Những mối quan tâm của cử tri Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Khi mà câu hỏi ai sẽ là người đại diện cho hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2024 coi như ngã ngũ, sự quan tâm của cử tri giờ đây hướng vào chính sách đối nội, đối ngoại sẽ định hình hướng đi của nước Mỹ trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Duy trì sự năng động của nền kinh tế Mỹ là thách thức với các ứng cử viên tổng thống

Kinh tế là ưu tiên hàng đầu

Với những chiến thắng liên tiếp trong ngày bầu cử “Siêu thứ ba” vào 5-3 vừa rồi, đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đang gần tới màn tái đấu trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới. Trong ngày bầu cử “Siêu thứ ba”, hàng triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu bầu cử sơ bộ tại 15 bang. Đây là ngày bỏ phiếu lớn nhất trong năm, ngoài cuộc bầu cử tổng thống, khi có nhiều bang tổ chức bầu cử sơ bộ và họp kín nhất trong quá trình lựa chọn ứng cử viên ra tranh cử tổng thống của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Hiện ông Biden giành được 1.497 phiếu đại biểu và cần thêm 471 phiếu là cán mốc 1.968 phiếu đại biểu cần thiết để giành tấm vé của Đảng Dân chủ ra tranh cử. Trong khi đó, ông Trump cần thêm 220 phiếu nữa là hội đủ 1.215 phiếu đại biểu cần thiết để giành đề cử của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện cả hai ông đã không còn đối thủ cạnh tranh trong nội bộ đảng của mình và chỉ đợi quyết định đề cử chính thức tại đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Trong bối cảnh đó, mọi sự chú ý của cử tri giờ chuyển sang những vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt, cũng như phương cách giải quyết của từng ứng cử viên. Trước hết là các thách thức về kinh tế liên quan trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của mỗi người. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, gần 75% số người được hỏi coi củng cố nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu, cao hơn bất cứ mục tiêu nào khác.

Về tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng vượt dự kiến, đạt 2,5%, các nguy cơ về suy thoái được đẩy lùi, tiền lương tiếp tục đi lên và lạm phát đã giảm từ 9% xuống còn 3%. Ông Mark Zandi, Nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, dự báo đến cuối năm 2024, lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt ra. Dưới thời ông Biden, 15 triệu việc làm mới được tạo ra, trong đó 800 nghìn là trong lĩnh vực sản xuất và con số này vẫn đang tăng; 16 triệu người Mỹ bắt đầu khởi nghiệp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò của tờ Wall Street Journal mới đây, nhiều cử tri vẫn lo ngại về chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tăng trưởng không đồng đều, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. Còn theo kết quả cuộc thăm dò của hãng tin CNN, có tới 48% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn đang suy giảm. Có tới 55% số người được hỏi cho rằng các quyết sách của chính quyền đương nhiệm đã khiến điều kiện kinh tế trong nước trở nên tồi tệ hơn. Một số nhà kinh tế học cũng nhận định nền kinh tế Mỹ có thể vẫn chưa “ngấm” hết tác động từ các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của việc FED thời gian qua. Lý thuyết kinh tế thông thường cho thấy có thể phải mất tới 2 năm để biện pháp thắt chặt chính sách như vậy “ngấm” vào nền kinh tế, đồng nghĩa nền kinh tế có thể chịu áp lực giảm tốc trong năm nay.

Mối lo nhập cư bất hợp pháp và thách thức cạnh tranh toàn cầu

Bên cạnh kinh tế, nhập cư bất hợp pháp cũng là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều cử tri. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của hãng Gallup cho thấy, khoảng 28% số người được hỏi khẳng định nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, tăng đáng kể so mức 9% vào tháng 8-2023. Việc cử tri Mỹ dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề nhập cư là hoàn toàn dễ hiểu. Dòng người di cư ở khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico đã tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối năm ngoái. Trong năm tài chính 2023, hơn 2,4 triệu người đã vào Mỹ trái phép từ Mexico.

Trong bối cảnh làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang ngày càng trở nên khó kiểm soát, cả hai ứng cử viên là Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đưa ra giải pháp nhưng cách tiếp cận có khác nhau. Ông Biden muốn giải quyết vấn đề bằng cách rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của những người xin tị nạn vào Mỹ từ 7 năm như hiện nay xuống còn 6 tháng. Trong khi đó, ông Trump kiên quyết đòi trục xuất ngay những người tị nạn bất hợp pháp chứ không chờ phải đến khi có phán quyết của tòa án, quy định đang bị những kẻ di cư bất hợp pháp lợi dụng để lưu trú ở Mỹ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng là vấn đề mà cử tri rất quan tâm. Trong trường hợp Tổng thống Biden tái cử, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục xu hướng chính sách đối ngoại ủng hộ chủ nghĩa đa phương nhưng mang tính thực dụng hơn nhằm củng cố vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ. Chính quyền ông Biden chắc sẽ tiếp tục can dự sâu rộng với Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), tái tham gia các thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu năng lượng xanh… nhưng thực dụng hơn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại khi nỗ lực xây dựng các thể chế mới như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), thay vì thúc đẩy các thỏa thuận kiểu cũ hoặc các thỏa thuận thương mại song phương (FTA). Trong khi đó, ông Trump hướng tới khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên”, sẵn sàng rút khỏi các tổ chức quốc tế nếu như ông cho rằng điều đó phù hợp với lợi ích nước Mỹ.

Trong quan hệ với Trung Quốc, dù đều tỏ ra cứng rắn nhưng chính sách của ông Biden và Trump có những khác biệt. Ông Biden tuyên bố muốn “cạnh tranh - chứ không phải xung đột” với Trung Quốc, nhưng chưa ai biết sự cạnh tranh ấy có hình hài như thế nào. Hiện ông Biden đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc xét theo một loạt vấn đề, từ vi phạm nhân quyền tới mối quan hệ của Trung Quốc với Nga. Quan hệ Mỹ - Trung cũng trở nên căng thẳng do sự chỉ trích của Mỹ với các hành vi của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, sự đe dọa quân sự đối với Đài Loan và khả năng cạnh tranh công nghệ ngày càng trở nên mạnh mẽ. Trong khi đó, ông Trump cũng rất cứng rắn. Khi còn đương nhiệm, ông Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Gần đây, ông còn đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tới.

Hiện tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden tiếp tục tái đắc cử có vẻ thấp hơn cựu Tổng thống Trump. Theo một số kết quả thăm dò dư luận mới nhất, ông Biden có khoảng 43-44% cơ hội tiếp tục ở lại Nhà Trắng trong khi cựu Tổng thống Trump nhỉnh hơn chút ít với 46-48%. Ông Trump đang có cơ hội lặp lại lịch sử lần thứ hai khi một tổng thống thất cử ra tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, giống cuộc bầu cử năm 1892. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 11 là thời điểm diễn ra bầu cử sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-moi-quan-tam-cua-cu-tri-my-trong-cuoc-dua-vao-nha-trang-post569468.antd