Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản 'xuất ngoại'

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Nông dân phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) chăm sóc diện tích trồng ớt chỉ địa phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Cây măng xứ Mường vươn tới "trời tây”

Sinh "măng” là cái tên gần gũi, thân quen của bao nông dân, hộ trồng măng tại các xã vùng cao trong tỉnh và đối tác gần, xa mỗi khi nhắc đến ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty CP Kim Bôi, khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy). "Bén duyên” với cây măng ở Hòa Bình từ sự tình cờ, nhưng với quyết tâm và tâm huyết của mình, ông Sinh cùng tập thể Công ty CP Kim Bôi đã thực hiện được hoài bão đưa cây măng xứ Mường vươn ra thế giới.

Nhớ lại những ngày tháng bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu cho cây măng, ông Sinh chia sẻ: "Trong một chuyến lên Hòa Bình năm 2010, tôi ghé thăm Công ty măng Kim Bôi. Lúc bấy giờ, qua cuộc trò chuyện với lãnh đạo công ty, tôi nhận thấy sự chán chường của những người đứng đầu với cây măng. Tình trạng sản xuất ngày càng đi xuống, sản phẩm không ổn định đầu ra trong thời gian dài, do đó làm ăn không có lãi, công việc của người lao động cũng bấp bênh". Nhận thấy đây là cơ hội mới đối với mình, ông ngỏ ý với lãnh đạo công ty muốn mua lại nhà máy. Những người điều hành công ty cũng cần tìm một người quản lý, đầu tư mới để duy trì SX-KD, đồng thời tiếp tục phát triển, xây dựng thương hiệu cho cây măng. Bởi vậy, 7 ngày sau đề nghị của ông Sinh, những bản hợp đồng kinh tế đã được ký kết, những biên bản bàn giao được thống nhất. Từ đó, ông Ngô Đức Sinh trở thành Giám đốc mới của Công ty CP Kim Bôi.

Nhờ nắm rõ được đặc điểm sinh trưởng, đặc trưng của từng loại măng, ông Sinh đã đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm từ cây măng. Đến nay, Công ty CP Kim Bôi chuyên sản xuất các sản phẩm măng búp, măng thái sẵn, măng chua, măng trúc quân tử, măng thái sợi khô, măng khô… có mặt khắp các siêu thị, sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố trong nước và một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh, Đông Âu... Năm 2023, công ty xuất khẩu trên 430 tấn sản phẩm măng tươi, măng chế biến, phở khô, sung muối, dưa cải muối..., tương đương doanh thu trên 20,11 tỷ đồng.

Chinh phục những cột mốc mới

Từ năm 2021 đến nay, nhận thấy mía là loại cây trồng có tiềm năng xuất khẩu lớn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh, có thể mở rộng kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) đã mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu. Từ đơn hàng xuất khẩu mía đầu tiên sang thị trường Đức cuối năm 2021, sản phẩm mía của công ty hiện đã vươn tới thị trường các nước: Hàn Quốc, Anh, Mỹ. Tiến Ngân vẫn là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Hòa Bình chế biến, xuất khẩu mía ở thời điểm này. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, khát vọng đưa những mặt hàng nông sản đặc trưng, chất lượng, giá trị nhất trên mảnh đất quê hương vươn ra thế giới không ngừng thôi thúc người đứng đầu công ty nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật và tìm kiếm các thị trường mới.

Anh Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân cho biết: Bởi là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu còn non trẻ, Tiến Ngân gặp nhiều khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu, giá nguyên liệu cao, năng lực kết nối, tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Thời gian qua, với sự hỗ trợ, đồng hành, kết nối của các đơn vị chuyên môn, ngành nông nghiệp tỉnh, ngoài các đơn hàng mía sang Anh, Đức, Mỹ, công ty vừa xuất khẩu lô sản phẩm ớt muối chua đầu tiên sang Hàn Quốc. Ớt chỉ địa được công ty đối tác trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và quy cách trồng, được phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học và được bón bằng phân hữu cơ. Khi thu hoạch, giá thu mua ớt khá ổn định. Vì vậy, mô hình liên kết trồng ớt tại một số địa phương trong tỉnh được nhận định là hướng đi mới vừa khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện thu nhập, vừa góp phần nâng cao chất lượng nông sản địa phương. Năm nay, Tiến Ngân có kế hoạch tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm mía tươi, ớt muối chua, đồng thời nghiên cứu nhu cầu thị trường để mở rộng thị trường tiêu thụ những mặt hàng nông sản mới, đa dạng sản phẩm.

Những năm gần đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất nông nghiệp có sản phẩm xuất khẩu dần thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm cũng như việc chứng nhận cho sản phẩm xuất khẩu. Năm 2023, toàn tỉnh xuất khẩu chính ngạch nhiều sản phẩm sang thị trường các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc và thị trường một số nước EU; tổng doanh thu đạt trên 978,45 tỷ đồng, trong đó, nhóm sản phẩm nông sản đạt 615,74 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Thời gian qua, có thêm nhiều doanh nghiệp mới xuất khẩu nông sản, sản lượng năm sau nhiều hơn năm trước. Chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì được các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng, từng bước cải tiến để phù hợp với thị hiếu của khách hàng tại các nước nhập khẩu. Qua đánh giá, tỷ lệ giá trị xuất khẩu nông, lâm sản năm 2023 tăng 10,01% so với năm 2022 (năm 2022 đạt 889,39 tỷ đồng). Để phát huy những thành quả này, trong năm nay, Chi cục tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT có các chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến nông sản đến với tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao niềm tin với người tiêu dùng; đồng thời phối hợp trong hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại các mặt hàng, sản phẩm nông sản của các đơn vị trong tỉnh...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/188782/nhung-nguoi-thuc-hien-hoai-bao-dua-nong-san-xuat-ngoai.htm