Pháp luật quy định như thế nào về chế độ miễn tiền sử dụng đất đối với người có công và thân nhân?

Bạn đọc Nguyễn Văn Hiểu ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về chế độ miễn tiền sử dụng đất đối với người có công và thân nhân?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 104 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể như sau:

1. Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945.

b) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

d) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31-12-1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.

đ) Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

2. Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

* Bạn đọc Phạm Văn Phước ở xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, hỏi: Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại khoản 79 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

3. Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.

4. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-che-do-mien-tien-su-dung-dat-doi-voi-nguoi-co-cong-va-than-nhan-718048