Phát huy vai trò của đội ngũ Chính ủy, Chính trị viên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch điện biên phủ 1954

Từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên.

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những nhân tố quyết định trong việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên phủ 1954.

1. Mở đầu

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945¬ - 1954) đã kết thúc thắng lợi với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó, đội ngũ chính ủy, chính trị viên là những người được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm chủ trì xây dựng đơn vị về chính trị và đã hoàn thành xuất sắc vai trò đó. Việc xây dựng và phát huy vai trò chính ủy, chính trị viên trong xây dựng Quân đội về chính trị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, trở thành một trong những hình mẫu tiêu biểu và để lại nhiều bài học quý cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
2. Nội dung

2.1. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội
Những tư tưởng quân sự đầu tiên của Đảng ta đã xác định, Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang, đặt bên cạnh người chỉ huy đơn vị là người chính trị viên. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh tố chức ra Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Đội có chi bộ đảng lãnh đạo, có một đội trưởng và một chính trị viên. Như vậy, ngay từ khi thành lập, nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện đối với Quân đội đã được thực hiện, theo đó chế độ tổ chức đảng lãnh đạo, người đội trưởng và chính trị viên phân công tổ chức thực hiện theo chức trách đã được xác lập trong Quân đội ta.

Cuộc cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời 9/1945, Quân Giải phóng trở thành Quân đội quốc gia, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và vị trí, vai trò của chính ủy, chính trị viên được luật hóa và từng bước hoàn thiện. Ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh sô” 71/SL-CP, theo đó, Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, biên chế chính thức theo từng trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Tổ chức đảng trong Quân đội dần dần được kiện toàn. Chế độ đoàn trưởng, đội trưởng, chính trị viên cùng phụ trách đơn vị được thực hiện trong toàn quân. Khu có ủy viên chính trị, các đơn vị từ trung đoàn đến trung đội có chính trị viên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chính trị viên cùng cơ quan chính trị các cấp có vai trò quan trọng xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị, làm cơ sở cho vững mạnh toàn diện. Mặc dù lực lượng còn nhỏ bé, trang bị thô sơ, kỹ thuật và chiến thuật còn có những hạn chế nhưng Quân đội ta với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đã cùng với nhân dân chủ động bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp cuối năm 1946 - đầu năm 1947.

Vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, cơ chế lãnh đạo của Đảng trong Quân đội là: lập hệ thống tổ chức đảng chặt chẽ từ Trung ương Quân ủy xuống đến chi bộ đại đội; thực hiện nguyên tắc tập thể cấp ủy lãnh đạo, người chỉ huy và chính trị viên ngang quyền, phân công phụ trách từng mặt công tác nhưng cùng chịu trách nhiệm chung về hoạt động của đơn vị. Cơ chế này giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phù hợp tình hình và yêu cầu hoạt động chiến đấu và xây dựng của quân đội. Cơ chế này thực sự phát huy rất tốt vai trò của chính ủy, chính trị viên đối với các đơn vị trong bộ đội chủ lực. Góp phần quan trọng vào đập tan cuộc tấn công của Pháp vào Việt Bắc 1947 buộc Pháp phải thay đổi chiến lược.
Đến cuối năm 1948, thực dân Pháp ở Đông Dương chuyển sang chiến lược lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, càn quét ác liệt vùng địch tạm chiếm, thực hiện chỉ đạo của trung ương, 2/3 lực lượng bộ đội chủ lực của ta phân tán thành nhiều đại đội độc lập luồn sâu vào vùng địch hậu dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương và nhân dân phát động chiến tranh du kích, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra nghị quyết bỏ hệ thống cấp ủy trong quân đội, lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong Quân đội (gọi tắt là chế độ chính ủy tối hậu quyết định), trong đó quy định chính trị ủy viên (từ cấp trung đoàn trở lên) và chính trị viên (từ cấp tiểu đoàn trở xuống) có quyền tối hậu quyết định về chính trị, quân sự, tài chính, chỉ định phương châm chiến lược, chiến thuật quân sự nhưng không trực tiếp chỉ huy quân sự. Qua thực hiện cơ chế này khoảng một năm, đã thấy bộc lộ những hạn chế.
Từ cuối năm 1949, đã có sự bổ khuyết, điều chỉnh, ở các đơn vị chủ lực đã lập lại chế độ tập thể đảng ủy lãnh đạo. Ngày 20 tháng 5 năm 1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết “Về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực”, chấm dứt hoàn toàn chế độ chính ủy tối hậu quyết định. Để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội và chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc lãnh đạo quy định trong Điều lệ Đảng do Đại hội lần thứ II của Đảng thông qua, Nghị quyết Trung ương xác định, lập lại hệ thống đảng ủy từ Tổng Quân ủy đến chi bộ đại đội; thực hiện cơ chế sự lãnh đạo tập thể thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác, tập thể đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng quân chính phân công tổ chức thực hiện theo chức trách. Cơ chế này được thực hiện từ đây cho đến hết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho đến tháng 12/1982 mới bãi bỏ theo Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị. Nhờ có cơ chế đúng đắn, vai trò chính ủy, chính trị viên được xác định đúng và phát huy, góp phần đặc biệt quan trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng sức mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

