Pháp và 10 quốc gia châu Âu đồng thuận thúc đẩy năng lượng hạt nhân

Ngày 28/2, 11 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) do Pháp dẫn đầu đã thống nhất tăng cường hợp tác phát triển năng lượng nguyên tử để góp phần hướng tới một nền kinh tế phi carbon, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Đức.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp tại Stockholm (Thụy Điển), 11 quốc gia EU bao gồm Pháp, Bungary, Croatia, Cộng hòa Séc, Hungary, Phần Lan, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia thống nhất lập trường chung tiếp tục thúc đẩy các dự án năng lượng hạt nhân mới dựa trên công nghệ tiên tiến cũng như khai thác từ các nhà máy điện hạt nhân hiện có.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Đức. Ảnh: DW

Một nhà máy điện hạt nhân ở Đức. Ảnh: DW

11 bộ trưởng năng lượng các nước trên nhấn mạnh năng lượng hạt nhân là một trong nhiều công cụ cho phép đạt được các mục tiêu khí hậu, sản xuất ra điện năng và đảm bảo sự ổn định về nguồn cung.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh đến các dự án đào tạo chung giữa các nước, cơ hội tăng cường hợp tác khoa học và phối hợp triển khai các phương pháp thực hiện tốt nhất trong vấn đề an toàn hạt nhân.

Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp bà Pháp Agnès Pannier-Runacher bày tỏ mong muốn thành lập một liên minh năng lượng do Pháp dẫn đầu để thể hiện tiếng nói có trọng trong các cuộc đàm phán về lĩnh vực này ở cấp độ châu Âu vốn vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng.

Các nước Đông và Bắc Âu đến nay xác định năng lượng hạt nhân là giải pháp bền vững và ổn định để giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Cuối năm 2011, Pháp và 10 quốc gia trên đã thống nhất công nhận bản chất bền vững của năng lượng hạt nhân, ít phát thải ra khí carbon và ủng hộ việc dán nhãn xanh cho năng lượng hạt nhân trong bảng phân loại năng lượng xanh của châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các dự án mới.

Giữa tháng 2/2023, Pháp tiếp tục thuyết phục được Ủy ban châu Âu (EC) coi khí hydro (hydrogène) được sản xuất từ hỗn hợp điện bao gồm cả hạt nhân trong những điều kiện nhất định như một nguồn năng lượng xanh.

Tuy nhiên, một số nước EU khác, đặc biệt là Đức và Tây Ban Nha, đã phản đối EC liên quan đến các cuộc thảo luận về ấn định tỷ lệ phát triển khí hydro có mức thải carbon thấp do Pháp đề xuất trong các ngành công nghiệp hoặc giao thông đối với mỗi quốc gia thành viên. Đức và Pháp cũng bất đồng lớn trong vấn đề cải cách thị trường điện châu Âu khi Đức muốn gạt ngành hạt nhân của Pháp ra khỏi bảng phân loại năng lượng xanh.

Năng lượng hạt nhân hiện đang chiếm 25% sản lượng điện tại châu Âu. Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp bà Agnès Pannier-Runacher khẳng định năng lượng hạt nhân ít phát thải carbon hơn điện gió và điện mặt trời cũng như một giải pháp hướng tới mục tiêu trung hòa các bon.

“Hãy rõ ràng với nhau là chúng ta đang sản xuất khí hydro có mức thải các bon thấp và nguyên tử cũng là một loại năng lượng có mức thải các bon thấp. Điều này đã được khoa học chứng minh. Năng lượng nguyên tử là yếu tố không thể thiếu được để chúng ta ứng phó với những thách thức về khí hậu, giảm khí thải nhà kính cũng như đối với hoạt động của nền kinh tế Pháp”, ông Runacher nói./.

Mạnh Hà/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phap-va-10-quoc-gia-chau-au-dong-thuan-thuc-day-nang-luong-hat-nhan-post1004824.vov