Phát triển thương mại, dịch vụ ở Vĩnh Linh

Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh và mời gọi thu hút đầu tư, phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ trung bình đạt 15,6%/năm. Đến năm 2020, tỉ trọng ngành thương mại - dịch vụ đạt 42,8%. Đây là yếu tố quan trọng mở ra triển vọng mới cho lĩnh vực này những năm tiếp theo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân.

 Chợ Hồ Xá đã được nâng cấp khang trang - Ảnh: A.K

Chợ Hồ Xá đã được nâng cấp khang trang - Ảnh: A.K

Một trong những giải pháp được địa phương thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ (TMDV) đó là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện chú trọng xây dựng hệ thống chợ ở nông thôn.

Riêng giai đoạn 2015 - 2020, Vĩnh Linh đã đầu tư 17 tỉ đồng để cải tạo và xây dựng hệ thống chợ ở các xã, thị trấn trên địa bàn, tạo thuận lợi trong giao thương mua bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ cuộc sống của người dân. Đến nay, Vĩnh Linh có tổng số 20 chợ phân bố ở 18 xã, thị trấn. Trong đó có 1 chợ hạng I, 1 chợ hạng II, 16 chợ hạng III và 2 chợ tạm.

Theo thống kê, đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 113 doanh nghiệp; 5.200 hộ kinh doanh cá thể; có khoảng 7.100 người tham gia phát triển kinh tế trên lĩnh vực này. Với mong muốn nâng cao ý thức người sản xuất, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, hằng năm các hội thảo kết nối cung cầu được huyện Vĩnh Linh chú trọng triển khai trên địa bàn. Đồng thời tổ chức tốt các chương trình đưa hàng về nông thôn, bán hàng bình ổn giá, các hội chợ thương mại… đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Tiêu biểu năm 2019, địa phương đã tổ chức hội chợ thương mại - du lịch với quy mô 200 gian hàng. Trong đó có 30 gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đặc trưng của địa phương. Qua đó đã giới thiệu các sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng nhanh qua các năm. Riêng năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.732 tỉ đồng, trong đó bán lẻ đạt 2.592 tỉ đồng.

Các dịch vụ vận tải cũng được mở rộng về quy mô, đa đạng về loại hình với hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Hiện nay trên địa bàn huyện có 20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải kho bãi, 315 cơ sở kinh doanh vận tải và kho bãi. Các tuyến xe liên tỉnh, liên huyện được khai thác mở rộng, tăng cường. Những năm gần đây, khi giao thông phát triển, việc lưu thông hàng hóa ngày càng trở nên thuận tiện. Hầu hết các loại mặt hàng đều đã được phân phối về tận trung tâm các xã, thị trấn. Người dân cũng được tiếp cận và lựa chọn nhiều loại hàng hóa theo nhu cầu. Dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đến nay 100% xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động và có dịch vụ internet. Huyện cũng quan tâm hoạt động dịch vụ trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, tư vấn pháp lý, dược phẩm... đạt hiệu quả cao.

Một thế mạnh nữa của Vĩnh Linh là phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, nhất là du lịch biển đang được đầu tư, khai thác. Để thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huyện Vĩnh Linh chủ trương xã hội hóa du lịch. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tăng cường quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến công tác quy hoạch các địa điểm du lịch trên địa bàn, đề cao tính khả thi và tính kết nối giữa các địa điểm du lịch trong quy hoạch.

Hiện nay, các bãi tắm Cửa Tùng, Thái Lai (xã Vĩnh Thái), Mũi Trèo (Kim Thạch) đang dần trở thành điểm du lịch, tắm biển được du khách trong và ngoài huyện ưa chuộng. Bên cạnh đó, hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc, Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và một số di tích lịch sử khác của huyện được tỉnh đưa vào khai thác thời điểm chưa có COVID-19 đã thu hút rất đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về giá trị lịch sử. Các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như hò chèo cạn ở Vĩnh Giang, chuyện Trạng Vĩnh Hoàng ở Vĩnh Tú, chạy cù ở Vĩnh Nam, bài Chòi ở Vĩnh Hòa... cũng là một thế mạnh được Vĩnh Linh khai thác và phát triển loại hình du lịch văn hóa trong nhiều năm qua.

Trong lộ trình phát triển, huyện Vĩnh Linh đã đề ra phương hướng, mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển TMDV trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh liên kết, kết nối thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ đầu mối, chợ nông thôn. Xây dựng các điểm trưng bày, bán các sản phẩm địa phương. Đổi mới mô hình kinh doanh, khai thác các chợ trên địa bàn và tại các điểm du lịch như: Địa đạo Vịnh Mốc, Di tích Hiền Lương, Cửa Tùng, Mũi Trèo…

Ngoài ra, trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về dịch vụ biển, dịch vụ văn hóa lịch sử, dịch vụ sinh thái, sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ trên địa bàn gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa dịch vụ trở thành một lĩnh vực quan trọng. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng ngành TMDV chiếm khoảng 45 - 46%, đến năm 2030 chiếm trên 48% trong nền kinh tế của địa phương.

Anh Khoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161209&title=phat-trien-thuong-mai-dich-vu-o-vinh-linh