Phát triển văn hóa và con người hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc

Sáng ngày 4-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 33) và 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 của Ban Bí thư khóa X về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 38).

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang phát biểu chỉ đạo hội nghị

Chủ trì hội nghị là các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Tiền Giang, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam được nâng lên; nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tinh thần yêu nước, yêu quê hương, tự lực, tự cường, lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, lao động cần cù, sáng tạo của người Tiền Giang tiếp tục được khơi dậy và phát huy...

Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục được khẳng định. Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, nâng cao, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ngày một phát triển, trưởng thành.

Quang cảnh hội nghị.

Các tổ chức trong hệ thống chính trị đã chủ động, kịp thời cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 33 sát với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế để triển khai và phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo đạt hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới; tích cực hưởng ứng, quyết tâm thực hiện.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được tăng cường, các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập cộng đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều giá trị thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy hiệu quả, trở thành những chuẩn mực về lối sống, nếp sống, quan hệ văn hóa cộng đồng. Các phong tục tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh.

Quang cảnh hội nghị

Việc xây dựng gia đình, ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, hương ước ở công đồng dân cư có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Môi trường sinh hoạt văn hóa từng bước cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được duy trì cả nghệ thuật truyền thống và hiện đại; văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều giới công chúng tham gia, xuất hiện nhiều nhân tố mới từ phong trào. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống được chú trọng.

Về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới, Chỉ thị 38 của Ban Bí thư được triển khai và quán triệt sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa của bảo hiểm y tế. Song song đó, ngành Y tế tỉnh nhà đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong đó có bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế vì thế liên tục được nâng lên qua các năm. Tính đến ngày 31-3-2024, toàn tỉnh có hơn 1,68 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 94,3% dân số của tỉnh và vượt 0,25% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 và 15 năm thực hiện Chỉ thị 38, từ đó thống nhất phương hướng thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh, phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển con người toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”; phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, ứng xử văn hóa nơi công sở, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương và cơ sở.

Đối với phát triển bảo hiểm y tế, đồng chí Nguyễn Văn Danh yêu cầu nhìn nhận một số mặt còn hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để sớm có giải pháp khắc phục.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/phat-trien-van-hoa-va-con-nguoi-huong-den-chan-thien-my-tham-nhuan-tinh-than-dan-toc-1009565/