Ninh Bình cương quyết chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết loại bỏ hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tích cực bảo vệ môi trường sinh thái biển, xây dựng nghề cá có trách nhiệm, góp phần cùng cả nước tháo gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban Châu âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra kết hợp tuyên truyền cho ngư dân về việc thực hiện các quy định trong khai thác hải sản trên biển.

Nhiều kết quả tích cực

Ninh Bình có chiều dài bờ biển gần 20 km, 68 tàu cá, trong đó có 8 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi (hiện chỉ còn 6 tàu đang hoạt động); 25 tàu có chiều dài từ 12-15 m hoạt động vùng lộng; 35 tàu cá có chiều dài từ 6 dưới 12 m chủ yếu hoạt động tại các bãi ngang, các lạch vùng ven bờ. Sản lượng hải sản khai thác bình quân đạt gần 2 nghìn tấn/năm.

Như vậy, so với 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước thì Ninh Bình có chiều dài bờ biển và quy mô đội tàu đánh bắt nhỏ bé nhất. Tuy nhiên, bám sát yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống khai thác IUU, với ý thức trách nhiệm cao nhất, thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đấu tranh phòng, chống khai thác IUU, khắc phục theo các khuyến nghị của EC, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động trên biển.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền các địa phương tiến hành rà soát, thống kê, nắm thực trạng toàn bộ số lượng tàu cá. Tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các hộ dân về pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, các quy định khi ra khơi, về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá, lao động tham gia hoạt động khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật trước khi xuất bến, cửa sông, cửa lạch.

Trong năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42/2019/ NĐ-CP của Chính phủ đối với 42 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước 242 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Đánh sai vùng khai thác, không mang đầy đủ giấy tờ, không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên, sử dụng công cụ kích điện để đánh bắt. Tuy nhiên các trường hợp vi phạm chủ yếu là các tàu tỉnh bạn sang đánh bắt ở vùng biển Ninh Bình.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp tuyên truyền kết hợp xử phạt, đến nay, 100% tàu cá của Ninh Bình đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cấp giấy phép khai thác và hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định; 6 tàu cá đang hoạt động khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện tỉnh ta cũng không có trường hợp tàu cá nào vi phạm quy định về khu vực, vùng cấm khai thác thủy sản, hay vi phạm vùng biển nước ngoài. Về việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm tra giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng, tuy Ninh Bình không có cảng cá nhưng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cảng Lạch Bạng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và cảng Ninh Cơ (Nam Định) để thu nhật ký khai thác đối với 6 tàu cá xa bờ đang đăng ký neo đậu tại 2 cảng này.

Từ đánh bắt tự do, giờ đây khi được tập huấn, hướng dẫn của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, anh Nguyễn Văn Cường (xóm 4, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn)-chủ tàu cá NB00409-TS nghiêm túc thực hiện quy định trong khai thác thủy sản như: Treo cờ Tổ quốc, sơn màu sơn theo kết cấu tàu, đánh bắt trong vùng biển theo quy định và tuân thủ quy trình pháp lý với lực lượng Bộ đội Biên phòng. "Sau khi được tuyên truyền, tôi hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc chống khai thác IUU. Tôi luôn nghiêm túc chấp hành và còn vận động người thân, anh em, bạn bè cùng chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình khai thác thủy hải sản trên biển với vai trò là Tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn".-anh Cường chia sẻ.

Sở hữu 2 tàu cá khai thác xa bờ, anh Nguyễn Văn Mạnh (xóm 7B, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn) cho biết: Mỗi lần vươn khơi, bên cạnh ngư lưới cụ, đá lạnh, thực phẩm, tôi đều kiểm tra đầy đủ các máy móc giám sát hành trình, ICOM, bộ đàm để tránh tình trạng ngắt kết nối và tàu của tôi cũng chưa từng vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Tôi nghĩ việc này không chỉ vì thể diện của quốc gia, dân tộc mà còn có lợi cho chính ngư dân chúng tôi, bởi nếu tất cả đều đồng lòng chung tay cùng với Nhà nước thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thì "Thẻ vàng" sẽ được gỡ và đầu ra cho sản phẩm đánh bắt sẽ thuận lợi hơn.

Tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo đồng chí Đỗ Văn Chuẩn, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển Nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, qua công tác tuyên truyền, ngư dân đã có nhiều thay đổi về nhận thức và hành động trong việc tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU. Ninh Bình được đánh giá là địa phương thực hiện nghiêm túc và kịp thời các quy định về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về chống khai thác IUU của Ninh Bình vẫn còn một số bất cập, vướng mắc. Nguyên nhân chính là phần lớn tàu cá của tỉnh đều là những tàu có chiều dài, công suất nhỏ, hoạt động ở vùng lộng và vùng ven bờ, neo đậu tại các luồng lạch do không có cảng cá nên việc quản lý các tàu này còn gặp khó khăn. Hải sản khai thác từ các tàu chủ yếu tiêu thụ nội địa, bán cho các vựa, thương lái nhỏ lẻ và không thực hiện được việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc khai thác. Ngoài ra, việc ghi nhật ký khai thác của ngư dân có lúc chưa chi tiết, rõ ràng theo đúng yêu cầu.

Để khắc phục những vấn đề trên, thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đấu tranh phòng, chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU trong tình hình mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chống khai thác IUU. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp, tàu thu mua thủy sản… về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Thắt chặt hơn nữa công tác quản lý tàu cá về việc đăng kiểm, cấp phép hoạt động, kiểm tra, kiểm soát. Tăng cường công tác giám sát quản lý tàu cá, phối hợp quản lý tốt việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên biển. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác hải sản trên biển, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thường xuyên, kịp thời cập nhật, chỉnh sửa danh sách tàu cá của tỉnh trên VNfishbase để cung cấp dữ liệu đến Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tin tưởng rằng, với quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của ngành chức năng và sự đồng hành, ủng hộ của ngư dân trong công tác chống khai thác IUU, Ninh Bình sẽ cùng cả nước sớm gỡ bỏ thành công cảnh báo "Thẻ vàng" của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam, tiến đến phát triển nghề cá bền vững, đảm bảo sinh kế cho ngư dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-cuong-quyet-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap/d20240505214148646.htm