Những ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Đông Nam Bộ

Đây là quyển sách đầu tiên có nội dung khảo cứu về những ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Đông Nam Bộ, từ lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc, trang trí, tín ngưỡng, hoạt động phật sự, hệ thống tổ chức, sự đóng góp của ngôi chùa đối với sự phát triển của dân tộc, đất nước và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của các ngôi chùa này hiện nay.

Đây là quyển sách đầu tiên có nội dung khảo cứu về những ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Đông Nam Bộ, từ lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc, trang trí, tín ngưỡng, hoạt động phật sự, hệ thống tổ chức, sự đóng góp của ngôi chùa đối với sự phát triển của dân tộc, đất nước và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của các ngôi chùa trong sinh hoạt tôn giáo hiện nay.

Người Khmer ở Đông Nam Bộ hiện nay có dân số là 172.477 người, chiếm 0,96%, đông thứ ba sau người Kinh và người Hoa. Họ lấy nông nghiệp làm sinh kế chính; và cũng có một số ít người làm nghề buôn bán nhỏ và công nhân. Đời sống kinh tế của họ còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần rất phong phú.

Đây là cộng đồng theo Phật giáo Nam tông và có nhiều lễ hội độc đáo. Các lễ hội này đều mang màu sắc tôn giáo, tạo nên tính đặc trưng của tộc người. Các lễ hội của họ đa phần đều diễn ra tại các ngôi chùa. Vì vậy, ngôi chùa có thể được xem là biểu tượng văn hóa tâm linh quan trọng của cộng đồng.

Hiện nay, ở Đông Nam Bộ có 17 ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer. Những ngôi chùa này đa phần vẫn còn đang trong quá trình xây dựng để hoàn thiện. Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến vai trò chức năng về mặt tôn giáo, văn hóa đối với cộng đồng. Trái lại, những ngôi chùa này còn thể hiện tính đặc trưng quan trọng về mặt tôn giáo, văn hóa của cộng đồng, tạo nên dấu ấn của cộng đồng Khmer ở khu vực Đông Nam Bộ.

Hướng đến việc giới thiệu các ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer trong bối cảnh văn hóa, tôn giáo đa tộc người ở khu vực Đông Nam Bộ, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 17 ngôi chùa tại đây trong suốt thời gian từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2020 để viết thành quyển sách Những ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Đông Nam Bộ nhằm giới thiệu với độc giả.

Quyển sách được chia thành ba phần:

– Phần 1: Giới thiệu tổng quan về người Khmer và Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Đông Nam Bộ. Phần này nhằm cung cấp bạn đọc các thông tin tổng quát về địa bàn, dân số, hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer ở Đông Nam Bộ hiện nay.

– Phần 2: Giới thiệu các ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Đông Nam Bộ. Trong đó, giới thiệu cụ thể về lịch sử hình thành và phát triển, về kiến trúc, về vai trò của từng ngôi chùa trong đời sống tôn giáo, văn hóa của cộng đồng Khmer hiện nay.

– Phần 3: Giới thiệu về đặc trưng các ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Đông Nam Bộ. Nội dung của phần này phân tích các đặc trưng như:

1) Các ngôi chùa ở đây được hình thành muộn so với các ngôi chùa ở Đồng bằng sông Cửu Long và đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện.

2) Các ngôi chùa thể hiện sự tái tạo bản sắc văn hóa của tộc người Khmer ở Nam Bộ.

3) Các ngôi chùa này luôn đảm nhận các chức năng quan trọng về tôn giáo, văn hóa, xã hội trong cộng đồng Khmer ở khu vực này.

Tạp chí Nghiên cứu Phật học trân trọng giới thiệu sách:

NHỮNG NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO NAM TÔNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở ĐÔNG NAM BỘ

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-phat-giao-nam-tong-nguoi-khme.html