Phản bác luận điệu 'Việt Nam không có tự do tôn giáo' - nhìn từ Bình Phước

Những ngày này, trên các tuyến đường ở Bình Phước rợp cờ Tổ quốc, cờ Phật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2024) và Đại lễ Phật đản 2024. Hình ảnh này không chỉ làm lòng người thêm an yên, hạnh phúc mà các phật tử cũng cảm nhận rõ hơn không khí tươi vui ở cả đạo và đời. Đây cũng là minh chứng sống động đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch rằng: 'Việt Nam không có tự do tôn giáo' (?!) - một thủ đoạn xảo trá nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, dù tinh vi đến đâu cũng sẽ bị vạch trần bởi thực tiễn cuộc sống.

Ngay trong Sắc lệnh số 234/SL ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng ta luôn thực hiện nhất quán việc tôn trọng, bảo đảm cũng như thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, thông qua một số báo cáo nhân quyền, một số nước phương Tây vẫn xuyên tạc, vu cáo “chính quyền Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo” (?!). Chiêu bài mà các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong sử dụng là móc nối, liên kết với các tổ chức phi chính phủ quốc tế lập các dự án về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo nhằm bôi nhọ, tạo hình ảnh, dư luận xấu để hạ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời lấy cớ kích động các phần tử cực đoan, quá khích ở trong nước phá hoại, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Mới đây nhất, tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) ở hải ngoại thường xuyên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Tổ chức này thành lập cái gọi là “Đề án dân quyền Việt Nam”, đưa ra “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” đăng tải trên facebook “Bàn tròn tôn giáo Việt Nam” nhằm chống phá chính quyền Việt Nam trên không gian mạng. Những luận điệu vu cáo và đánh giá thiếu khách quan ít nhiều khiến một bộ phận dân chúng trong và ngoài nước chưa rõ về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam nghi hoặc. Đó cũng là cái “cớ” để những tổ chức, cá nhân thù địch lợi dụng nhằm chống phá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Điều đáng lên án là các thế lực phản động, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam lại rất mơ hồ về chứng cứ. Chúng chỉ “gắn vào miệng” phần tử lưu vong, bất mãn những bài nói mang tính chủ quan vô căn cứ, biến những kẻ phản động thành cái loa di động mang tâm lý kích động, thù hằn. Đồng thời tìm mọi cách bưng bít những thành quả mà các tôn giáo ở Việt Nam đã tạo dựng được nhờ thực hiện đúng đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Bình Phước, hoạt động của các tôn giáo ổn định và lớn mạnh về tín đồ, cơ sở thờ tự... Theo số liệu từ Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước, tính đến đầu năm 2024, Bình Phước có 8 tôn giáo đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hồi giáo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo và Cơ đốc Phục lâm Việt Nam với 380 cơ sở và hơn 248 ngàn tín đồ, chức sắc, chức việc. Đánh giá công tác tôn giáo của Ban Tôn giáo tỉnh năm 2023 cũng cho thấy, tình hình sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn ổn định, phù hợp các quy định pháp luật.

Chính vì được tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi nên các tổ chức tôn giáo rất tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động lớn. Đặc biệt là công tác từ thiện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tăng cường xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 2023, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào công tác thiện nguyện hơn 44,8 tỷ đồng; trao tặng 15 ngàn phần quà cho người hoàn cảnh khó khăn vui xuân đón tết trị giá 5,5 tỷ đồng…

Trụ trì chùa Pháp Huyền (ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) Thích Thánh Trí chia sẻ: Các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp của Phật giáo luôn được các cơ quan có thẩm quyền tham mưu giải quyết kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Các chùa, cơ sở thờ tự... được chính quyền các cấp quan tâm cấp phép, tạo điều kiện để các tôn giáo đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng của chức sắc, chức việc và phật tử nên chúng tôi rất vui và luôn tuân thủ quy định pháp luật theo nguyên tắc “tốt đời, đẹp đạo”.

Hiện nay, công tác tôn giáo ở Bình Phước luôn bám sát và tuân thủ các chủ trương, định hướng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đó là: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”, “Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Mọi người dân không giới hạn về tuổi tác, giới tính, thành phần dân tộc đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đảm bảo cho hoạt động của người dân và các tổ chức tôn giáo bằng các quy định của pháp luật. Nhà nước cũng nghiêm cấm việc lợi dụng các vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thực tiễn cũng cho thấy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Bình Phước luôn được pháp luật bảo hộ và được chính quyền bảo đảm, thực thi trong thực tiễn. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động, rộng khắp, từ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới đến thành phố, thị xã... Lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện của mỗi tôn giáo luôn được tổ chức trang trọng, vui tươi và được Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể... thăm hỏi, động viên kịp thời. Các tôn giáo ở Bình Phước chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo luôn thể hiện vai trò tích cực trong tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, giảm nghèo bền vững, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước và của tỉnh. Đây chính là những bằng chứng sắc bén, bẻ gãy luận điệu xuyên tạc mang tính quy chụp, suy diễn thiếu thiện chí của thế lực phản động, thù địch.

Ngọc Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/157432/phan-bac-luan-dieu-viet-nam-khong-co-tu-do-ton-giao-nhin-tu-binh-phuoc