Nộp phạt thay người khác được không?

Hỏi: Năm 2023, tôi mua xe ôtô của ông A, đã hoàn tất thủ tục sang tên chủ sở hữu, đăng bộ và lưu thông bình thường, không vi phạm Luật Giao thông. Gần đây tôi được biết trước thời điểm bán xe cho tôi, ông A chạy quá tốc độ, bị xử phạt qua hình ảnh. Tôi được hướng dẫn phải tìm và yêu cầu ông A nộp phạt, nếu không thì tôi phải nộp phạt thay ông A, như vậy có đúng không? (Trần Anh Tuấn, Quận 11).

Trả lời: Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định:

- Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC.

- Xử phạt VPHC là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC theo quy định pháp luật về xử phạt VPHC.

- Xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm...

* Việc xử phạt VPHC được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

- Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh;

- Việc xử phạt VPHC được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền; phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Một hành vi vi phạm (HVVP) chỉ bị xử phạt một lần;

- Nhiều người cùng thực hiện một HVVP thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi VPHC đó. Một người thực hiện nhiều HVVP hoặc vi phạm nhiều lần thì bị xử phạt về từng HVVP, trừ trường hợp HVVP nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng...

* Thời hiệu xử phạt VPHC là 1 năm. Đối với vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt HVVP. Đối với vi phạm đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện HVVP.

Trong thời hạn này mà cá nhân (tổ chức) cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt VPHC được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Theo các quy định nêu trên, cá nhân (tổ chức) nào thực hiện HVVP thì cá nhân (tổ chức) đó bị xử phạt; việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và phù hợp với tính chất, mức độ của HVVP. Tại thời điểm xảy ra hành vi chạy quá tốc độ, ông A là chủ phương tiện nên cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể xử phạt ông A. Quá thời hạn 1 năm là hết thời hiệu xử phạt, cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông A nữa.

Luật gia ĐẶNG THU HIỀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/nop-phat-thay-nguoi-khac-duoc-khong_162195.html