Phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng: Kỳ 1 - Tiềm năng lớn nhưng khai thác, chế biến chưa tương xứng

Bắc Kạn là tỉnh có trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn, phong phú về chủng loại. Ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Dây chuyền tuyển nổi của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Nam.

Tiềm năng khoáng sản lớn

Theo tài liệu địa chất, tỉnh Bắc Kạn có 273 mỏ, điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản khác nhau, trong đó khoáng sản chì kẽm dự báo trữ lượng lớn nhất cả nước với 3.049.177 tấn; quặng sắt 17 triệu tấn, chủ yếu ở các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pác Nặm. Cùng với đó, tài nguyên về đá vôi, cát sỏi làm vật liệu xây dựng cũng dồi dào, tập trung phần lớn ở các huyện Chợ Đồn, Na Rì, thành phố Bắc Kạn. Đây là nguồn lợi tại chỗ lớn phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị công nghiệp, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản toàn tỉnh năm 2021 đạt hơn 1.300 tỷ đồng, chiếm 92% giá trị sản xuất toàn ngành.

Hiện toàn tỉnh có 52 điểm mỏ của gần 40 doanh nghiệp được cấp phép khai thác thác, trong đó có 14 giấy phép khai thác khoáng sản chì kẽm với tổng công suất khai thác là 284.000 tấn quặng/năm; 04 giấy phép khai thác quặng sắt công suất khai thác 322.000 tấn/năm; 02 giấy phép khai thác quặng vàng gốc; 32 giấy phép khai thác đá vôi, cát sỏi làm vật liệu thông thường. Trong số đó có 04 mỏ chì kẽm, sắt, đá vôi đang dừng hoạt động, ngoài ra còn một số điểm mỏ đang trong quá trình thăm dò, xin cấp phép khai thác.

Cả tỉnh có 6 nhà máy, dự án đang đầu tư sản xuất kim loại màu, gồm: Nhà máy luyện chì – BKC công suất 5.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn; Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn); Nhà máy luyện chì Ngân Sơn công suất thiết kế 5.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico tại xã Thượng Quan (Ngân Sơn); xưởng luyện chì của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc, công suất thiết kế 1.500 tấn/năm tại thôn Bản Tặc, xã Đức Vân (Ngân Sơn); Nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh (đang hoàn thiện xây dựng); Dự án nhà máy luyện chì kim loại công suất 20.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần luyện kim Bắc Kạn tại thôn Nà Pài, thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn) hiện đang thực hiện các thủ tục xây dựng nhà máy.

Về dự án luyện gang, sắt xốp, sắt mangan, hiện có 2 nhà máy xây dựng nhưng đã dừng hoạt động là Nhà máy luyện gang Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang và Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới). Hiện có Dự án Nhà máy Feromangan công suất 60.000 tấn/năm của Công ty CP phát triển công nghiệp Bắc Kạn tại thôn Nà Pài, thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn) đang thực hiện các thủ tục xây dựng nhà máy theo quy định.

Đây đều là các đơn vị được kỳ vọng trong chế biến sâu, tuy nhiên quá trình đi vào hoạt động, vì nhiều lý do, có một số đơn vị đã không thể hoạt động, vận hành như mong đợi.

Sự cần thiết đổi mới trong sản xuất, chế biến

Có thể thấy, nhóm sản xuất kim loại là một trong những ngành có lợi thế đến nay đã sản xuất một số sản phẩm kim loại thô. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản của tỉnh chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy, chưa sản xuất được kim loại chất lượng cao cũng như các sản phẩm chi tiết từ kim loại. Hơn nữa một số doanh nghiệp trên địa bàn tập trung vào mạnh vào khâu khai thác song nguyên liệu chính lại chuyển ra tỉnh ngoài để chế biến sâu. Ngoài ra một số đơn vị trên địa bàn cũng thực hiện vai trò tương tự như vậy nhằm giải quyết vòng quay về vốn. Rõ ràng khi dây chuyền chế biến sâu trên địa bàn chưa hoàn thiện hoặc mới đang hình thành thì việc "chảy máu" nguồn nguyên liệu tất yếu sẽ còn xảy ra.

Xuất phát từ điều này, vấn đề đặt ra là làm sao để nâng tầm giá trị các sản phẩm bằng cách tham gia chế biến sâu, bởi khi áp dụng hình thức sản xuất chế biến sâu sẽ giúp các doanh nghiệp tận thu được nguồn nguyên liệu tại chỗ, hạn chế thất thoát, lãng phí tài nguyên, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm.

Sản phẩm chì kim loại của Nhà máy luyện chì (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn).

Đây là chủ trương đang được tỉnh Bắc Kạn khuyến khích, Nghị quyết Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu thúc đẩy một số ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó tập trung khai thác khoáng sản có lợi thế để chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó việc thẩm định, cấp mỏ cũng sẽ được siết chặt hơn, thay vì cấp mỏ tràn lan như trước thì việc cấp mỏ sẽ được tỉnh phê duyệt khi doanh nghiệp đó phải đảm bảo được những lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường sống.

Chiến lược này là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Chỉ có đổi mới phương thức sản xuất công nghiệp chế biến, chuyển từ sản xuất thô sang sản xuất thành phẩm để tăng giá trị mới có thể mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế. Ngành công nghiệp khai khoáng Bắc Kạn sẽ có những thay đổi khi tỉnh đã có chủ trương, định hướng và những quyết sách phù hợp./.

Thu Trang

(Còn nữa

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202211/phat-trien-ben-vung-nganh-cong-nghiep-khai-khoang-ky1-tiem-nanglon-nhung-khai-thac-che-bien-chua-tuong-xung-734126d/