Nỗi bất an trong xã hội phát triển

Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO - Fear of Missing Out) và Nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn (FOBO - Fear of a Better Option) là 2 cảm giác phổ biến của con người hiện nay.

Ảnh: Girinesia.

Lúc lướt bản tin, bạn có thể nhận thấy một cảm giác dấy lên trong mình, có lẽ gọi tên chính xác nhất là: một nỗi bất an. Bạn cảm thấy trong khi mình đang nghịch điện thoại thì tất cả những người đó đang sống một cuộc sống thú vị, sôi nổi, thành công và nói toẹt ra là đáng để đăng lên trang Instagram hơn cuộc sống của bạn. Cảm giác này được gọi là FOMO, viết tắt của cụm từ Nỗi sợ bỏ lỡ - Fear of Missing Out, và những ảnh hưởng của nó đang lan rộng.

Bên cạnh đó còn có khái niệm FOBO, hay Nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn (Fear of a Better Option) là một nỗi bất an rằng điều gì đó tốt hơn sẽ xuất hiện, dẫn đến việc những quyết định đã được đưa ra trước đó có thể bị lung lay. FOBO là một nỗi khổ do có quá nhiều sự lựa chọn, cản trở bạn đi đến quyết định cuối cùng.

Rốt cuộc, bạn sẽ sống trong một thế giới chỉ toàn giả định, đánh lừa chính bản thân và cả mọi người. Bạn trì hoãn việc không thể tránh né thay vì đánh giá, lựa chọn và tiếp tục làm việc. Điều đó chẳng khác gì việc nhấn nút giữ trên đồng hồ báo thức chỉ để trùm chăn kín đầu và tiếp tục ngủ. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu bạn nhấn nhiều lần nút giữ, bạn sẽ bị trễ giờ và phải vội vã lao đến văn phòng, ngày làm việc của bạn sẽ bị đảo lộn và tinh thần cũng tuột dốc. Nhấn nút giữ đồng hồ báo thức có thể đem đến cảm giác dễ chịu trong chốc lát nhưng cuối cùng lại khiến bạn phải trả giá.

Nếu bạn là kiểu người có khuynh hướng sợ bỏ lỡ thì bạn cũng là một ứng cử viên tiềm năng có xu hướng đưa ra những lựa chọn mở. Điểm chung của hai khái niệm này - trong đó bạn đều có quá nhiều sự lựa chọn và cơ hội, cả thực tế lẫn tưởng tượng - chính là chúng đều là sản phẩm phụ của một kỷ nguyên công nghệ hiện đại.

Nhưng trong khi hầu như mọi người đều có thể phát hiện ra FOMO trong cuộc sống và công việc hàng ngày, thì FOBO lại khó đoán hơn nhiều. Không thể nhìn ra nó bằng mắt thường.

Bạn đã bao giờ nghe nói đến người chữa lành vết thương chưa? Nó là một nguyên mẫu tính cách được nhà tâm lý học Carl Jung sáng tạo ra nhằm giải thích tại sao một số người trở thành nhà trị liệu tâm lý.

Jung tin rằng nhiều nhà trị liệu chọn nghề nghiệp này bởi vì chính trải nghiệm khi là bệnh nhân đã mang lại cho họ một thiên hướng đặc biệt muốn giúp người khác giải quyết các kiểu vấn đề tương tự. Họ có thể chỉ đi trước vài bước so với bệnh nhân trên con đường hồi phục, nhưng với những bước tiến đó, họ là những người duy nhất giúp đỡ bệnh nhân.

Dù bạn làm nghề gì, đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, cách giải quyết những thử thách trên cũng chỉ có một: Bạn cần phải học cách để có thể trở nên quyết đoán. Một khi quyết đoán, bạn sẽ không còn sợ hãi khi phải quyết định, gạt bỏ cảm xúc khi suy nghĩ cân nhắc và hành động. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ nhận ra việc bỏ lỡ một cơ hội nào đó không nhất thiết sẽ hạn chế những lựa chọn của bạn.

Trái lại, bạn còn mang đến sự tự do cho bản thân. Thay vì để cuộc sống cứ trôi tuột dần trong khi do dự, bạn sẽ xác nhận mình thật sự muốn gì từ cuộc đời. Bạn sẽ làm cho điều đó thành hiện thực chứ không phải để mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Nỗi lo sợ trong bạn được thay thế bằng niềm tin.

Ảnh: iStock.

Nếu cảm thấy những điều trên đây có lý, thì có lẽ đã đến lúc bạn phải hành động. Mặc dù đã nắm trong tay giải pháp cho những nỗi lo sợ, nhưng sống và làm việc một cách quyết đoán không phải là vấn đề có thể xử lý ngày một ngày hai. Tương tự như việc thiếu quyết đoán có thể dần dần lấn át vào tiềm thức của bạn, bạn cũng sẽ mất thời gian để chấn chỉnh chính bản thân mình. Bạn sẽ thực hiện được điều này bằng cách tuân theo một quy trình bao gồm hai nguyên tắc cơ bản sau:

1. Bạn sẽ học được cách chọn những gì bạn thật sự muốn. Thay vì thu thập tất cả các ý kiến để rồi lãng phí thời gian và năng lượng cân nhắc mọi lựa chọn có thể, bạn sẽ phải quyết định: khép lại tất cả những con đường khác, tiến về phía trước và không ngoái nhìn trong hối tiếc. Khi làm được điều này, bạn sẽ nhận ra rằng quyết định là một con đường thẳng dẫn đến tự do, ngay cả trong một thế giới có quá nhiều lựa chọn.

2. Bạn sẽ tìm thấy được lòng dũng cảm để từ bỏ những thứ khác. Chỉ khi thôi cố gắng làm mọi thứ, bạn mới có thể thật sự có được tất cả - nhờ không có tất cả. Thay vì khao khát có được những gì bạn bỏ lỡ, bạn sẽ cảm thấy thật sự thảnh thơi ngay khi dẹp tất cả mọi thứ khác sang một bên. Bạn sẽ không bao giờ chìm đắm vào những điều mà bạn bỏ lỡ, trái lại, bạn sẽ hướng sự tập trung của mình vào những điều thật sự quan trọng trong đời.

Trong khi FOBO không mang lại cho bạn bất kỳ một giá trị nào nên cần phải bị loại bỏ, thì bạn thật sự có thể tận dụng triệt để FOMO và biến nó thành một động cơ tích cực cho bản thân. Quan trọng hơn cả, bạn có thể thực hiện được điều đó mà không cần phải hy sinh sự tập trung mà bạn đã phải vất vả lắm mới đạt được.

Patrick J McGinnis/NXB Dân Trí, FIRST NEWS

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-bat-an-trong-xa-hoi-phat-trien-post1371625.html