Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách dân tộc, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đến hội viên, phụ nữ; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh và vận động hội viên, phụ nữ tự lực vươn lên ổn định cuộc sống.

Hội LHPN các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia thực hiện các chính sách dân tộc hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS; tham gia các hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất; đồng thời xây dựng và duy trì các hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Nguyên Bình Triệu Thị Hoa cho biết: Là huyện có đông đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, vì vậy, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và bà con thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và cuộc vận động do các cấp, ngành phát động. Đặc biệt, vận động hội viên, phụ nữ chủ động tiếp cận với các nguồn vốn vay từ ngân hàng, Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển”... để phát triển kinh tế gia đình. Duy trì thực hiện phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và giúp các hộ phụ nữ nghèo tại các chi hội bằng nhiều hình thức; tổ chức tuyên truyền giới thiệu việc làm; tuyên truyền cho người dân và hội viên, phụ nữ về phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phối hợp mở các lớp tập huấn, dạy nghề, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nông nghiệp, chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2023 xuống 6,58% (từ 51,00% xuống còn 44,42%, tương đương từ 4.696 hộ xuống 4.120 hộ).

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, nhất là chị em, phụ nữ đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường công tác phản biện trong xây dựng cơ chế, chính sách triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình và các chính sách dân tộc tại địa phương.

Hội LHPN các cấp đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù sản xuất của địa phương. Từ năm 2023 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ vận động chị em giúp trên 20.000 công lao động; cho vay không tính lãi trên 600 triệu đồng; cho mượn đất canh tác, giúp nhau về lương thực, thực phẩm, hỗ trợ con giống, cây giống, phân bón,... Qua đó, giúp 205 chị thoát nghèo và 212 chị thoát cận nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Lễ ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng xóm Sẻ Pản, xã Thịnh Vượng (Nguyên Bình).

Lễ ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng xóm Sẻ Pản, xã Thịnh Vượng (Nguyên Bình).

Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, Hội LHPN tỉnh tổ chức 29 hội nghị tập huấn hướng dẫn thành lập tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các xã điểm, 135 hội nghị bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cho trên 10.000 người dân tại các xóm; ra mắt 136 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 17 hội nghị tập huấn kỹ năng vận hành tổ truyền thông cộng đồng; 1 hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai vận hành mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng; thành lập 28 địa chỉ tin cậy cộng đồng... Hội LHPN các huyện, Thành phố thành lập 312 tổ truyền thông cộng đồng, 14 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 3 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm xóm bản; 27 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; 49 cuộc tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới và lồng ghép giới; 47 hội nghị bồi dưỡng, hướng dẫn thực hiện.

Các mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác kinh tế tại địa phương được vận hành và duy trì có hiệu quả, vận động hội viên tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (CCOP), bên cạnh đó các mô hình mới được giúp đỡ, hỗ trợ để ra mắt và thực hiện. Tiêu biểu như huyện Hòa An thành lập và hỗ trợ 12 mô hình phát triển kinh tế trị giá trên 34 triệu đồng; Thành phố ra mắt 1 mô hình phụ nữ liên kết trồng nấm, trao kinh phí nguồn vốn vay 60 triệu đồng. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, trao 7 mô hình sinh kế cho 12 gia đình hội viên, phụ nữ vay 57 triệu đồng… Duy trì và nâng cao chất lượng 485 mô hình liên kết sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế, 8 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ...

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nông Thị Tuyết khẳng định: Từ việc triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và từng bước thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS; hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được phát triển và mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục từ tỉnh đến huyện, xã và các xóm được tăng cường đầu tư… Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh đưa ra nhiều giải pháp vận động hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… góp phần làm thay đổi, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng, miền với vùng DTTS và miền núi trên các lĩnh vực.

Thanh Thúy

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3168617.html