Những ngày 'gieo chữ' ở vùng cao

Người dân thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) vẫn kính trọng và trìu mến gọi ông là thầy giáo Dương Văn Phi. Đã rời xa phấn trắng bảng đen mấy chục năm nhưng khi hỏi về cái thuở 'cõng chữ lên non', ông Phi vẫn nhớ như in, đầy xúc động.

Giữa căn phòng với những kệ sách nhiều tầng, ông Phi ngồi đọc miệt mài tài liệu rồi cẩn thận ghi chép lại. Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn cần mẫn làm việc, say mê tìm hiểu. Tác phong đó được hình thành qua những năm tháng làm việc hăng say, hết lòng vì sự nghiệp "trồng người", đặc biệt là thời gian dài công tác nơi vùng cao Tây Bắc.

Cuối năm 1959, khi ấy người thanh niên Dương Văn Phi đang học Trường cấp 2 Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Thời điểm đó có chủ trương thành lập các đoàn công tác lên Tây Bắc giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, văn hóa. Là Bí thư Đoàn trường, Dương Văn Phi xung phong vào đoàn công tác lên vùng cao. Trước ngày đi, các đoàn ở nhiều địa phương cùng tập trung tại Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương.

 Ngoài 80 tuổi, ông Dương Văn Phi vẫn miệt mài ghi chép các thông tin trên sách, báo.

Ngoài 80 tuổi, ông Dương Văn Phi vẫn miệt mài ghi chép các thông tin trên sách, báo.

Lên Hà Giang, Dương Văn Phi được bổ túc về nghiệp vụ sư phạm, rồi sau đó về địa phương công tác. Ngày đặt ba lô trước những lán nứa của Trường Tiểu học Đồng Tâm (xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang), thầy giáo trẻ trào dâng bao nỗi niềm. Biết dạy gì ở đây khi nhìn trước ngó sau là đồi núi, cỏ cây ngút ngàn và muôn vàn thiếu thốn? Trường có 5 lớp phân ra 2 điểm ở bản Trâm và bản Rịa cách nhau 30km. Nếu hôm nào muốn họp hội đồng sư phạm thì giáo viên phải mất 2 ngày đi, về và 1 ngày làm việc. Học sinh thì sinh sống rải rác, phân tán.

Thầy giáo vừa lo đứng lớp vừa lo vận động các em đến lớp theo học. Những em nhà xa ở lại bán trú. Sau giờ học, thầy trò phải tăng gia, vào rừng kiếm rau dớn, măng, trám, bắt cá cải thiện. Khó khăn là vậy nhưng thầy trò cùng cố gắng. Ngày ngày, trong lớp học thưng vách nứa hun hút gió, những tiếng ê a học bài vẫn đều đặn vang lên.

Miệt mài rèn luyện và phấn đấu, năm 1963, thầy giáo Dương Văn Phi được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tâm. Với tinh thần đoàn kết vượt khó, thầy và đội ngũ giáo viên trong trường quyết tâm xây dựng nhà trường trở thành điểm sáng trong dạy và học với hai tiêu chí cơ bản: Một là vận động được nhiều học sinh đến trường, duy trì số lượng học sinh so với số dân luôn ổn định. Hai là xây dựng được hệ thống đồ dùng dạy học phong phú.

Để hoàn thành hai tiêu chí, nhà trường đã kiên trì làm tốt công tác vận động phụ huynh và học sinh. Người thầy khi đó không chỉ dạy mà còn phải dỗ, bỏ nhiều công sức bám lớp, bám bản. Để phục vụ quá trình dạy học, thầy trò cùng sáng tạo ra nhiều mô hình học cụ. Đơn giản như thầy lấy chùm gai bồ kết để minh họa cho từ “tua tủa” giúp học sinh dễ hình dung. Thầy còn chỉ đạo đắp nổi mô hình sa bàn đất nước Việt Nam, viết kịch bản thuyết minh. Nhìn vào sa bàn đó, học sinh có thể hình dung ra địa hình đất nước. Đoàn kết vượt khó, phấn đấu vươn lên, Trường Tiểu học Đồng Tâm vinh dự đạt danh hiệu “Trường tiên tiến” lá cờ đầu trong ngành giáo dục của tỉnh Hà Giang, tổ giáo viên đạt “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa” (năm 1964).

Gắn bó với Hà Giang đến năm 1976, thầy Phi chuyển về Phòng Giáo dục (nay là Phòng Giáo dục và Đào tạo) huyện Thường Tín công tác cho đến khi nghỉ hưu. Nhớ lại quãng thời gian gần 20 năm gắn bó nơi vùng cao, thầy giáo Dương Văn Phi tâm sự: “Niềm vui của người thầy là các thế hệ học sinh sau này trưởng thành vẫn luôn nhớ đến và dành những tình cảm trân trọng đối với mình”.

Bài và ảnh: MINH HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-ngay-gieo-chu-o-vung-cao-767668