Điều mấu chốt rút ra qua bài học này là: phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt đối với Quân đội; luôn luôn nắm chắc thực tiễn, kịp thời sửa chữa, bổ sung hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng cho phù hợp, thực hiện nhất quán chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội.

Trong suốt toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ vấn đề đường lối lãnh đạo của Đảng ta đều dựa trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, khoa học. Đó là đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Với đường lối ấy, Đảng ta đã động viên toàn dân, tập hợp các giai tầng cách mạng, các lực lượng yêu nước; đoàn kết các dân tộc; củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất… tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quán triệt đường lối đó, Đảng ta đã phát động thành công chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo; củng cố và mở rộng hậu phương kháng chiến, huy động sức người, sức của ngày càng lớn cho mặt trận với khẩu hiệu và tinh thần: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Huy động toàn dân tham gia kháng chiến, cả nước đều ra trận với một sức mạnh vô địch và tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, nhất là ở mặt trận chính Điện Biên Phủ đã chứng minh đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đã tập trung vào giáo dục phương châm tác chiến của Đảng, xây dựng niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội.
2.2. Không ngừng củng cố, tăng cường công tác chính trị trong Quân đội để phát huy vai trò chính ủy, chính trị viên.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác chính trị được xác định là công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng… của Đảng trong bộ đội. Trước Cách mạng tháng Tám, các mặt công tác giáo dục, tuyên truyền vận động, dân vận, địch vận trong các đội quân tiền thân của Quân đội tuy còn giản đơn nhưng đã đặt nền móng cho công tác đảng, công tác chính trị sau này. Tháng 1 năm 1946, trước yêu cầu của công cuộc kháng chiến kiến quốc và sự trưởng thành của quân đội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy, chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương làm Bí thư. Trung ương Quân ủy là cơ quan lãnh đạo, giúp Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp lãnh đạo quân đội. Giúp việc Trung ương quân ủy có ủy ban Quân sự, ủy ban Chính trị, ủy ban Đảng vụ. Từ đó cơ quan chính trị các cấp trong Quân đội dần dần hình thành.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các tổ chức đảng trong quân đội, công tác chính trị thông qua hoạt động của cơ quan chính trị và chính ủy, chính trị viên được đẩy mạnh, tập trung vào yêu cầu đánh địch ở mặt trận Nam Bộ, Nam Trung Bộ và nâng cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu khi địch gây hấn mở rộng xâm lược từ cuối tháng 9/1945.

Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, các chính trị ủy viên và chính trị viên đã coi trọng giáo dục cán bộ, chiến sĩ thực hiện triệt để không hàng giặc, không để mất súng, không xâm phạm tính mệnh, tài sản của dân, không ngược đãi tù binh, sĩ quan và binh lính; một lòng tuân lệnh cấp trên, phục tùng kỷ luật... Hoạt động công tác chính trị thời gian đầu cuộc kháng chiến là đúng hướng, góp phần tích cực xây dựng Quân đội ta vững vàng, là quân đội cách mạng trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Tuy nhiên, do cơ quan chính trị chưa được tổ chức hoàn chỉnh, cán bộ chính trị thiếu và yếu về năng lực nên hiệu quả công tác chính trị còn hạn chế, không ít đồng chí tỏ ra lúng túng bị động, có nhiều việc chưa được thực hiện tốt.
Ngày 20 tháng 2 năm 1947, Bí thư Trung ương quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy Quân đội và dân quân toàn quốc chỉ thị cho toàn quân: “Việc tổ chức các cơ quan công tác chính trị cần phải giải quyết cấp tốc... Công tác chính trị là mệnh lệnh của bộ đội quốc gia, chính trị là linh hồn của Quân đội cách mạng” . Chỉ sau một thời gian ngắn, các cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân được củng cố, kiện toàn, công tác chính trị có nhiều chuyển biến tiến bộ. Từ cuối năm 1948, theo nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trong toàn quân bỏ hệ thống cấp ủy đảng trong quân đội, thực hiện chế độ chính ủy tối hậu quyết định. Với chủ trương này, tuy các mặt công tác khác vẫn được tiến hành. Dưới sự tổ chức, điều hành của chính ủy, chính trị viên, vai trò chính ủy, chính trị viên được đề cao nhưng sự lãnh đạo của cấp ủy đảng không còn nên tác dụng của chính ủy không cao, hiệu lực công tác chính trị bị hạn chế nhiều, chất lượng chính trị của các đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu mới.

