáo viên, phi công máy bay thân rộng Boeing 787 của Vietnam Airlines, chia sẻ đây là bài học đắt giá đặc biệt cho hành khách.

Theo phi công này, khách đa phần chỉ thấy máy bay trong điều kiện êm ái và dễ chịu, nhưng thực tế khi máy bay vào mây giông (radar phát hiện được), hoặc không khí loãng (radar không phát hiện được) thì tình thế còn tệ hơn thang máy rơi bởi thang máy chỉ rơi xuống chứ không đột ngột rơi nhanh rồi lại bốc lên.

Với chuyển biến, tác động đột ngột như thế sẽ khiến người hoặc vật thể bên trong máy bay chịu những va đập tự do nếu không được chằng buộc kỹ càng.

“Các tình huống như trên đều được mô phỏng trong các bài tập định kỳ của phi công. Phi công rất hiểu trong những điều kiện như vậy thậm chí đặt tay vào đúng các nút và công tắc cũng rất khó khăn. Tiêu chuẩn sức khỏe của phi công lúc này được phát huy tối đa”, phi công có hơn 10.000 giờ bay chia sẻ.

Vì vậy, trên các chuyến bay phát ngôn của tiếp viên không thể thiếu lời nhắc hành khách “luôn cài chặt dây an toàn trong suốt hành trình bay nếu không phải di chuyển”.

Theo vị phi công này, trong tình huống khẩn cấp, ngoài việc bật đèn cảnh báo, phát ngôn thông báo cho phía cabin, tổ bay sẽ giảm tốc độ để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của rung lắc (nếu radar không phát hiện) và chủ động bay vòng tránh (nếu radar phát hiện).

Theo các chuyên gia hàng không ghi nhận nhiễu động trời trong (CAT) là hiện tượng nguy hiểm đối với hàng không dân dụng.

CAT tác động khiến máy bay rung lắc mạnh, tăng giảm độ cao đột ngột, gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách và tổ bay do va đập tự do.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phi-cong-cho-rang-bay-vao-vung-nhieu-dong-manh-te-con-hon-roi-thang-may-post791822.html