Những người thầy im lặng của bác sĩ

Ngồi tĩnh lặng trong Đại giảng đường của Đại học Y Dược TP.HCM, anh L.T.H (49 tuổi) nắm chặt tay con trai duy nhất. Anh muốn cậu bé 12 tuổi có thể hiểu phần nào quyết định hiến xác cho y học của cha và bà nội.

Người thầy đầu tiên

Cách đây 7 năm, mẹ của anh L.T.H qua đời ở tuổi 67. Theo ý nguyện của mẹ, anh đã gọi điện thoại đến bộ môn Giải phẫu học (Đại học Y Dược TP.HCM) để sắp xếp đến tiếp nhận thi hài. Mẹ anh H. cũng là người đầu tiên của dòng họ thực hiện nghĩa cử này.

Chiều ngày 23/1, trong lễ tri ân những người hiến thân thể cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu y khoa, anh H. ngồi tĩnh lặng, lắng nghe lời văn tế, lời cảm ơn của thầy trò trường y. Bên cạnh anh là cậu bé 12 tuổi, nghiêm trang chờ vào thăm bà nội.

“Mẹ và tôi đều tin rằng khi mình mất đi mà còn giúp ích được cho đời thì rất nên làm. Bản thân tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục hiến xác cho y học khi qua đời. Vì thế hôm nay, tôi đưa con trai duy nhất đến Lễ tri ân Hoa của đất, để con cảm nhận được sự trân trọng, để hiểu hiến tặng là giúp ích cho đời khi nằm xuống”, anh H. tâm sự.

Hòa vào dòng người từ Đại giảng đường, anh và nhiều thân nhân khác từ tốn tiến vào phòng xác của bộ môn Giải phẫu học. Con đường ngắn và quen thuộc của sinh viên y khoa, nay được trang trí trang trọng. 52 thi hài tĩnh lặng dưới tấm vải trắng, đĩa hoa thơm và những lời cầu nguyện.

Với sự hỗ trợ của các em sinh viên, vợ chồng ông Đặng Quốc Cường (64 tuổi, TP.HCM) đã đến bên cạnh thi hài con gái. Năm 2019, cô gái tên Phúc Lộc qua đời vì bạo bệnh khi đang theo học y khoa tại Đại học Tân Tạo.

Ông Cường nhớ lại, từ khi được học môn giải phẫu, con gái ông đã có ý định hiến xác sau khi mất. Có lần, Lộc đã rủ các bạn học cùng làm đơn nhưng người bạn vẫn chưa sẵn sàng. Lộc nói “Tại sao mình mổ người ta được mà mình không dám hiến?”.

Khi con gái qua đời, vợ chồng ông Cường làm theo ý nguyện, hiến tặng thi hài cho Đại học Y Dược TP.HCM. “Năm ngoái chúng tôi cũng vào thăm con. Mỗi lần đi ngang trường, tôi đều dừng lại và hướng lên đọc kinh cho con và những người nằm đây”, ông Cường tâm sự.

Ở một góc khác, anh Hoàng (38 tuổi, TP.HCM) tặng mẹ bó hoa tươi sau nhiều năm xa cách. “Hiến xác cho y học là ý nguyện của mẹ. Tôi là người giúp mẹ đi làm đơn và cũng là người gọi điện thoại báo cho nhà trường đến tiếp nhận”, anh nói.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng bộ môn Giải phẫu học, Đại học Y Dược TP.HCM, những thi hài được hiến tặng là người thầy đầu tiên, người thầy thầm lặng của sinh viên y khoa. Lễ tri ân cũng như bài học vỡ lòng về y đức với bác sĩ tương lai.

“Một sinh viên y sau này sẽ trở thành bác sĩ, kinh nghiệm thực hành với thi hài là rất quan trọng. Dù cho công nghệ khoa học kỹ thuật y khoa có tiến bộ đến đâu, tiếp xúc các mô hình ảo hay phần mềm tin học hiện đại đến bao nhiêu, chúng ta cũng không thể thiếu thực hành trên những thi hài”, ông nói.

Bài học vỡ lòng về y đức chính là từ những người hiến xác cho y học. Ảnh: GL.

Bài học vỡ lòng về y đức chính là từ những người hiến xác cho y học. Ảnh: GL.

