Những triệu chứng viêm phế quản cấp người bệnh dễ bỏ qua

Viêm phế quản cấp thường có biểu hiện gần giống các bệnh viêm đường hô hấp trên, do vậy nhiều người bệnh chủ quan và không điều trị dẫn tới bệnh diễn biến nặng.

Viêm phế quản cấp là bệnh lý gây nhiễm trùng đường hô hấp khá thường gặp. Nhiều người thường chủ quan với các biểu hiện của bệnh nhưng không biết rằng đây là bệnh lý có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách.

Viêm phế quản cấp có biểu hiện gì?

Các triệu chứng của viêm phế quản cấp ở giai đoạn đầu thường khó phát hiện, người bệnh thường chủ quan với các dấu hiệu nhẹ và không điều trị. Khi bị viêm phế quản cấp thường có một số triệu chứng như:

- Ho khan hoặc ho có đờm

- Các biểu hiện toàn thân: mệt mỏi, sốt, chán ăn, ăn kém

- Một số người bệnh có thể gặp các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, sổ mũi, thở khò khè, khó thở…

Thông quan thăm khám triệu chứng, các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định xét nghiệm theo từng trường hợp cụ thể.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng giải đáp nguyên nhân gây viêm đường hô hấp.

Viêm phế quản cấp là bệnh gì?

Viêm phế quản được chia làm 2 nhóm: viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn. Viêm phế quản cấp thường do virus gây ra như: Adenovirus, Corona virus hoặc một số loại vi khuẩn không điển hình như Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumonia. Các loại virus cúm A,B cũng có thể gây ra bệnh viêm phế quản cấp.

Viêm phế quản cấp có lây không?

Người mắc viêm phế quản cấp có thể lây cho người lành thông qua hô hấp (giọt bắn, dịch tiết ở mũi, đờm…) lúc hắt hơi, nói chuyện… Người lành hít phải hoặc chạm, đưa tay lên mũi, miệng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bị viêm phế quản cấp có nguy hiểm không?

Cũng như các bệnh lý đường hô hấp khác liên quan đến virus, viêm phế quản cấp có thể tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu viêm phế quản cấp không được điều trị đúng cách có thể khiến người bệnh nặng hơn hoặc dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như các biến chứng mạn tính, suy hô hấp gây tử vong… Với những người có sức đề kháng giảm khi mắc viêm phế quản cấp có thể để lại biến chứng nặng nề.

Rất nhiều trường hợp người bệnh bị viêm phế quản cấp nhưng điều trị sai cách vì nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp. Người bệnh thường tự ý mua thuốc không kê đơn trong đó có các thuốc kháng sinh, sử dụng lại đơn cũ hoặc đơn thuốc của người bệnh khác… những điều này thường dễ dẫn tới tình trạng kháng thuốc và khiến bệnh kéo dài hơn, gây ra các biến chứng nặng nề. Người bệnh cần lưu ý, viêm phế quản cấp do virus gây ra do vậy khi điều trị cần điều trị triệu chứng như: thuốc long đờm, vitamin, không cần dùng kháng sinh. Chỉ trong một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm khuẩn: ho có đờm mủ vàng, xanh; sốt hoặc thông qua các xét nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn thì có thể dùng kháng sinh, thuốc hạ sốt…

Viêm phế quản cấp nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến người bệnh nặng hơn hoặc dẫn tới các biến chứng nguy hiểm

Khi người bệnh có những biểu hiện bất thường dưới đây cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe:

Ho kéo dài trên 15 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm
Sốt cao từ 38,5 độ
Khó thở

Phòng ngừa viêm phế quản cấp bằng cách nào?

Vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng việc sử dụng điều hòa không đúng cách hoặc lạm dụng điều hòa khiến cơ thể thay đổi nhiệt độ liên tục có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp. Vậy nên khi sử dụng điều hòa, mọi người lưu ý không nên để nhiệt độ quá chênh lệch giữa môi trường bên trong và bên ngoài, không đi ra đi vào phòng điều hòa nhiều lần để tránh cơ thể bị sốt nhiệt, thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Để hạn chế nguy cơ mắc viêm phế quản cấp, người dân cần lưu ý một số biện pháp sau:

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường miễn dịch
Với những người có sức đề kháng kém hoặc khi đến nơi tập trung đông người, người dân nên đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người có nghi ngờ nhiễm bệnh
Người dân có thể tiêm vaccine cúm hàng năm để phòng ngừa một số chủng virus cúm hay gặp.

Cách làm sạch, giải độc phổi nên thực hiện càng sớm càng tốt |SKĐS

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-trieu-chung-viem-phe-quan-cap-nguoi-benh-de-bo-qua-16924050211441356.htm