Bắt đầu từ tháng 5 năm 1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết thực hiện cơ chế lãnh đạo tập thể thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác, tập thể đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng quân chính phân công tổ chức thực hiện theo chức trách. Từ đó vị trí, vai trò cơ quan chính trị và công tác chính trị được xác định rõ. Với cơ chế này, hiệu lực công tác chính trị được nâng cao rõ rệt, vai trò của chính ủy, chính trị viên được phát huy, có tác dụng quan trọng đến việc xây dựng các đơn vị Quân đội về chính trị để Quân đội ta cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.

Giữa tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 đã đề ra phương châm tác chiến “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” . Nội dung chủ yếu của công tác chính trị được xác định là quán triệt chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, sau khi Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch thì nội dung giáo dục là tập trung quán triệt, phân tích chủ trương thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”; từ chỗ tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu đến chỗ ta chủ động chọn Điện Biên Phủ là nơi mạnh nhất của địch lúc đó để tiêu diệt địch nhằm đập tan ý chí xâm lược của kẻ địch. Làm rõ những thuận lợi, khó khăn và phương pháp khắc phục; phát huy tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, liên tục chiến đấu dài ngày, dũng cảm hy sinh, quyết chiến, quyết thắng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho bộ đội nắm vững chủ trương của trên, sự cần thiết phải thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch. Nhờ đó, bộ đội đã ổn định được tinh thần, tin tưởng, hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ cả trước, trong và sau chiến dịch góp phần vào thắng lợi to lớn của chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954.
2.3. Luôn chú trọng nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực công tác cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên.

Đây là bài học chung cho mọi thời kỳ cách mạng, nhưng với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lại càng có ý nghĩa lớn. Chúng ta bước vào cuộc kháng chiến khi Quân đội ra đời chưa được bao lâu, lực lượng nhỏ bé. Cán bộ Quân đội nói chung, nhất là cán bộ chính trị, hầu như chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác chính trị. Vì thế, trong tiến hành công tác chính trị của chính ủy, chính trị viên còn lúng túng, kém hiệu quả. Vai trò xây dựng đơn vị về chính trị cũng có nhiều hạn chế. Từng bước, cơ quan chính trị cấp trên đã hướng dẫn, chỉ đạo kế hoạch, nội dung, phương pháp công tác chính trị, đồng thời qua hoạt động thực tiễn, chính ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị nói chung dần dần nâng thêm trình độ mọi mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác chính trị ở đơn vị trong Quân đội.
Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng đi vào giai đoạn mở rộng, quyết liệt, yêu cầu cán bộ chính trị về số lượng và chất lượng ngày càng cao, các hội nghị chính trị viên các cấp được mở, rút kinh nghiệm và bồi dưỡng công tác chính trị, các lớp học chính trị tập trung ngắn ngày cũng được mở để đào tạo cán bộ chính trị. Nhờ vậy, nhiều chính ủy, chính trị viên đã được học tập cơ bản về lý luận, đường lối, chính sách, về nghiệp vụ công tác chính trị, lại qua thực tiễn công tác, họ đã từng bước trưởng thành, phát huy vai trò trong xây dựng đơn vị về chính trị. Nhất là được Hồ Chủ tịch thường xuyên quan tâm, trực tiếp giáo dục bồi dưỡng một cách cụ thể, sâu sắc tư tưởng, tác phong, nghiệp vụ công tác chính trị cho cán bộ. Trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên tháng 3 năm 1948, Bác viết: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt” . Bác chỉ rõ, ở cấp bậc nào, chính trị viên cũng có ba nhiệm vụ chính: Đối với bộ đội, chính trị viên phải luôn luôn săn sóc đến sinh hoạt vật chất và tinh thần để nâng cao sức chiến đấu và trình độ chính trị, trình độ văn hóa của họ; “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” ; Đối với nhân dân, chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội; Đối với quân địch, chính trị viên phải “biết cách tuyên truyền khôn khéo để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta” . Trong Bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quăn đội, Bác căn dặn: “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc... Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu óc. Ngoài ra, còn phải dạy cho đội viên biết cách dân vận... phê bình và tự phê bình...” .