Riêng năm 2023, bộ môn Giải phẫu học, Đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận 1.656 người đến làm hồ sơ hiến tặng và tiếp nhận 32 thi hài.

Như vậy, từ khi khởi xướng đến nay, đã có 34.514 người làm đơn đăng ký và có 909 thi hài được nơi đây tiếp nhận. Sau khi sử dụng xác để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu, hiện bộ môn Giải phẫu học đang bảo quản 128 thi hài.

Từ lễ hội của người đã khuất đến bài học vỡ lòng về y đức

Trong phòng làm việc của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ đặt một bàn thờ, bên trên là ảnh của người đã có công phục dựng lễ Macchabeé ở Đại học Y Dược TP.HCM. Đó là chân dung thầy Nguyễn Quang Quyền, nguyên Trưởng bộ môn Giải phẫu học.

Theo Tiến sĩ Vũ, lễ Macchabeé nhằm tri ân những người đã hiến xác cho y khoa, có nguồn gốc từ phương Tây. Đây là một lễ hội đa sắc, vừa có tính nghi lễ, vừa có không khí hội hè, âm nhạc và vũ hội.

Tại Việt Nam, giai đoạn trước năm 90 của thế kỷ trước, các trường y hầu như đều thiếu xác để thực hành. Một số lượng rất hiếm là từ xác vô thừa nhận.

Năm 1990, Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, người thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên y khoa, Trưởng bộ môn Giải phẫu học của Đại học Y Dược TP lúc bấy giờ, đã khởi xướng kêu gọi hiến xác và phục dựng lễ Macchabeé, có cải biên để phù hợp hơn. Năm 1993, thi hài đầu tiên được tiếp nhận là từ anh Nguyễn Đức Minh - một người khiếm thị.

Ảnh tư liệu: Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Quang Quyền, người phục dựng lễ Macchabeé. Ảnh phải: Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vũ và tác phẩm nổi tiếng của Giáo sư Quyền.

Ảnh tư liệu: Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Quang Quyền, người phục dựng lễ Macchabeé. Ảnh phải: Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vũ và tác phẩm nổi tiếng của Giáo sư Quyền.

"Khi thầy Quyền đăng tin trên báo, người ta bắt đầu gửi đơn và ngày càng nhiều hơn. Những thi hài sau khi được sử dụng cho học tập và nghiên cứu (thường sau 1 năm) sẽ được hỏa táng, gửi về gia đình.

Tôi đã tham dự lễ Macchabeé từ khi là sinh viên rồi đến phụ trách bộ môn, lần nào tôi cũng xúc động và hồi hộp. Sự hiến tặng này là hy sinh, rất vô tư và trong sáng", Tiến sĩ Vũ nói.

Theo quy định, người từ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến xác của mình sau khi chết. Tuy nhiên, quan trọng nhất là khi họ qua đời, gia đình phải đồng thuận và báo tin với bộ môn Giải phẫu để tiến hành tiếp nhận. Nếu người thân chưa thống nhất, ý nguyện của người mất cũng không thể thực hiện.

Hiện nay, Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện song song 2 kỹ thuật bảo quản thi thể: bảo quản bằng hóa chất (xác ướp) và đông lạnh ở nhiệt độ -30 độ C (xác tươi). Việc bảo quản xác đông lạnh mang lại nhiều ý nghĩa cho quá trình học tập, thực hành, tuy nhiên hệ thống trang bị rất tốn kém.

“Thời gian qua, nhu cầu sử dụng xác ngày càng tăng do đào tạo nhiều hơn, chúng tôi có thêm các lớp phẫu thuật thực nghiệm (ghép tạng, thay khớp), hay sinh viên nước ngoài cũng sang học giải phẫu. Trước mắt, chúng tôi vẫn đảm bảo được.

Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y phải đi qua, không có một phương tiện giảng dạy nào tốt hơn chính cơ thể con người.

Trước nghĩa cử của những người hiến thân xác cho y học, chúng tôi cam kết sẽ đào tạo ra những thế hệ thầy thuốc với kiến thức sâu rộng, giàu nhiệt huyết, sẵn sàng phục vụ người bệnh một cách vô tư và trong sáng", Tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-thay-dau-tien-va-tham-lang-cua-moi-the-he-bac-si-2243022.html