Nuôi biển công nghệ cao - động lực phát triển bền vững kinh tế biển

'Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tất cả các ngành phải chuyển đổi số, ngành thủy sản cần đầu tư nuôi trồng theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sẽ xuất khẩu 'thẳng tắp', không sợ bị đối tác trả lại hàng. Muốn vậy, cần có quy hoạch bài bản, cấp mã số vùng nuôi trồng, dẫn xuất địa lý, số hóa sản phẩm' - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra nhiệm vụ cấp bách.

Nuôi cá biển quy mô công nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lệ Giang

Nuôi cá biển quy mô công nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lệ Giang

Nhân rộng mô hình chuẩn quốc tế

Chính phủ và các địa phương ven biển đang ưu tiên mọi chính sách, nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp nuôi biển quy mô công nghiệp, có khả năng nuôi ở xa bờ. Sau thành công của giai đoạn nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và nuôi thử nghiệm, Việt Nam đã đi trước so với nhiều nước ở Đông Nam Á trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển khi có những doanh nghiệp nước ngoài sớm đầu tư vốn, công nghệ mới và hình thành chuỗi tiêu thụ toàn cầu.

Từ tháng 2/2006, Công ty Majine Fams ASA, Na Uy nhập toàn bộ thiết bị, kỹ thuật nuôi cá biển của Na Uy vào vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Đây được xem là “thời khắc lịch sử” đánh dấu bước tiến đầu tiên trong nuôi cá biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở nước ta.

Tiếp theo, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đầu tư nghiên cứu nuôi cá chẽm ở vịnh Vân Phong. “Đến nay, công ty tôi đã đầu tư hơn 200 triệu USD, trở thành nhà sản xuất cá chẽm biển lớn nhất thế giới, sản lượng đạt 14.000 tấn/năm. Công ty có 4 nhà máy chế biến ở khu công nghiệp Suối Dầu (Khánh Hòa), 100% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến ở thị xã Ninh Hòa, gần với vùng nuôi. Công ty đã hoàn tất thủ tục xin đầu tư nuôi biển ở tỉnh Kiên Giang, dự kiến sẽ đầu tư thêm 800 triệu USD vào Việt Nam” - ông Josh Goldman, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chia sẻ.

Mới đây, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã hạ thủy chiếc tàu thu hoạch cá và sơ chế hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Mỗi lồng nuôi đạt sản lượng 300 tấn, có hệ thống cho cá ăn tự động đến từng lồng nuôi, đồng thời, lắp hệ thống camera quan sát dưới nước, qua đó biết được tình trạng sức khỏe của cá như thế nào.

“Nói về công nghệ, tổ chức sản xuất và xuất khẩu của Công ty Australis Việt Nam thì không thua kém gì so với ngành công nghiệp nuôi biển của Na Uy hiện đang đứng đầu thế giới. Đảng, Nhà nước ta đã có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển theo hướng quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Mô hình nuôi cá chẽm đạt chuẩn quốc tế của Công ty Australis Việt Nam cần được nhân rộng ra nhiều vùng biển khác, tiến tới nuôi xa bờ” - ông Phùng Đức Tiến đánh giá.

Giải pháp đủ mạnh

“Cần xác định rõ ràng, nuôi cá biển quy mô công nghiệp là kênh đầu tư dài hạn vào sản xuất và tiếp thị mạnh khâu bán hàng. Đây là những công việc luôn đi song hành với nhau. Muốn đạt sản lượng tốt, công việc bảo vệ môi trường cho cả hệ sinh thái lớn là khâu cực kỳ quan trọng, đòi hỏi người nuôi phải nỗ lực làm mỗi ngày và làm thường xuyên. Các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương cần lập ra những bản quy hoạch dài hạn và thực thi một cách nghiêm túc” - ông Josh Goldman nói về hướng phát triển bền vững.

Cá chẽm, cá chim, cá bớp... đang được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ảnh: Lệ Giang

Cá chẽm, cá chim, cá bớp... đang được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ảnh: Lệ Giang

Người nuôi trồng thủy sản đã ý thức nuôi mật độ dày đặc dẫn đến môi trường quá tải, dễ sinh ra dịch bệnh, có nguy cơ bị trắng tay trước biến cố của thiên nhiên. Hiện nay, nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chuyển đổi nuôi cá biển từ bè gỗ, lồng nhỏ sang vật liệu HPE (nhựa) với diện tích lồng nuôi lớn gấp nhiều lần so với lồng cũ, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, mang lại lợi nhuận cao.

Môi trường nuôi, dinh dưỡng, con giống là 3 yếu tố tối quan trọng cho chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi biển quy mô công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói riêng. Hiện nay, các loại giống cá chẽm, cá chim, cá bớp... được người dân, doanh nghiệp chọn nuôi quy mô công nghiệp, vì những ưu điểm vượt trội so với các đối tượng nuôi khác. Mặt khác, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước dễ chấp nhận sử dụng các sản phẩm này.

Người dân, doanh nghiệp nước ta muốn làm lớn, cần phải hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia sản xuất thức ăn thủy sản, chế biến và phát triển thị trường. Đây là cách đi ngắn nhất, hiệu quả, bền vững và giảm thiểu những rủi ro, thất bại.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á thuộc Tập đoàn De Heus, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của Hà Lan khuyến nghị:“Trước đây, Na Uy mới phát triển công nghiệp nuôi cá biển cũng gặp phải tình cảnh cá nuôi bị chết hàng loạt, sản phẩm bán ra thị trường ít người mua, các doanh nghiệp bán phá giá lẫn nhau... giống y hệt như Việt Nam bây giờ. Chính phủ Việt Nam cần có giải pháp đủ mạnh từ sớm, như chương trình nghiên cứu và sản xuất vaccine cho cá biển, sản xuất con giống đạt quy chuẩn cao, bảo vệ môi trường bằng cả hệ sinh thái lớn, chiến lược truyền thông toàn cầu...”.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu nuôi biển theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở vùng biển khơi, với diện tích 30.000ha.

Lệ Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nuoi-bien-cong-nghe-cao-dong-luc-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-post472045.html