Nơi lưu giữ những tình cảm của Bác Hồ với xứ Thanh

Lúc sinh thời, thường cứ đến tháng 5 sinh nhật, Bác nói với thư ký của Bác bố trí những chuyến công tác xa để Bác tránh chúc tụng, lễ hội. Bác không muốn cái gì riêng cho mình cả, đời Bác hóa thân tất cả vào dân tộc và nhân loại. Cả cuộc đời Bác Hồ kính yêu là: 'Nâng niu tất cả chỉ quên mình'... Đã 55 năm ngày Bác Hồ đi xa mãi mãi, cứ đến sinh nhật Bác, chúng ta lại nhớ những câu chuyện về Bác, nhớ về những lời dặn dò, những mong muốn của Người.

Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu giữ, trưng bày hơn 400 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần Người về thăm và làm việc tại Thanh Hóa và Thanh Hóa làm theo lời Bác.

Nằm ngay trung tâm TP Thanh Hóa, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và ý nghĩa của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nhật Bác, vào ngày 19/5/2000, công trình Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng. Công trình có diện tích 12.000m2 sau hơn 1 năm xây dựng chính thức hoàn thành, thỏa ước nguyện, tình cảm, lòng tôn kính của mỗi người con xứ Thanh đối với Bác Hồ kính yêu. Ngày 1/9/2001, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành.

Bước vào không gian này, hương ngọc lan ngập tràn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay như chào đón du khách. Nơi đây lưu giữ, trưng bày hơn 400 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần Người về thăm và làm việc tại Thanh Hóa, với 2 chủ đề chính: Bác Hồ với Thanh Hóa và Thanh Hóa làm theo lời Bác. Với sự linh thiêng ấy, ngày 23/8/2018 UBND tỉnh đã xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh đối với Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 87, đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa).

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Trọng Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa, cho biết: Trong năm 2023, đã có hơn 62 đoàn khách, khoảng hơn 5.000 người đến với Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Số lượng khách đến tham quan, dâng hương cao gần gấp đôi năm 2022. Không gian thiêng liêng của Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là những hình ảnh, tư liệu sống mãi với thời gian trong lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa vào ngày 20/2/1947. Ngoài ra, các hình ảnh, tư liệu gắn liền với tuổi thơ của Bác ở Nam Đàn (Nghệ An), thời gian Bác sinh sống, học tập ở Huế, cùng những năm tháng Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được trưng bày tại đây. Đó còn là tấm áo, đôi dép cao su và những đồ dùng hàng ngày rất đỗi giản dị của Bác".

Dù chỉ là những bức ảnh, hiện vật, nhưng với rất nhiều người, mỗi lần được xem, đọc những bức thư khen của Bác khiến ta lặng người xúc động, cảm thấy Bác gần gũi vô cùng. Đặc biệt, tượng Bác Hồ được đúc bằng đồng khổ lớn đặt ở vị trí trang trọng nhất, đó là tấm lòng của những người con Thanh Hóa ghi nhớ tình cảm đặc biệt mà Bác đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa...

Giới thiệu với chúng tôi ông Khánh còn cho biết thêm: Mỗi một cuốn sổ cảm tưởng đều được chúng tôi cất giữ cẩn thận. Bởi những dòng viết đều là tình cảm, cảm xúc và sự tri ân của mọi người với Bác Hồ kính yêu.

Không chỉ là tình cảm, lật giở từng trang cuốn sổ chúng tôi như được xem thước phim tư liệu về các sự kiện quan trọng của tỉnh đã diễn ra trong một năm. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng để ngay ngắn trên bàn là những dòng cảm tưởng của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đề ngày 11/11/2023, có viết: “Với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, hôm nay, tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành kính thiêng liêng trên quê hương Thanh Hóa anh hùng, Đoàn công tác Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, kính cẩn nghiêng mình dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới, người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Xin nguyện đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã chọn, ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...”.

Ngay sau đó là dòng cảm tưởng ghi ngày 26/12/2023: “Đoàn đại biểu dự Hội nghị biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành kính nhớ Bác và xin hứa tiếp tục học tập và làm theo Bác để góp phần đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của các dân tộc anh em”; Và “Đoàn đại biểu cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên Trường Đại học Hồng Đức kính dâng lên Bác nén tâm nhang và những kết quả nhà trường đã đạt được trong năm 2023. Tập thể sư phạm nhà trường xin hứa sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu xây dựng Trường Đại học Hồng Đức trở thành trường đại học thông minh, đổi mới, sáng tạo”...

Kiến trúc sư Hoàng Văn Thịnh - người được giao nhiệm vụ thiết kế và chọn địa điểm, đồng thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người góp phần tạo nên công trình văn hóa ý nghĩa này, KTS Hoàng Văn Thịnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa và nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thanh Hóa vẫn còn nhớ về những ngày đầu tiên từ khi được duyệt bản thiết kế cho đến khi Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành.

Được giao nhiệm vụ thiết kế và chọn địa điểm, đồng thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình, KTS Hoàng Văn Thịnh chia sẻ: “So với nhiều công trình tưởng niệm Bác Hồ trên toàn quốc, công trình Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có quy mô nhỏ hơn, kiến trúc đơn giản hơn. Song, đó là lựa chọn của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa, bởi bản thân Bác là con người không cầu kỳ mà rất giản dị”. Ông Thịnh cho biết thêm: “Công trình được tính toán phù hợp với một công trình tâm linh nhưng phải thể hiện đầy đủ ý nghĩa của thông điệp ghi trên bình phong: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Lãnh tụ kiệt xuất của Nhân dân Việt Nam".

Với ý tưởng khai thác bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam đồng thời thể hiện được những nét độc đáo vừa mang tính hiện đại, vừa thấm đẫm tâm hồn Việt trong công trình kiến trúc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tác phẩm Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhận Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lê Thánh Tông năm 2001, và Giải thưởng Kiến trúc năm 2022 do Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.

23 năm nay kể từ khi Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành cũng là chừng ấy năm đây là địa chỉ đỏ để các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đến dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác. Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP Thanh Hóa đang nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu.

Bài và ảnh: CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/noi-luu-giu-nhung-tinh-cam-cua-bac-ho-voi-xu-thanh-31067.htm