Ninh Bình: Gấp rút hoàn thiện tuyến đường giao thông lớn nhất từ trước đến nay

Trong những ngày này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đang hân hoan chào mừng Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới với nhiều công trình, phần việc được hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, trong đó tuyến đường Đông - Tây, tuyến đường có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh do địa phương phê duyệt đang được gấp rút hoàn thiện.

Tuyến đường Đông - Tây có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư do địa phương phê duyệt. Ảnh CTV

Tầm nhìn chiến lược

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII xác định 1 trong 3 khâu "đột phá" là tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Trong đó, chú trọng đầu tư những công trình giao thông quan trọng tạo sức bật trong thu hút đầu tư là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế, đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây đoạn qua huyện Nho Quan. Ảnh: Anh Tuấn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung nghiên cứu xác định lợi thế từ nút giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) và các tuyến đường liên vùng, mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp bất thường ngày 12/5/2021, HĐND tỉnh khóa XIV đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường Đông - Tây, giai đoạn I. Đây là kỳ họp bất thường sau khi HĐND tỉnh đã tổng kết nhiệm kỳ, thể hiện sự quyết tâm và cải cách hành chính đồng bộ của tỉnh.

Với tinh thần hành động, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và lên phương án hướng tuyến, quy mô tuyến đường. Lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát tại thực địa với các sở, ban, ngành, địa phương; họp và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà tư vấn hàng đầu cả nước về lĩnh vực giao thông.

Trên cơ sở kết quả thực hiện, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất, đề xuất đầu tư xây dụng tuyến đường Đông - Tây, giai đoạn I đoạn Tam Điệp - Nho Quan và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi khảo sát thực địa ,đồng ý phương án đầu tư dự án. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 22,95 km; quy mô đầu tư giai đoạn I là 4 làn xe; GPMB thực hiện theo quy hoạch 8 làn xe với bề rộng 70 m; dự án đi qua thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan với tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu tuyến đường là kết nối với Quốc lộ 1 qua đường Đồng Giao thuộc phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp; điểm cuối giao với Quốc lộ 12 thuộc xã Văn Phong, huyện Nho Quan; tổng chiều dài 22,9 km. Tuyến đường cũng kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại nút giao liên thông Đồng Giao.

Tuyến đường Đông - Tây bước đầu tạo cực tăng trưởng mới cho vùng phía Nam của tỉnh. Ảnh CTV

Đây cũng là dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh do địa phương phê duyệt, có yêu cầu kỹ thuật cao, khối lượng GPMB lớn nhất. Chỉ sau 10 tháng từ kể từ khi có chủ trương, dự án đã xong các thủ tục đầu tư và tổ chức khởi công vào đúng dịp chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, rút ngắn 50% thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với dự án tương đương.

Dự án được khởi công vào đúng dịp chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh. Ảnh: Trường Giang

Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã cơ bản hình thành tuyến đường trên thực địa và đang từng bước hiện thực hóa thúc đẩy tạo hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam của tỉnh Ninh Bình, bước đầu tạo cực tăng trưởng mới cho vùng Nho Quan, Tam Điệp, tạo ra không gian dư địa mới, đang là địa bàn có nhiều nhà đầu tư quan tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ.

Tạo đột phá

Tuyến đường Đông - Tây được xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ mở ra không gian, dư địa và tạo động lực mới thúc đẩy phát triển khu vực phía Nam của tỉnh, góp phần giảm tải sự phát triển nóng trong vùng di sản, nhất là bảo vê môi trường sinh thái cho Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An. Dần hiện thực hóa tuyến đường kết nối cực phía Tây đến cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, mở ra hướng kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, tạo trục giao thông chiến lược, liên thông đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh Ninh Bình.

UBND huyện Nho Quan tổ chức bàn giao mặt bằng toàn tuyến cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Ảnh: Anh Tuấn

Công tác GPMB được xác định là điều kiện quan trọng quyết định đến hiệu quả, tiến độ và thành công của dự án. Với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo hướng đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm", UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan có tuyến đi qua hoàn thành sớm công tác GPMB phục vụ thi công. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác để trực tiếp xuống hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc trong công tác GPMB ở các địa phương. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời các khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp dự án.

Đến nay đã bàn giao được toàn bộ mặt bằng để thi công dự án. Trong đó, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng của thành phố Tam Điệp là 48,20 ha; huyện Nho Quan là 128,65 ha.

Đồng chí Đặng Xuân Nguyên, Bí thư Huyện ủy Nho Quan nhấn mạnh: Sau 2 năm triển khai công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) đoạn qua huyện Nho Quan đã cơ bản hoàn thành, vượt kế hoạch UBND tỉnh giao cho địa phương 1,5 tháng. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đoàn kết, nhất trí của các cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Nho Quan; đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên, trách nhiệm, kịp thời của chủ đầu tư và nhà thầu với chính quyền địa phương với mong muốn chung là đóng góp xây dựng tuyến đường kết nối lớn nhất từ trước đến nay, mở ra không gian, tạo dư địa và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình nói chung và các địa phương có dự án đi qua nói riêng.

7 km đầu tuyến đã đủ điều kiện khai thác và thông xe trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh CTV

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đại diện chủ đầu tư cho biết: Tuyến đường Đông - Tây là tuyến đường kết nối lớn nhất được tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng. Do vậy, với tư cách là Chủ đầu tư của dự án, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực bám sát sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình; sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành hữu quan và các địa phương để chỉ đạo các đơn vị liên quan, các nhà thầu tập trung cao độ các nguồn lực, khắc phục khó khăn để thực hiện dự án, từ bước thiết lập hồ sơ thủ tục đầu tư đến tổ chức thi công xây dựng.

Hiện nay đã thông tuyến, cơ bản hoàn thành khối lượng đào, đắp nền đường, hoàn thành toàn bộ cầu, cống trên tuyến. Trong đó, đoạn nối từ nút giao Đồng Giao của Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 ra Quốc lộ 1A và kết nối với huyện Nho Quan có tổng chiều dài 7 km đã hoàn thành, đủ điều kiện khai thác và thông xe trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thiện công trình phần còn lại. Việc tổ chức thông xe trong dịp Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới có ý nghĩa quan trọng nhằm ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và các đơn vị tham gia thực hiện dự án trong việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công xây dựng công trình.

Tiếp tục thực hiện quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư công, tập trung triển khai nhanh gọn, dứt điểm từng dự án, đưa vào khai thác, sử dụng, sớm phát huy hiệu quả đầu tư, làm cơ sở và động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung nguồn lực hoàn chỉnh toàn tuyến đường Đông Tây.

Tuyến đường sẽ đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây với cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, mở ra không gian, dư địa và động lực phát triển cho khoảng 50.000 ha phía Nam của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là khu vực rừng núi, sinh thái của huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô và toàn bộ vùng ven biển huyện Kim Sơn. Đồng thời tạo trục giao thông chiến lược, liên thông đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh; kết nối các trung tâm kinh tế với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng rừng núi Cúc Phương và ven biển Kim Sơn đầy tiềm năng; mở ra không gian, tạo dư địa và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình.

Đặc biệt, tuyến đường kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc - Nam...; mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng…

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-gap-rut-hoan-thien-tuyen-duong-giao-thong-lon-nhat/d20240425154022517.htm