Nỗ lực khắc phục tình trạng khai sinh quá hạn ở Sơn La

Vì chậm có giấy khai sinh, nhiều trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã phải chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa.

Để đảm bảo quyền lợi cho trẻ, thời gian qua, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực khắc phục tình trạng khai sinh quá hạn cho trẻ em.

Cán bộ xã, bản ở Vân Hồ tới các hộ để tuyên truyền, vận động bà con khai sinh đúng hạn cho trẻ.

Vợ chồng anh Giàng A P ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) có 4 người con, trong đó có 2 cháu khai sinh muộn so với quy định. Chính vì thế, khi con trẻ đau ốm, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, việc chưa có giấy khai sinh, chưa làm được thẻ bảo hiểm y tế cho con khiến các con anh không được hưởng các chính sách hỗ trợ một cách thuận lợi; thậm chí gặp nhiều khó khăn.

“Do em lấy vợ và có con khi còn trẻ, còn thiếu hiểu biết, nên không nắm rõ về việc khai sinh cho con. Khi các con có bệnh phải đi viện nhưng chưa có thẻ bảo hiểm y tế, gặp khó khăn do thủ tục phức tạp, gặp nhiều khó khăn”, anh Giàng A P chia sẻ.

Gia đình anh Giàng A C cùng ở bản Tà Dê có cháu hơn 1 tuổi, nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký khai sinh. Anh C cho biết: “Đây là con của em trai tôi. Em đi làm nên cháu ở với tôi. Do các em chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên cũng chưa làm giấy khai sinh cho cháu”.

Gia đình anh P và anh C mới chỉ là 2 trong số nhiều gia đình ở bản Tà Dê nói riêng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ nói chung chậm đăng ký khai sinh cho con, cháu mình.

Rà soát trẻ chưa được khai sinh và tổ chức khai sinh lưu động tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho biết, tỷ lệ chậm khai sinh cho trẻ ở xã hiện vẫn còn khoảng 10 đến 20%. Các gia đình có con khai sinh muộn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, bà con chưa hiểu rõ tầm quan trọng của giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân tộc Mông tảo hôn thường chờ đến khi đủ tuổi đăng ký kết hôn mới làm giấy khai sinh cho con em mình.

“Lóng Luông có trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 86%. Trước đây, việc người dân đến trụ sở UBND xã khai sinh rất khó khăn; đến khi các thầy cô vận động học sinh đi học mới đến làm khai sinh cho con của họ. Cấp ủy, chính quyền xã và cơ sở đã vào cuộc, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về việc khai sinh. Đồng thời, tổ chức khai sinh lưu động đến các bản, nhất là những bản khá khó khăn như Lũng Xá, Tà Dê, Co Tang...”, ông Giàng A Dê cho hay.

Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện Vân Hồ, trong số hơn 1.000 trường hợp đăng ký khai sinh trong năm 2021, thì có gần 200 trường hợp khai sinh quá hạn 60 ngày kể từ ngày sinh; hơn 170 trường hợp khai sinh quá hạn cho trẻ dưới 5 tuổi. Con số này tuy có chiều hướng giảm so với những năm trước, nhưng tỷ lệ khai sinh chậm vẫn còn cao; phần lớn các trường hợp này tập trung ở một số xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Chiềng Xuân, Lóng Luông, Tân Xuân, Vân Hồ...

“Phòng đã hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã tích cực tổ chức đăng ký lưu động tại các bản, rà soát những trẻ chưa có giấy khai sinh. Trong công tác tuyên truyền, chúng tôi đổi mới, biên soạn các nội dung ngắn gọn để bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Phối hợp trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật lưu động; đặc biệt là quan tâm các nhóm đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn”, ông Nguyễn Phương Thảo, Quyền Trưởng phòng Tư pháp huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết.

Nỗ lực tuyên truyền để đẩy lùi tình trạng tảo hôn.

Hàng tháng, chuyên trách dân số các xã ở Vân Hồ vẫn miệt mài đến những bản có tình trạng tảo hôn cao để tuyên truyền, vận động với nhiều mô hình, cách làm linh động, phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn ở Vân Hồ vẫn còn phức tạp. Trung bình mỗi năm, huyện vẫn ghi nhận hàng trăm cặp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Không chỉ ảnh hưởng đến việc khai sinh và đảm bảo quyền lợi của trẻ, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn mang đến nhiều hệ lụy, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để khắc phục.

“Tảo hôn là hủ tục lạc hậu diễn ra lâu nay, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, kéo theo tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi trên địa bàn huyện. Để khắc phục tình trạng này, không chỉ ngành y tế, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành; cần có những hội thảo chuyên đề; nên đưa công tác dân số vào quy ước, hương ước của làng, bản, tiểu khu và phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực hiện”, ông Sa Chí Tình, Trưởng phòng Dân số - Truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ nêu ý kiến.

Huyện Vân Hồ cũng như nhiều địa phương có tình trạng khai sinh quá hạn của tỉnh Sơn La đang kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhằm “khơi thông” nhận thức và hành động cho đồng bào các dân tộc. Từ đó đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, góp phần giúp mỗi trẻ sinh ra đều được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/no-luc-khac-phuc-tinh-trang-khai-sinh-qua-han-o-son-la-post935303.vov