Phát triển du lịch Mường Nhé - nơi 'một con gà gáy cả 3 nước đều nghe'

Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - nơi 'một con gà gáy cả 3 nước đều nghe' có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đã và đang được các cấp chính quyền quan tâm và triển khai thực hiện.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là điểm đến thú vị đối với khách du lịch. (Nguồn: dulichdienbien)

Mường Nhé là một huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc, cũng là điểm cực Tây của Tổ quốc, mệnh danh là nơi “một con gà gáy cả 3 nước đều nghe”. Nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đã và đang được các cấp chính quyền quan tâm và triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Mường Nhé có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc lại mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng. Hơn nữa, đây cũng là mảnh đất có tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Cần "đánh thức" tiềm năng

Nói đến Cột mốc số 0 - mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, không khó để nhiều người nhận ra đây là một trong những điểm nhấn về du lịch ở Mường Nhé.

Cột mốc nằm trên đỉnh núi Khoang La San, có độ cao trên 1.800m so với mực nước biển, thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, cách TP. Điện Biên Phủ hơn 260km về phía Tây, đi theo quốc lộ 12 và 4H. Từ lâu, nơi đây là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Hàng năm, có hàng nghìn du khách đến đây để chinh phục cột mốc cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ khi đứng trên núi cao. Ngoài cột mốc số 0, ở Mường Nhé, còn nhiều điểm đến khác với các loại hình du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên như: khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, chợ phiên Nậm Pố, khu di tích Đồn Pháp…

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mường Nhé còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn, tính cạnh tranh chưa cao. Công tác lập, triển khai quy hoạch các khu, điểm du lịch chưa thực hiện được; các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch chưa có. Hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa bài bản, hạn chế về quy mô và nguồn lực. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.

Để du lịch Mường Nhé bay xa

Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, nhất là với những lợi thế về các điểm đến, trải nghiệm, cộng đồng, du lịch Mường Nhé có nhiều cơ hội để phát triển.

Ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc về lợi ích của phát triển du lịch, đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc, xây dựng các clip, phóng sự, tin, bài chất lượng quảng bá văn hóa, vùng đất, con người Mường Nhé.

Xác định phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt, huyện Mường Nhé đã tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến các xã, bản. Chẳng hạn như, quốc lộ 4H được đầu tư, một số tuyến đường đến các điểm du lịch được rải nhựa, hạ tầng giao thông vào chợ phiên Nậm Pố được xây dựng.

A Pa Chải thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách thành phố Điện Biên Phủ 250km, là điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi có cột mốc phân chia ranh giới giữa ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc. (Nguồn: VOV)

Cùng với phát triển hạ tầng, Mường Nhé đang thực hiện các thủ tục khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới, dự kiến hoàn thành trước năm 2025 đối với di tích lịch sử được công nhận vào năm 2022 (di tích Ðồn Pháp). Huyện phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn với các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, thắng cảnh thiên nhiên Mường Nhé, chinh phục ngã ba biên giới - điểm cực Tây Tổ quốc A Pa Chải; hoạt động giao lưu văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc...

Bên cạnh việc khai thác triệt để thế mạnh về tiềm năng du lịch, huyện đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, phục dựng Tết cổ truyền, lễ Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, lễ cầu mưa dân tộc Si La, lễ cúng tổ tiên của người Cống; triển khai Đề án du lịch cộng đồng tại bản Tả Khừ, xã Sín Thầu... Huyện cũng thúc đẩy các điểm du lịch sinh thái như khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu, thác Păm Pơi, Y Ma Hồ; chinh phục mốc giao điểm đường biên giới 3 nước...

Không những thế, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, huyện tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các danh lam thắng cảnh tiêu biểu như: Khu rừng bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn xã Chung Chải; Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ; cột mốc biên giới số 0 tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào...

Huyện Mường Nhé cũng có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch cộng đồng - một hướng đi trong tương lai.

Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé được xếp vào một trong những khu rừng đặc dụng lớn của cả nước và có tầm ảnh hưởng lớn đối với môi trường sinh thái. Khu rừng mang vẻ đẹp khác lạ và địa danh tại đây như mốc ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại bản A Pa Chải... thường xuyên có khách du lịch ghé đến tham quan.

Thời gian qua, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với du lịch đã có sự chuyển biến đáng kể. Văn hóa truyền thống các dân tộc như các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca được duy trì, phát triển. Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với du lịch được đặc biệt quan tâm, vừa hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống được khôi phục, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, huyện Mường Nhé cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển du lịch, lên kế hoạch đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích người dân tự giác bảo vệ cảnh quan, tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Làm được như vậy, huyện sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Dũng Quỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-trien-du-lich-muong-nhe-noi-mot-con-ga-gay-ca-3-nuoc-deu-nghe-269841.html