Phát hành trái phiếu để 'hút' dòng kiều hối vào đầu tư hạ tầng?

Trong bối cảnh lượng kiều hối gửi về năm 2023 cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM, việc 'nắn' dòng chảy kiều hối hướng về đầu tư hạ tầng cho trung tâm kinh tế lớn nhất nước cũng được đặt ra.

Phương án phát hành trái phiếu dành cho kiều bào, nhằm “nắn” dòng chảy kiều hối để bổ sung cho nhu cầu vốn cho lĩnh vực hạ tầng đang thiếu rất nhiều của TPHCM, cần được nghiên cứu và triển khai thử nghiệm sớm. Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Tại buổi tọa đàm “Nắn dòng kiều hối và hạ tầng” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng ngày 23-4.

Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết Ủy ban đang cùng các cơ quan liên quan đang tham mưu hoàn thiện và triển khai Đề án “Chính sách kiều hối trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2030”.

Một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Kỳ vọng đặt ra là khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế – xã hội tại TPHCM có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.

Còn trong số 8 nhóm giải pháp nhằm thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, nhóm giải pháp tạo cơ chế thu hút kiều hối thì “trái phiếu kiều hối” hiện là sản phẩm chính đang được nghiên cứu, tham khảo ý kiến các bên.

Đại diện Ủy ban này đánh giá TPHCM có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước như không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, TPHCM chưa có cơ chế, chính sách chuyên biệt thu hút nguồn vốn này đưa vào sản xuất, kinh doanh, chưa có sản phẩm tài chính phù hợp, thị trường cụ thể.

Các chuyên gia nhấn mạnh cần thí điểm sớm 1 hoặc 2 dự án hạ tầng cụ thể để thử nghiệm phương án phát hành trái phiếu cho kiều bào. Ảnh: SGGP.

Để hướng một phần dòng kiều hối vào đầu tư hạ tầng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính – Bất động sản toàn Cầu, đề xuất có thể phát hành trái phiếu dành riêng cho kiều bào.

Mục tiêu là tài trợ cho các dự án xây dựng hay cải tạo cơ sở hạ tầng của thành phố đang ngày càng xuống cấp và cần được hiện đại hóa trong bối cảnh ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Theo đó, đợt phát hành đầu tiên quy mô khoảng 100 triệu đô la Mỹ để xem phản ứng thị trường, còn lãi suất ở quanh mức lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam phát hành trên thị trường quốc tế cộng thêm phí bù rủi ro quanh 1-2%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá trong 5 năm qua, lượng kiều hối chảy về khá ấn tượng. Tuy không có số liệu thống kê chi tiết về việc kiều hối đang được sử dụng như thế nào, nhưng đều mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

Còn bàn thêm về việc định hướng dòng kiều hối đến đầu tư, ông Lệnh cho rằng chính sách thì không thể mang tính hành chính, mà vấn đề là người dân thấy có lợi thì sẽ làm.

Còn TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 (cơ chế đặc thù cho TPHCM), nói rằng TPHCM có thể gia tăng nguồn lực đầu tư cho mình theo cơ chế đặc thù. Phương án đầu tiên là tăng tỷ lệ vay nợ từ 70% lên 120%, trong đó có trái phiếu, nhưng riêng trái phiếu quốc tế thì phải xin thêm cơ chế, còn trái phiếu trong nước thì có thể làm được ngay.

Theo ông Lịch, với kiều hối thì bao giờ người dân cũng sử dụng mục đích có lợi cho họ nhất, vấn đề là “nắn cái gì” khi dòng kiều hối thực tế vẫn đang mang đến lợi ích chung cho cả xã hội và cả từng cá thể.

Vị này cũng cho rằng đầu tư hạ tầng không thể lấy kiều hối theo kiểu “gia đình”, mà phải có định chế để đưa tiền vào. Có thể chọn phát hành trái phiếu dự án và có cơ chế để dòng kiều hối mua loại trái phiếu đó, hoặc trái phiếu đô thị đảm bảo bằng ngân sách chính phủ.

“Tất cả dạng trái phiếu thì điều đầu tiên phải là an toàn, tiếp theo người ta mới cân nhắc tỷ lệ sinh lời, có cơ chế để có thanh khoản khi cần tiền. Không thể huy động riêng lẻ, mà phải qua định chế, trong đó vai trò TPHCM đứng ra khởi xướng”, ông Lịch nói.

Ông Lịch cũng kiến nghị cần sớm có dự án thí điểm, xem đây là một bài học để có thể xây dựng những cơ chế cần thiết cho việc “nắn dòng” kiều hối trong tương lai.

Còn TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đề xuất để kiều hối chảy vào đầu tư hạ tầng thì phải mở cơ chế trái phiếu, trong đó việc phát hành trái phiếu công trình phải có dự án cụ thể, rõ ràng.

Ngoài ra, thị trường cũng nên lập các quỹ đầu tư để kiều bào tham gia, trong đó mục tiêu của quỹ có thể là quỹ kiều hối đầu tư hạ tầng, xử lý nước thải, môi trường…tùy sự quan tâm của kiều bào.

“Tư nhân sẽ làm, còn nhà nước chỉ khuyến khích làm, hỗ trợ về cơ chế thì mới hiệu quả. Về cơ chế chính sách phải rõ ràng, tâm lý nhà đầu tư nói chung thì họ chỉ bỏ tiền chỗ quen biết, ổn định và minh bạch”, TS. Điền kiến nghị.

TPHCM là địa phương có liên hệ với khoảng 50% người Việt Nam ở nước ngoài trên tổng số khoảng 5,8-6 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% đang sống ở các nước công nghiệp phát triển, các trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của thế giới.

TPHCM hiện là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, luôn chiếm 38-53% tổng mức kiều hối. Đặc biệt, đây dòng tiền chuyển đơn phương theo hướng 1 chiều về Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng, với mức tăng trung bình 3-7%/năm; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng kiều hối 43,3% so với năm 2022.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phat-hanh-trai-phieu-de-hut-dong-kieu-hoi-vao-dau-tu-ha-tang/