Phát triển thị trường trong nước gắn với ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Triển khai thực hiện Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động (CVĐ) 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giai đoạn 2021-2025, hằng năm, Sở Công thương đều xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng trong tỉnh về mục đích, ý nghĩa của CVĐ và tích cực hưởng ứng tham gia bằng các hoạt động phát triển thị trường nội địa.

Khách hàng mua sản phẩm hàng hóa Việt tại siêu thị Winmart, thành phố Phủ Lý.

Khách hàng mua sản phẩm hàng hóa Việt tại siêu thị Winmart, thành phố Phủ Lý.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của việc triển khai CVĐ; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông sản xuất, đăng tải các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc thực hiện đề án gắn với CVĐ, điển hình là các bài viết về các hoạt động hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam; kết quả thực hiện mô hình “Điểm bán hàng Việt”; giải pháp kích cầu tiêu thụ hàng Việt; đưa hàng Việt về các trung tâm thương mại bằng hình thức kết nối cung - cầu; xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt; tăng cường quản lý thị trường, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp Việt… Cùng với đó, Sở Công thương còn tích cực tuyên truyền về CVĐ thông qua các hội nghị, sinh hoạt của cơ quan, vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các phòng, ban, đơn vị thuộc sở hưởng ứng CVĐ bằng việc mua sắm vật dụng, trang thiết bị làm việc là những sản phẩm chất lượng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Cùng với công tác tuyên truyền, hằng năm, Sở Công thương còn quan tâm triển khai tốt các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc sản của Hà Nam cũng như các vùng miền, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, trọng tâm là tổ chức hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Hồng – Hà Nam; hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước trên địa bàn tỉnh…

Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, Sở Công thương còn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương; hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ năng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng Việt; kỹ năng bán hàng trực tuyến; xây dựng chiến lược tiếp thị trực tuyến, giải pháp kinh doanh hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…

Làm rõ hơn về kết quả đạt được trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt dùng hàng Việt” trên địa bàn tỉnh, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong giai đoạn 2021-2023, Sở Công thương đã phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng thêm một điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt” ở thị xã Duy Tiên; giới thiệu cho khoảng 150 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia gần 20 hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh.

Cũng trong giai đoạn này, Sở Công thương Hà Nam còn hướng dẫn 44 cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh làm hồ sơ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hà Nam; hướng dẫn các cơ sở làm hồ sơ, đăng ký 15 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và có 12 sản phẩm được công nhận. Ngoài ra, Sở Công thương còn xuất bản 2 ấn phẩm tuyên truyền về sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hà Nam… Qua đó, góp phần tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh lên khoảng 85% tại các hệ thống phân phối, bán lẻ, từng bước đưa hàng Việt Nam chất lượng đến với người tiêu dùng, nhất là ở các vùng nông thôn.

Doanh nghiệp, người tiêu dùng tích cực tham gia hưởng ứng CVĐ

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia hưởng ứng CVĐ, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, các nhà phân phối, siêu thị cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; áp dụng đa dạng các chính sách khuyến mại, giảm giá, hậu mãi, nâng cao chất lượng phục vụ.

Hằng năm, các doanh nghiệp còn chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, dự trữ hàng hóa ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán bằng vốn tự có của doanh nghiệp. Các sản phẩm, hàng hóa tham gia chương trình là hàng thiết yếu do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, điển hình là Công ty cổ phần lương thực Hà Nam Ninh, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Siêu thị Lan Chi, siêu thị Winmart, siêu thị Winmart+, Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hà Nam, Chi nhánh Xăng dầu Hà Nam...

Ông Cao Minh Dương, Quản lý hệ thống siêu thị Winmart+ tại Hà Nam cho biết: Thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần xây dựng và phát triển giá trị “Thương hiệu Việt Nam”, những năm qua, siêu thị Winmart+ luôn tích cực tham gia bình ổn thị trường, hệ thống siêu thị đã từng bước tăng tỷ lệ hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa bày bán, đồng thời áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng, nhất là đối với nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nam và các địa phương trên cả nước. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết trong năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, Vinmart+ đều tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết do Sở Công thương phát động, hướng dẫn thực hiện với việc đăng ký dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp Việt sản xuất như thực phẩm ăn liền, gạo, nước đóng chai, bánh kẹo…

Theo đánh giá của Sở Công thương, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hơn 14 năm triển khai CVĐ, ý thức của người dân, doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực. Người tiêu dùng trong tỉnh đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, từ đó ưu tiên lựa chọn hàng hóa Việt Nam thay vì hàng hóa ngoại nhập cùng loại. Các doanh nghiệp cũng tích cực đổi mới phương thức sản xuất, đầu tư máy móc, công nghệ, cải thiện mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đã thực sự quan tâm mở rộng thị trường nội địa, tích cực quảng bá, giới thiệu, hướng người tiêu dùng mua sắm những sản phẩm Việt chất lượng, giá cả hợp lý.

Để thực hiện tốt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành và UBND tỉnh về việc hưởng ứng, thực hiện CVĐ trong tình hình mới; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động liên quan đến thị trường trong nước theo các chương trình, dự án, đề án được giao; đổi mới công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các hoạt động phối hợp với các đơn vị liên quan và lực lượng chức năng của tỉnh trong hoạt động thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/phat-trien-thi-truong-trong-nuoc-gan-voi-uu-tien-dung-hang-viet-nam-122504.html