Phấn đấu năm 2025 hoàn thành hải quan số

Triển khai chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan là cơ sở vô cùng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số vào năm 2025 và các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.

Số hóa 100% thủ tục hải quan

Thời gian vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số của ngành Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt, giúp ngành khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về hải quan. Đây là cơ sở, động lực để ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong thời gian tới.

Chính vì vậy, chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 tại Quyết định số 628/QĐ‐TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số; hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Đến năm 2030 thì hoàn thành hải quan thông minh.

Về mặt thể chế, tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Đồng thời, yêu cầu và quan điểm phát triển của hải quan trong Chiến lược là: “Lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới”.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hải quan số, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 707/QĐ‐TCHQ về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Những mục tiêu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được đặt ra tại kế hoạch như sau: Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hải quan số; phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành hải quan thông minh; 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa (đến năm 2030, 100% hồ sơ được số hóa); 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Đến năm 2030, phấn đấu các chỉ tiêu khác được số hóa 100%, như: 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan; 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan hải quan...

Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

5 giải pháp

Để thực hiện các mục tiêu trên, theo Cục CNTT và Thống kê Hải quan,Tổng cục Hải quan đang triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng. Đầu tiên, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, cơ quan này đang tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hải quan cho cán bộ, công chức hải quan trong toàn ngành, cho người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, trong đó tập trung qua Cổng thông tin điện tử của ngành Hải quan và qua Tạp chí Hải quan điện tử, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng... Đồng thời khuyến khích tăng cường tương tác giữa cán bộ hải quan với người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội...).

Tiếp theo, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng hoàn thiện pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch phù hợp với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan sửa đổi, bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh và hải quan xanh.

Bên cạnh đó phát triển công cụ để thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan. Cụ thể, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số là công cụ quan trọng giúp ngành Hải quan triển khai các nội dung chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; bảo đảm tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hệ thống phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số.

Đồng thời Tổng cục Hải quan chủ động nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ then chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong quản lý nhà nước về hải quan. Theo đó tập trung triển khai xây dựng hải quan số và Cơ chế một cửa quốc gia cùng Cơ chế một cửa ASEAN bảo đảm đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp theo hướng số hóa. Đồng thời xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với: Các bộ, ngành; các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành; các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh; các bên có liên quan.

Cuối cùng, bảo đảm nguồn lực triển khai chuyển đổi số. Để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số về kỹ năng làm việc; sử dụng và quản trị hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các công nghệ số trong môi trường số…

TIẾN LỘC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phan-dau-nam-2025-hoan-thanh-hai-quan-so-751844