Nỗ lực vì sức khỏe người bệnh

'Để nói về tấm gương điều trị, nghiên cứu khoa học vì người bệnh, bác sĩ Trần Văn Tôn là một trong những điển hình của khoa!'. Từ lời giới thiệu ấy của Thượng tá, TS, bác sĩ Vũ Anh Hải, Chủ nhiệm Khoa Vật lý xạ trị, Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y) chúng tôi tìm gặp Thiếu tá, ThS, bác sĩ Trần Văn Tôn.

Ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc với anh là tác phong nhanh nhẹn, khoa học. Câu chuyện giữa chúng tôi với bác sĩ Trần Văn Tôn liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại. Khi thì anh nhận chỉ đạo nhiệm vụ hội chẩn của cấp trên, lúc thì trao đổi về chuyên môn với đồng nghiệp, lúc lại tư vấn cho các bệnh nhân... Thế nhưng anh vẫn luôn điềm tĩnh tiếp nhận thông tin, đưa ra những câu trả lời nhanh, gọn, những lời khuyên bổ ích cho người bệnh.

Bác sĩ Trần Văn Tôn sinh năm 1986. Tốt nghiệp khóa đào tạo tại Học viện Quân y, anh được giữ lại công tác tại Bệnh viện Quân y 103. Đến nay, bác sĩ Trần Văn Tôn đã hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực, chuyên ngành ung bướu tròn 10 năm. Thời gian không phải là quá dài đối với những thầy thuốc vừa chữa bệnh vừa làm khoa học, nhưng anh cũng kịp tích lũy cho mình bộ sưu tập với hàng chục đề tài, sáng kiến được các cấp công nhận, tặng bằng khen, giấy khen và đoạt giải cao trong các cuộc thi (trong đó có 2 giải nhất, 1 giải nhì, Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội) cùng gần 20 bài báo được công bố.

Gần đây nhất, Thiếu tá Trần Văn Tôn (chủ nhiệm sáng kiến) cùng các bác sĩ điều trị: Trung úy Nguyễn Châu Phong, Trung úy Vũ Thanh Tùng tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23, với sáng kiến: “Kỹ thuật xạ trị điều biến liều thích ứng 2 pha ở bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện Quân y 103” và đoạt giải nhất. Kỹ thuật đã được triển khai thành thường quy cho tất cả bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện Quân y 103.

Bác sĩ Trần Văn Tôn thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân.

Nói về sáng kiến này, bác sĩ Trần Văn Tôn cho biết ở Việt Nam, hầu hết cơ sở xạ trị trong nước đều mới chỉ tiến hành xạ trị điều biến liều 1 pha thông thường. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành cải tiến quy trình xạ trị điều biến liều 1 pha thông thường, xây dựng quy trình xạ trị điều biến liều thích ứng 2 pha đối với bệnh nhân ung thư đầu cổ. Qua đó khắc phục được tình trạng thiếu hụt liều xạ tại tổn thương đích cũng như tình trạng tăng liều hấp thụ tại các tổ chức lành giúp duy trì xạ trị liều cao tại các tổn thương đích; hạn chế tác dụng không mong muốn lên các tổ chức lành, nâng cao hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư và bảo vệ tối đa tổ chức lành...

Theo Thượng tá Vũ Anh Hải, sáng kiến nói trên cùng nhiều thành tựu khác mà bác sĩ Trần Văn Tôn và các cộng sự hoàn thành mang lại lợi ích cho bệnh nhân, đồng thời góp phần khích lệ tuổi trẻ của Khoa Vật lý xạ trị nói riêng, Bệnh viện Quân y 103 nói chung không ngừng học tập, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học ứng dụng trong quá trình chữa bệnh cứu người.

“Với mỗi người bệnh khi xác định mắc căn bệnh ung thư cảm giác như cầm trên tay bản án tử hình và như đứng bên bờ vực của sự sụp đổ, tuyệt vọng. Đồng hành với người bệnh và gia đình họ, từng bước đưa họ trở về với cuộc sống bình thường là niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy thuốc và cũng chính là động lực để chúng tôi nỗ lực, cố gắng hơn mỗi ngày...”, Thiếu tá, bác sĩ Trần Văn Tôn tâm sự.

Bài và ảnh: BÍCH TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/no-luc-vi-suc-khoe-nguoi-benh-767588