Nỗ lực cứu những hiệu sách ở Singapore

Theo nhiều người trong cộng đồng đọc Singapore, quốc gia này cần nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ các hiệu sách đang đứng trước nguy cơ bị 'xóa sổ'.

Đối với những người yêu sách ở Singapore, việc chuỗi nhà sách Times đóng cửa hai chi nhánh tại Plaza Singapura và Waterway Point vừa qua dường như được báo trước. Thời điểm năm 2019, những ký ức khi MPH, Times, Books Kinokuniya đóng cửa các hiệu sách, vẫn in sâu trong tâm trí họ.

Nhiều người trong cộng đồng sách cho rằng giờ là lúc Singapore phải mạnh dạn thử nghiệm các chính sách mới trước khi các hiệu sách bị xóa sổ ở quốc gia này, theo Straits Times.

Một số người đang kêu gọi hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các cửa hàng, miễn thuế hàng hóa dịch vụ cho mặt hàng sách. Số khác thì thảo luận liệu các thư viện hiện đại ở đảo quốc sư tử có đang vô tình giết chết các hiệu sách hay không, cho rằng nên xem xét lại cách phân bổ nguồn tài trợ công cho hai hệ sinh thái này.

Giảm tiền thuê mặt bằng

Nhà thơ và nhà phê bình Daryl Lim, giám đốc mới của Sing Lit Station - tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các nhà văn và độc giả - cho rằng vấn đề nằm ở tiền thuê mặt bằng.

Trích dẫn nghiên cứu năm 2021 của Ủy ban Thư viện Quốc gia (NLB) về thói quen đọc sách, ông cho biết người dân Singapore đang đọc nhiều hơn rõ rệt. Việc các hiệu sách đang gặp khó khăn không phải do nhu cầu của người đọc ít hơn.

"Chúng tôi cần những chủ nhà sẵn sàng giảm giá cho những giá trị xã hội đặc biệt mà các hiệu sách mang lại và hy vọng nhận được sự hỗ trợ, trợ cấp nào đó từ chính phủ. Thật viển vông khi tưởng tượng rằng các hiệu sách sẽ tồn tại được chỉ nhờ vào đam mê và sự hy sinh của những người bán sách", ông nói.

 Nhiều hiệu sách ở Singapore đang gặp khó khăn.

Nhiều hiệu sách ở Singapore đang gặp khó khăn.

Daryl Lim cho biết thêm hỗ trợ tiền thuê mặt bằng là biện pháp hiệu quả nhất dành cho các hiệu sách nếu xã hội công nhận những giá trị văn hóa xã hội các hiệu sách đem lại.

Ông cũng cho rằng bản thân các hiệu sách nên tự chứng minh giá trị của mình, thông qua các sự kiện kết nối độc giả và nhà văn, thông qua các cộng đồng hỗ trợ. "Nhiều hiệu sách tôi yêu thích đã làm điều này", ông cho hay.

"Mối nguy" thư viện công cộng

Với nhà thơ Joshua Ip, ông có quan điểm rằng những thư viện công cộng ở Singapore đang làm tốt vai trò của mình "một cách lố bịch" có thể trở thành điều đáng lo ngại cho các hiệu sách.

"Thư viện có mặt khắp nơi và thuận tiện hơn nhiều so với bất kỳ chuỗi cửa hàng sách nào. Họ có những bộ sưu tập khổng lồ đến mức nực cười, mua sách mới cực nhanh, có rất nhiều không gian đọc thử thoải mái và người đọc chẳng phải lo về lớp bọc nylon trên sách. Độc giả có thể mang sách về nhà, trả lại chúng nếu không thích - đây là một điểm cộng rất lớn", ông nhận xét.

Cả hai bên đang cạnh tranh không chỉ vì độc giả mà còn cả không gian mặt bằng. Joshua nói chủ cho thuê sẽ thấy các thư viện hấp dẫn hơn vì chúng có khả năng đem lại doanh thu ổn định, đồng thời có thể lan tỏa đến cuộc sống của nhiều người hơn, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Ông kêu gọi một cuộc thảo luận rộng rãi hơn giữa các bên liên quan nhằm đưa ra phương án tốt nhất để xây dựng văn hóa đọc: mô hình chỉ toàn thư viện hoặc các hiệu sách tồn tại bên cạnh thư viện với tư cách là nhà cung cấp hàng hóa công cộng được hỗ trợ.

 Người trong cộng đồng đọc cho rằng cần nhiều biện pháp để hỗ trợ các hiệu sách ở Singapore.

Người trong cộng đồng đọc cho rằng cần nhiều biện pháp để hỗ trợ các hiệu sách ở Singapore.

Theo tác giả Gwee Li Sui, Ủy ban Thư viện Quốc gia Singapore cần nghiên cứu cách để các thư viện, hiệu sách và nhà xuất bản cùng tạo ra các hội nhóm đọc thành công.

Các đề xuất khác, chẳng hạn như của nhà thơ Koh Buck Song, bao gồm việc miễn thuế hàng hóa dịch vụ cho việc bán sách để không đánh thuế việc đọc, dù chưa rõ ràng liệu những khoản tiết kiệm nhỏ này có đủ khuyến khích người mua thêm sách nhiều hơn hay không.

Trong khi đó, những người kỳ cựu trong lĩnh vực kinh doanh sách như Kenny Chan, cựu giám đốc cấp cao của Books Kinokuniya và Goh Eck Kheng của nhà xuất bản Landmark Books chỉ ra rằng các hiệu sách thường thuê những người yêu sách - thay vì doanh nhân - điều hành cửa hàng, để họ có thể kết nối với độc giả, biết nên tuyển chọn và trưng bày sách gì. Đây là điều quan trọng các hiệu sách cần lưu tâm.

Ánh Hoàng

Ảnh: Straits Times

Nguồn Znews: https://znews.vn/no-luc-cuu-nhung-hieu-sach-o-singapore-post1463040.html