Nhờ sự quan tâm, chăm lo giáo dục đó của Hồ Chủ tịch, của Đảng, của quân đội, của nhân dân và bằng sự nỗ lực rèn luyện của bản thân, đội ngũ chính ủy, chính trị viên đã không ngừng phát triển, trưởng thành nhanh chóng; đến những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã tạo nên hình mẫu chính ủy, chính trị viên vững vàng, liêm chính, gương mẫu, nhân ái, được cán bộ, chiến sĩ tin yêu, mến phục. Tiêu biểu nhất đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Hồ Chủ tịch tin cậy và giao trọng trách Tư lệnh kiêm chính ủy mặt trận bằng phương châm đúng đắn, quyết định kịp thời, chỉ đạo đúng đắn… cùng đội ngũ cán bộ chính ủy, chính trị viên đã thực hiện tốt công tác chính trị cả trước, trong và sau chiến dịch đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến thắng Điện Biên phủ.
Bài học về xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chính ủy, chính trị viên đặt ra những vấn đề cần coi trọng phải năng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, sự vững vàng về chính trị, tư tưởng của bản thân họ; luôn gắn nhận thức lý luận với hoạt động thực tiễn để phát huy vai trò đối với đơn vị; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác chính trị cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên.

Những bài học kinh nghiệm xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được vận dụng phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, góp phần xây dựng Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân. Từ tháng 12/1982 đến tháng 7/2005 do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong Quân đội ta không thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, mà thực hiện chế độ một người chỉ huy ở tất cả các cấp trong quân đội. Sau 23 năm thực hiện chế độ một người chỉ huy - phó chỉ huy về chính trị, ngày 20 tháng 7 năm 2005, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Nghị quyết số 51/NQ-TW “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Điều này đã khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong xây dựng và chiến đấu của Quân đội ta thời kỳ mới. Vai trò của chính ủy, chính trị viên rất toàn diện, đặc biệt vai trò trong nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Qua đó, nhằm mục đích tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, mà trực tiếp là sức mạnh chính trị - tinh thần, làm cho Quân đội tinh nhuệ về chính trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đây cũng là đòi hỏi cấp thiết của yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của Quân đội ta, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp hiện nay.

3. Kết luận

Có nhiều nhân tố làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ 1954, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong thực hiện tốt hoạt động công tác chính trị của Đảng trong Quân đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tư tưởng chính trị đã phát triển toàn diện với những hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, tích cực, tạo ra sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn có ý nghĩa quyết định đưa đến thắng lợi Điện Biên Phủ 1954, thắng lợi “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện “phi chính trị hóa” Quân đội, làm phai nhạt hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; kích động, xuyên tạc, tạo dư luận xấu, gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Cùng với đó, sự xâm nhập của lối sống thực dụng, các sản phẩm văn hóa xấu độc, mặt trái của kinh tế thị trường đang có những tác động tiêu cực đến tư tưởng, đời sống tinh thần của bộ đội và nhiệm vụ xây dựng Quân đội về chính trị. Thực tế đó đặt ra đòi hỏi phải tăng cường xây dựng Quân đội vững mạnh, trước hết là vững mạnh về chính trị, phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội. Kế thừa những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi Điện Biên Phủ 1954, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng có hiệu quả bài học về tiến hành công tác tư tưởng chính trị, từ đó góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội… tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” ; đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
. Tổng cục Chính trị, Lịch sử công tác đảng, công tác chinh trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.143.
2. Tổng cục Chính trị, Tổng kết CTĐ, CTCT trong chiến dịch chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr. 529.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 484, 485.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 219.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), tập I, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.157-158.

Thạc sĩ, Phạm Đức Dũng, Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc Phòng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-chinh-uy-chinh-tri-vien-trong-cuoc-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-gop-phan-vao-thang-loi-cua-chien-dich-dien-bien-phu-1954-a24804.html