Nông dân Nhật Bản chạy đua với thời tiết khắc nghiệt

Chuẩn bị cho vụ mùa mới, nông dân trồng lúa ở Nhật Bản hy vọng mùa hè năm nay sẽ có điều kiện thời tiết bớt khắc nghiệt hơn so với năm 2023.

Sử dụng giống lúa chịu nhiệt được coi là chìa khóa để ngăn ngừa thiệt hại do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguồn: Reuters.

Tỉnh Niigata thường được biết đến là khu vực trồng lúa hàng đầu của Nhật Bản, nhưng lại có một trong những vụ thu hoạch lúa kém nhất nước này vào năm ngoái. Ông Toru Tanabe - một quan chức của thành phố Agano, tỉnh Niigata - cho biết: “Nhiệt độ cực cao và lượng mưa thấp đã dẫn đến việc hạt lúa bị phấn hoặc nứt nẻ”. Nhiều người lo ngại rằng, nhiệt độ mùa hè ngày càng thiêu đốt ở Nhật Bản có thể có tác động tiêu cực đến năng suất và chất lượng lúa.

Lúa thu hoạch trên đảo Tsushima thuộc tỉnh Nagasaki cũng có nhiều hạt phấn hơn bình thường do nắng nóng khiến nông dân lo ngại về phản ứng của khách hàng.

2023 là năm nóng kỷ lục ở Nhật Bản, dẫn đến sản lượng lúa gạo đạt mức thấp kỷ lục. Mùa hè nóng nực ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi hiện tượng nóng lên toàn cầu gia tăng. Nhật Bản đang chứng kiến xu hướng nhiệt độ cao liên tục trong những năm gần đây, trong đó, giai đoạn 2019 - 2023 được xếp hạng là 5 năm nóng nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu của Nhật Bản mong muốn tìm hiểu những tác động mà sự nóng lên sẽ gây ra đối với cây lúa và những tác động đối với an ninh lương thực của đất nước này.

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu khó có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung gạo nói chung của Nhật Bản, nhưng nắng nóng khắc nghiệt vẫn đe dọa làm giảm chất lượng ngũ cốc và ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Điều đó buộc họ phải thích nghi bằng việc giới thiệu rộng rãi các giống lúa chịu nhiệt được coi là chìa khóa để ngăn ngừa thiệt hại do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng vấn đề quan trọng là: Liệu người tiêu dùng có chịu thích ứng?

Trên khắp Nhật Bản, nhiều biện pháp thích ứng khác nhau đang được thực hiện để giảm thiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với cây lúa.

Mô hình hóa của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho thấy, việc lựa chọn giống lúa là phương pháp thích ứng có khả năng giúp ngăn ngừa tổn thất năng suất lớn nhất. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, tính đến năm 2022, các giống lúa chịu nhiệt chiếm khoảng 13% tổng lượng gạo được trồng ở Nhật Bản theo khu vực, với 3 giống phổ biến nhất là Kinu-musume, Koshi-ibuki và Tsuya-hime. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các giống chịu nhiệt lên 18% vào năm 2026, mặc dù họ chưa đặt mục tiêu xa hơn ngoài thời điểm đó.

Vào năm 2022, bà Yuji Masutomi - người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu thích ứng với biến đổi khí hậu châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia và các đồng nghiệp đã báo cáo rằng, các giống lúa chịu được nhiệt độ cao hơn tới 3 độ C nên được giới thiệu cho đến năm 2040, đặc biệt là ở các khu vực ven biển phía Tây và phía Đông Nhật Bản - nơi được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do nhiệt độ tăng cao.

Tuy nhiên, người tiêu dùng mới là người nắm giữ chìa khóa thành công của các giống chịu nhiệt. “Câu hỏi đặt ra là liệu người tiêu dùng có muốn mua chúng không? Nếu giống lúa chịu nhiệt không bán được thì giá sẽ thấp và nông dân sẽ không muốn trồng nó” - bà Masutomi nói và lưu ý đến sức mạnh thương hiệu mà các giống lúa không chịu nhiệt, như Koshi-hikari trồng ở Niigata, hiện đang được hưởng.

Cho dù nông dân coi nhiệt độ cao là tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu hay đơn giản là thời tiết mà họ phải sống chung, thì một số biện pháp khác có thể được thực hiện để bảo vệ cây lúa khỏi cái nóng mùa hè, mặc dù không có biện pháp nào là giải pháp an toàn hoàn hảo.

Các công nghệ mới có thể được sử dụng để phân tích các kiểu thời tiết và theo dõi điều kiện đồng ruộng. Mặc dù giá của công nghệ giám sát như vậy có thể quá đắt đối với các trang trại do gia đình quản lý, nhưng chính phủ vẫn cung cấp kinh phí để hỗ trợ những nỗ lực đó.

Di chuyển thời gian trồng hoặc thu hoạch là một cách khác mà nông dân có thể cố gắng tránh thiệt hại do nhiệt. Ông Yu Arikawa - thành viên của nhóm nông dân có tư tưởng sinh thái trên đảo Tsushima cũng lưu ý rằng, vụ lúa ở Tsushima đã sẵn sàng cho thu hoạch sớm hơn thường lệ khoảng một tuần trong những năm gần đây.

Một lựa chọn khác là bón phân bổ sung cho cây lúa vào mùa hè cực kỳ nóng bức. Ông Ryuhei Kanda - Phó Giám đốc Phòng Trồng ngũ cốc thuộc Cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết: Trong trường hợp này, phân bón hóa học hoạt động nhanh hơn so với phân hữu cơ, vì vậy tốt hơn nên sử dụng chúng. Tuy nhiên, để đảm bảo nông nghiệp bền vững về lâu dài, chúng ta nên nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào hóa chất thông qua các biện pháp như giống chịu nhiệt và hệ thống dự đoán. Hiện tại, chính phủ đặt mục tiêu đạt được 25% nông nghiệp hữu cơ vào năm 2050.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi lớn: Việc nông dân và các bên liên quan thực hiện các biện pháp thích ứng này có đủ để bảo vệ cây lúa của Nhật Bản trước hiện tượng nóng lên toàn cầu không? Theo ông Toshihiro Hasegawa - nhà khoa học tại Viện Khoa học Môi trường Nông nghiệp của Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm quốc gia, câu trả lời phụ thuộc vào lượng phát thải khí nhà kính trong tương lai.

Sự nóng lên toàn cầu đang tiến triển quá nhanh và việc ứng phó thỏa đáng đang trở nên thực sự khó khăn. Nếu trong khi thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu mà Nhật Bản không tiếp tục nỗ lực hạn chế thì sẽ không có cách nào tránh khỏi thiệt hại.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-dan-nhat-ban-chay-dua-voi-thoi-tiet-khac-nghiet-10279008.html