Phát triển thị trường lao động Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế

Đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện một trong ba mũi đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng ta đã xác định. Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là vai trò chủ đạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn Nhà giáo ưu tú, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội- một trong những đơn vị giáo dục dẫn đầu về khoa học công nghệ xung quanh vấn đề này.

Nhà giáo ưu tú, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội

PV: Thưa ông, là người công tác lâu năm và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực đào tạo nghề cho sinh viên, ông đánh giá thế nào về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của nước ta hiện nay?

NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Nhân lực là yếu tố then chốt đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là vai trò chủ đạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Trong những năm qua, GDNN đã từng bước được đổi mới và phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về số lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu trình độ, ngành nghề, chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, thợ lành nghề; khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn nhiều hạn chế về trình độ ngoại ngữ, tin học, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.

Trong khi nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã và sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo trong thời gian tới, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp. Chính vì vậy, ngành dạy nghề luôn nỗ lực tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng đáng chú ý và quan trọng hơn cả là hoạt động đảm bảo chất lượng trong GDNN hiện nay.

PV: Được biết, nhiều năm qua Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội luôn vượt chỉ tiêu tuyển sinh, trong khi nhiều cơ sở đào tạo tương tự gặp khó khăn trong vấn đề này. Vậy đâu là bí quyết của sự thành công này, thưa ông?

NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Đào tạo nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập về công tác tuyển sinh. Không chỉ thiếu về số lượng mà còn bất cập về chất lượng đầu vào do hầu hết các em vào học nghề là sự lựa chọn cuối, trong khi đầu ra yêu cầu cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp về cả kiến thức, kỹ năng, thái độ. Do đó, điều chỉnh cơ cấu trình độ hợp lý trong lực lượng lao động, tạo cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến trong tương lai để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của GDNN đối với toàn xã hội.

Với Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, năm 2024 sẽ đánh dấu nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh gia tăng cả về quy mô lẫn chất lượng. Năm nay, nhà trường tuyển sinh với chỉ tiêu là 3.500 sinh viên ở tất cả ngành nghề. Để đạt được hiệu quả của công tác tuyển sinh ngày càng lớn, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tiên là nhà trường luôn chú trọng đến công tác giải quyết công việc, đầu ra cho sinh viên học tập, đào tạo tại trường. Nâng cao chất lượng đào tạo để đảm bảo nguồn cung cấp lao động chuyên nghiệp, lành nghề, thái độ tốt ra thị trường. Khi chất lượng sinh viên được nâng lên cũng là một lý do để thu hút sự đầu tư ngược lại từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ hai là đào tạo theo đơn đặt hàng, kỳ vọng của doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy định về hợp tác với doanh nghiệp để doanh nghiệp sẵn sàng tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo. Ngược lại, các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ. Là nhịp cầu kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và sinh viên. Thông qua trường, nhiều doanh nghiệp đã ký cam kết tài trợ nhiều suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó trong học tập.

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội

PV: Là một trong những cơ sở giáo dục dẫn đầu về khoa học công nghệ, ông có thể chia sẻ về công tác chuyển đổi số của nhà trường, đặc biệt là trong quản lý và đào tạo?

NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội luôn thực hiện áp dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyển đổi số của nhà trường, đặc biệt là trong quản lý và đào tạo.

Những năm gần đây, quản trị nhà trường đang dần thay đổi mô hình đào tạo theo hướng tư duy và công nghệ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự đổi mới để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Trong đó, hệ thống công nghệ thông tin được phân tích, thiết kế và xây dựng theo hướng quản lý toàn diện và đồng bộ tất cả các hoạt động trong nhà trường, từ lãnh đạo đến sinh viên.

Chuyển từ lớp học, phương pháp dạy học truyền thống qua giảng E-Learning, dạy online, phương pháp dạy học theo dự án. Dạy học chuyển sang ý tưởng, sáng tạo và áp dụng công nghệ. Người học thực hiện quá trình học tập trên lớp hoặc ngay tại nhà, thông qua các thiết bị không dây, chủ động lựa chọn không gian, thời gian, nội dung và phương pháp học tập, có thể gọi là “trường di động, lớp học online”… Đảm bảo được yêu cầu đào tạo mở, linh hoạt, theo nhu cầu người học.

Mô hình đào tạo hoàn hảo nhất hiện nay của nhà trường là mô hình phối hợp với doanh nghiệp gắn kết với địa phương trong đào tạo nghề nghiệp, theo nhu cầu đặt hàng. Mô hình này giúp người học bớt gánh nặng học phí, tốt nghiệp đảm bảo sau khi ra trường các em đều có việc làm. Trong thực trạng "sính" bằng cấp hiện nay, có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được công việc hoặc không đúng chuyên ngành đào tạo. Nhiều bạn làm trái ngành, trái nghề thậm chí đi làm công nhân hoặc chạy xe ôm công nghệ, làm shipper…

Để giải quyết vấn đề đó, hiện nay Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đang có một mô hình điển hình trong đào tạo đó là "Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp kèm chính sách học bổng - học phí, đảm bảo 100% người học tốt nghiệp được giải quyết việc làm". Đây là công tác đào tạo nghề theo nhu cầu, theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Riêng năm 2024, nhà trường đã tiếp nhận và sẵn sàng trao gần 1.000 suất học bổng toàn khóa với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong thời gian học tập, các sinh viên còn được hỗ trợ lương, tốt nghiệp được doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức lương ít nhất từ 12 triệu đồng/01 tháng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/phat-trien-thi-truong-lao-dong-viet-nam-hien-dai-day-du-va-hoi-nhap-quoc-te-428338.html