Phát huy hơn nữa vai trò của UBND huyện trong xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án

Ngày 3-4, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tiền Giang do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên làm Trưởng đoàn đến làm việc với UBND huyện Tân Phước và huyện Châu Thành, về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tham gia Đoàn giám sát có Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh...

Theo số liệu thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích tự nhiên huyện Tân Phước là 33.012,84 ha. Trong đó: Đất nông nghiệp có 27.018,01 ha, chiếm 81,84% tổng diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp có 5.994,83 ha, chiếm 18,16% tổng diện tích tự nhiên.

Theo UBND huyện Tân Phước, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn huyện đã đạt được những thành quả nhất định, quá trình sử dụng đất cơ bản dựa trên quan điểm khai thác sử dụng triệt để quỹ đất đai, đảm bảo sử dụng hợp lý và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quan điểm phát triển chung của huyện và cả tỉnh.

Cụ thể, nhóm đất nông nghiệp thực hiện trong thời gian qua cơ bản phù hợp với chỉ tiêu đã được phê duyệt. Thực hiện chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 đạt 105,36%. Nhóm đất phi nông nghiệp thực hiện đạt tỷ lệ cao (khoảng 81,34%)… Nhìn chung, việc lãnh đạo triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn ngày càng sâu sát hơn, làm cơ sở để huyện đánh giá tình hình quản lý và thực hiện quy hoạch ở từng cấp, từ đó chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong quá trình sử dụng đất. Đồng thời, cơ cấu lại việc sử dụng đất phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp nông thôn và hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Lãnh đạo huyện Tân Phước cho biết, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Phước đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định 3835/QĐ-UBND ngày 30-12-2022. Tuy nhiên, qua rà soát công trình dự án, chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương hiện không còn phù hợp với quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt. Để đảm bảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND huyện Tân Phước đã có báo cáo kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Tân Phước.

Đoàn giám sát làm việc tại huyện Tân Phước.

Đối với công tác thu hút đầu tư, huyện Tân Phước đẩy mạnh thu hút đầu tư mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện theo định hướng quy hoạch tỉnh, như: Mở rộng quy mô Khu vực vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và mời gọi đầu tư phát triển phân khu Khu vực công nghiệp Thạnh Tân theo quy hoạch, tạo động lực cho sự phát triển một cách toàn diện các ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên các ngành công nghệ cao, công nghệ chế biến nông thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hàng tiêu dùng,…

Về tình hình triển khai thực hiện các dự án, trên địa bàn huyện Tân Phước, tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 40 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 4.422,17 tỷ đồng. Trong đó, có 21 dự án đã đi vào hoạt động; 3 dự án đầu tư đang trong quá trình xây dựng; còn lại đang tạm ngừng, bị thu hồi chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với huyện Châu Thành.

Còn tại huyện Châu Thành, theo số liệu thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên huyện Châu Thành trên 23.527 ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 17.761,90 ha, chiếm 76,37% tổng diện tích tự nhiên và trong giai đoạn 2010 - 2020 đất nông nghiệp giảm 190,71 ha, do chuyển sang đất phi nông nghiệp. Tổng diện tích đất phi nông nghiệp năm 2010 là 5.038,48 ha; đến năm 2020 tổng diện tích đất phi nông nghiệp là 5.496,98 ha.

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Lợi phát biểu tại buổi làm việc.

Về mời gọi đầu tư, trên địa bàn huyện Châu Thành có 14 dự án thuộc danh mục thực hiện lựa chọn nhà thầu. Đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Châu Thành có 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (do các ngành tỉnh thực hiện mời gọi), gồm: Dự án Khu dân cư nông thôn mới Vĩnh Kim (khu A) đang trong quá trình giải phóng mặt bằng; Dự án Cụm công nghiệp Tân Lý Đông với tổng diện tích đất 59,88529 ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư 819,896 tỷ đồng. Dự án này có chủ trương đầu tư thực hiện dự án năm 2020 nhưng đến nay nhà đầu tư không thực hiện được và tháng 9-2023, nhà đầu tư gửi hồ sơ xin không thực hiện dự án do giá đất người dân đưa quá cao không thực hiện thu hồi đất được...

Ngoài ra, tỉnh giao UBND huyện Châu Thành chọn nhà đầu tư đối với 3 dự án gồm: Siêu thị Tân Hương, Trường Mầm Non khu tái định cư Tân Hương và Trung tâm Thể dục thể thao Tân Hương. 3 dự án này cũng có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa mời gọi được nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Tân Phước và huyện Châu Thành cho biết, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư còn nhiều khó khăn, như: Quỹ đất sạch trên địa bàn các huyện ít nên việc kêu gọi đầu tư thực hiện dự án còn hạn chế; trên địa bàn các huyện chưa thực hiện việc thu hồi đất tạo quỹ đất sạch do không có nguồn vốn. Công tác hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, một số công trình chậm tiến độ, kéo dài không thực hiện được.

Trong quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ về xác định vị trí, diện tích thu hồi vùng phụ cận nên chưa đủ cơ sở để triển khai thực hiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn các huyện thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm. Ngoài ra, công tác dự báo nhu cầu đôi khi còn chưa sát nhu cầu thực tế, các giải pháp thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, quyết liệt dẫn tới một số chỉ tiêu sử dụng đất còn thấp...

Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi là việc.

Tại các điểm làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cùng lãnh đạo địa phương đã phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những hạn chế vẫn còn tồn tại.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Nguyên cho biết, mục đích tổ chức giám sát chuyên đề này nhằm đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư và sự tuân thủ pháp luật có liên quan đến từng dự án trên địa bàn tỉnh; kết quả đạt được; khó khăn, hạn chế, vướng mắc; nguyên nhân. Đồng thời, đánh giá công tác quản lý, hiệu quả công tác quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư, rà soát, danh mục và kết quả thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang...

Từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị các nội dung có liên quan đến cơ quan Trung ương và các cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có các biện pháp tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; báo cáo kết quả giám sát tại Kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2024.

Quang cảnh buổi làm việc tại huyện Châu Thành.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên cũng đề nghị UBND huyện Tân Phước và huyện Châu Thành quan tâm rà soát các dự án trên địa bàn huyện, nhất là các dự án kéo dài nhiều năm không thực hiện được để báo cáo lãnh đạo tỉnh có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của UBND huyện trong việc xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án trên địa bàn huyện; nghiên cứu có thể xây dựng một tổ giúp việc chuyên nghiên cứu, theo dõi việc thực hiện mời gọi các dự án tham mưu cho UBND huyện. Tiếp tục tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân hiểu, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân để có giải pháp tạo quỹ đất sạch thực hiện dự án. Cùng với đó, nghiên cứu kết hợp với các huyện lân cận tạo dư địa, mở rộng quỹ đất tạo động lực phát triển vùng; chú trọng đánh giá, dự báo để quy hoạch đúng, quy hoạch trúng định hướng và sát thực tiễn, điều này không những phát triển các huyện mà còn góp phần thực hiện tốt quy hoạch của tỉnh.

THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202404/phat-huy-hon-nua-vai-tro-cua-ubnd-huyen-trong-xuc-tien-moi-goi-dau-tu-cac-du-an-1007056/