Phát triển sâu rộng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Với nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (gọi tắt là phong trào) đã được phát triển sâu rộng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Phong trào đã phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong phát triển sản xuất, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.

Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Bình Thuận luôn được địa phương này quan tâm. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận

Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Bình Thuận luôn được địa phương này quan tâm. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận

Bám sát các nội dung của phong trào và tình hình thực tiễn, tỉnh Bình Thuận đã đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng. Đối với phong trào đoàn kết, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, các tầng lớp nhân dân đã phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất. Trong giai đoạn 2016-2020, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh Bình Thuận vận động được khoảng 70 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 993 căn nhà Tình thương cho hộ nghèo với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quỹ cứu trợ các cấp vận động được 52 tỷ đồng, chi hỗ trợ 800.000 đối tượng. Trong khi đó, Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” vận động được hơn 40 tỷ đồng, cùng với ngân sách tỉnh đã xây dựng và sửa chữa được 912 căn nhà cho người có công với cách mạng, trao tặng gần 5.000 sổ tiết kiệm, tặng hơn 45.700 phần quà và tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi, người tàn tật, người già neo đơn, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, hoạn nạn có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Với việc triển khai nhiều mô hình, chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bình Thuận giảm 1%, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới, bảo đảm người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống và tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc thực hiện phong trào đã tác động mạnh mẽ đến xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh trong các tầng lớp nhân dân. Ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân có chuyển biến tích cực, qua đó, góp phần xây dựng quan hệ giữa xã hội bình đẳng và nhân ái; xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Bình Thuận có 85/124 số xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; gần 290.000 hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ gần 93%, tăng gần 19.000 hộ so với năm 2016.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, lễ tang và lễ hội theo Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) được tổ chức ngày càng tiến bộ, tiết kiệm và lành mạnh. Các nguyên tắc, nghi thức, phong tục tập quán đã được cụ thể hóa bằng các điều khoản trong hương ước, quy ước xây dựng thôn, khu phố văn hóa. Tại nhiều xã, phường, thị trấn, chính quyền đã phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức lễ trao giấy kết hôn tập thể cho các cặp vợ chồng trẻ, tổ chức lễ cưới tiết kiệm, lành mạnh. Công tác tổ chức lễ hội ngày càng văn minh. Nhiều địa phương đã lồng ghép những nghi lễ tâm linh nguyên thủy với các hoạt động văn hóa - thể thao lành mạnh để lễ hội thực sự vui tươi bổ ích.

Để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân, tỉnh Bình Thuận quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm văn hóa - điện ảnh cấp tỉnh, 9/10 trung tâm văn hóa và thể thao cấp huyện; 106/124 trung tâm văn hóa và thể thao cấp xã; 671/691 nhà văn hóa thôn, khu phố. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi, tạo sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho người dân, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và địa phương.

Trong khi đó, cuộc vận động xây dựng thôn - khu phố văn hóa đã trở thành phong trào mạnh mẽ, tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Theo ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đến năm 2020, toàn tỉnh có 661/691 thôn - khu phố đạt chuẩn văn hóa, tăng 89 thôn, khu phố văn hóa so với năm 2016, đạt 133% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Về nội dung xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, năm 2020, có 75/93 xã và 24/31 phường, thị trấn tổ chức phát động xây dựng phong trào này. Kết quả, có 70 xã và 22 phường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ trên 70% so với tổng số xã, phường đăng ký.

Có thể nói, việc thực hiện phong trào đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại tỉnh Bình Thuận. Thông qua phong trào, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, tinh thần tự phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, làm giàu chính đáng của nhân dân được nâng lên. Phong trào cũng thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở địa phương, tạo sự chuyển biến quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-sau-rong-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa-post449107.html