Nông dân Phú Thọ làm giàu với những cây trồng chủ lực, hướng tới 'công nghiệp không khói'

Cùng với cây chè nức tiếng, ngành nông nghiệp huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đang phát triển thành công nhiều loại cây trồng chủ lực, hình thành các chuỗi liên kết bền vững, mang lại thu nhập cao, làm giàu bền vững cho nông dân.

Long Cốc là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nhờ những thay đổi trong phương thức sản xuất, các đồi chè không chỉ cho giá trị kinh tế cao, mà còn “mở đường lớn” để người dân phát triển du lịch sinh thái.

Chè sinh thái “hái ra tiền”

Phát huy thế mạnh của địa phương, năm 2018, HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ tổ hợp tác. Sau hơn nửa thập kỷ phát triển, HTX đang trở thành điểm tựa trong sản xuất, kết nối thị trường và nâng cao thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.

Bên cạnh hoàn thiện quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, HTX đã hình thành mạng lưới liên kết với các hộ dân trên địa bàn phát triển vùng chè an toàn quy mô lớn, xây dựng chuỗi giá trị, từng bước nâng tầm thương hiệu "Chè an toàn Long Cốc".

Chè đang là một trong những cây trồng chủ lực giảm nghèo, làm giàu ở Tân Sơn.

Cụ thể, theo Phó Giám đốc HTX Long Cốc Hà Văn Chinh, HTX đang liên kết với 20 hộ trồng chè với diện tích 37 ha theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Trong quá trình canh tác, HTX chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật, giúp các thành viên, nông dân liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, HTX cũng liên tục đầu tư xây dựng xưởng sản xuất chè với hệ thống máy móc hiện đại, đạt công suất chế biến 4 tấn chè tươi/ngày. Đặc biệt, 70% công đoạn sản xuất của HTX như sao chè, đóng gói hút chân không… hiện đã được tự động hóa.

Nhờ đầu tư mạnh cho khâu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng và thương hiệu sản phẩm của HTX Long Cốc ngày càng được nâng cao. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và một sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Chè của HTX cũng mở cửa thành công nhiều chuỗi siêu thị hàng đầu như Big C, Coopmart, Winmart+... trên toàn quốc, mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang trở thành điểm tựa giảm nghèo, làm giàu cho thành viên, nông dân liên kết, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Hiện, thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX đạt 80-200 triệu đồng/năm, người lao động tại HTX đạt 4,5-5,5 triệu đồng/tháng.

Thúc đẩy sản phẩm chủ lực

Với những đóng góp từ các HTX, cùng chiến lược phát triển đúng hướng của ngành nông nghiệp địa phương, chè Long Cốc nói riêng hay chè Tân Sơn nói chung đang ngày càng khẳng định tên tuổi, thương hiệu, giá trị cao. Riêng tại Long Cốc hiện có trên 700 ha trồng chè VietGAP, hữu cơ, góp phần nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân.

Cùng với chè, ngành nông nghiệp huyện Tân Sơn đang chủ động đa dạng hóa cây trồng, hình thành các sản phẩm chủ lực nhằm đa hướng giảm nghèo, làm giàu cho người dân.

Điển hình, những năm qua, huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí, chuyển giao kỹ thuật để người dân, HTX có thể mở rộng diện tích và nâng tầm thương hiệu lúa nếp đặc sản, với quy mô 200ha tại các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Thu Cúc, Lai Đồng… Ước tính năng suất đạt khoảng 1.000 tấn/năm.

Giống ngô địa phương (ngô nếp) được trồng khoảng 20ha trên địa bàn huyện cũng cho sản lượng hơn 70 tấn/năm. Cây khoai tầng trồng trên 15 ha với năng suất từ 18 – 20 tấn/ha cũng cho thấy tiềm năng vượt trội về kinh tế và an toàn sinh thái.

Sản xuất sạch là nền tảng để Tân Sơn phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Đối với cây ăn quả, huyện thực hiện duy trì trên 400 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 150 ha bưởi, 35 ha cam, quýt, còn lại là các cây ăn quả khác; đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu.

Trong đó, có mô hình trồng bổ sung, ghép cải tạo 6 ha cam, quýt và cấp chứng chỉ VietGap cho 15ha cây ăn quả đã có tại xã Thu Cúc và xã Kiệt Sơn theo Nghị quyết 06/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND huyện.

Ngoài ra, cây chuối phấn vàng được trồng rộng rãi tại nhiều địa phương trong huyện, với quy mô hàng trăm ha, sản lượng trên 3.000 tấn/năm, hứa hẹn không chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện mà có thể mở rộng ra cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Các cây rau đặc sản bản địa như rau sắng, rau chuối… cũng được lãnh đạo huyện khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng. Ngoài ra là các loại cây thuốc, dược liệu quý (Tân Sơn có tới 580 loài cây có giá trị y học cao), các loại chè đặc sản đều được hỗ trợ và khuyến khích mở rộng diện tích.

Hướng tới nông nghiệp xanh kết hợp du lịch

Có thể thấy, chiến lược đa dạng hóa cây trồng, trong đó tập trung nguồn lực phát triển các cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp huyện Tân Sơn đang phát huy hiệu quả. Không chỉ mở hướng giảm nghèo, làm giàu cho người dân mà còn tạo điều kiện để địa phương phát triển nông nghiệp sinh thái, thu hút du lịch.

Dễ nhận thấy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đang dần trở thành điểm nhấn tại huyện Tân Sơn. Như ở xã Xuân Sơn đang sở hữu những hang động, thác nước và cảnh quan đẹp cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, chính quyền địa phương đã xác định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển được 11 homestay, có khả năng phục vụ khoảng 700 lượt khách qua đêm. Năm 2023, xã đã đón gần 9.000 lượt khách đến tham quan, trong đó hơn 2.000 lượt khách lưu trú qua đêm. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, trở thành nguồn sinh kế đối với nhiều người dân trong xã.

Các homestay này ngoài tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Điều thuận lợi là phát triển du lịch giúp người dân không phải ly hương đi làm ăn xa nên khi xã có chủ trương, nhiều người dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Hiện, thu nhập bình quân trong xã đạt 24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,8%, cận nghèo giảm còn 22,5%.

Rõ ràng, những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang giúp huyện Tân Yên đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội.

Với những điểm tựa đang có, thời gian tới, huyện tập trung vào các loại cây trồng chủ lực, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đưa các giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững, kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-phu-tho-lam-giau-voi-nhung-cay-trong-chu-luc-huong-toi-cong-nghiep-khong-khoi-1099577.html