Những loại rau phải chần trước khi ăn để loại bỏ độc tố

Các loại rau bổ sung vitamin và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên một số loại rau có độc tố nhất định, nếu ăn không đúng cách sẽ gây hại cho cơ thể.

Các loại rau giàu axit oxalic

Việc tiêu thụ thường xuyên các loại rau giàu axit oxalic trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như rau dền, rau chân vịt, rau muống... sẽ hình thành các tinh thể axit oxalic. Các tinh thể axit oxalic làm tắc nghẽn ống thận, các chất độc chuyển hóa trong cơ thể không thể đào thải kịp thời, tích tụ dần trong cơ thể, dễ gây tổn thương thận cấp tính. Vì vậy, khi ăn các loại rau này cần chần qua nước sôi. Tương tự, nhiều loại rau khác chứa axit oxalic như măng tây, súp lơ phải chần qua trước khi ăn.

Có nhiều loại thực phẩm cần phải chần qua nước sôi trước khi nấu chín để loại bỏ chất độc tồn dư

Có nhiều loại thực phẩm cần phải chần qua nước sôi trước khi nấu chín để loại bỏ chất độc tồn dư

Cải bẹ, mộc nhĩ

Cải bẹ có mùi hăng, có thể gây kích ứng đường mũi, đồng thời khiến mắt bị kích ứng và khiến nước mắt chảy ra. Trong quá trình nấu, loại rau này có thể được loại bỏ bằng cách chần với nước sôi. Mộc nhĩ nhất định phải ngâm với nước sôi trước khi chế biến. Điều này có thể làm tăng chất xơ và giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Hơn nữa, mộc nhĩ tươi có chứa chất porphyrin. Bạn có thể làm giảm hàm lượng độc tố bằng cách ngâm trong nước vài giờ hoặc chần qua nước nóng trước khi ăn.

Mướp gai, mướp đắng

Mướp gai là loại rau rất bổ dưỡng, nhưng hàm lượng nitrit cao hơn nhiều so với các loại rau thông thường. Nitrit là tiền chất để tổng hợp nitrosamine gây ung thư. Tuy nhiên, nitrit có khả năng hòa tan trong nước, do vậy, phần lớn nitrit có thể được loại bỏ bằng cách chần qua nước sôi. Như vậy, bạn sẽ thưởng thức loại rau này an toàn hơn. Các loại rau có vị đắng như mướp đắng, rau diếp xoăn… có thể trụng trong nước khoảng 1 phút để giảm bớt phần nào vị đắng.

Các loại rau họ đậu

Sở dĩ ăn các loại đậu sống như đậu lăng, đậu tây có thể gây ngộ độc chủ yếu là do chúng chứa độc tố saponin và độc tố phytohemagglutinin. Sau khi cơ thể con người ăn phải, màng nhầy của đường tiêu hóa bị kích thích, gây ngộ độc đậu. Trong trường hợp nhẹ, có thể gây buồn nôn, nôn nhưng nếu nặng có thể gây chóng mặt, nhức đầu, bỏng dạ dày. Tuy nhiên, hai loại độc tố này đều hòa tan trong nước và không chịu được nhiệt độ cao. Bạn chỉ cần chần qua đậu nước trước khi ăn, hoặc đun nóng hoàn toàn khi nấu, xào đều và nấu chín kỹ để giảm độc tố.

Các loại rau dễ bị dư lượng thuốc trừ sâu

Súp lơ xanh hay trắng là một loại rau bổ dưỡng, giàu chất dinh dưỡng như vitamin C, canxi, sắt, phốt pho… có tác dụng chống ung thư, bổ não. Dù là súp lơ trắng hay súp lơ xanh, do cấu tạo đặc biệt nên dễ dàng tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như trứng, côn trùng trong các kẽ hở. Càng gần lúc thu hoạch nông dân càng sử dụng thuốc trừ sâu nhiều để bảo vệ bông. Nước không thể rửa sạch được vi khuẩn trong súp lơ, nên cần phải chần qua.

Các loại cây thủy sinh

Các loại thực vật thủy sinh như củ năng, củ sen thường mọc ở đầm lầy, ao hồ hoặc ruộng lúa, môi trường sinh trưởng như vậy dễ sinh ra vi khuẩn hoặc bị nhiễm ký sinh trùng. Nếu ăn sống rất dễ bị nhiễm Fasciola brucei và gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chần chúng trước khi ăn, điều này có thể ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng một cách hiệu quả. Ngoài ra, rau giá đỗ ưa những nơi ẩm ướt, ấm áp, rất thích hợp cho vi sinh vật sinh trưởng và sinh sản. Tuy nhiên, những vi khuẩn gây bệnh này sợ nhiệt và có thể bị tiêu diệt bằng cách chần nước nóng.

Chần rau thế nào mới đúng?

Với các loại rau khác nhau cũng có cách chần khác nhau. Chần từ nước lạnh (luộc sơ) áp dụng với các rau củ có vị đắng như măng, củ cải... đun đến khi nước sôi rồi vớt ra và chế biến. Chần nước sôi áp dụng với các loại rau như bina, giá đỗ, cần tây, súp lơ... nhằm giúp nguyên liệu giữ được màu sắc và độ giòn. Khi chần các loại rau lá xanh, một số vitamin và khoáng chất tan trong nước như vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, canxi, phốt pho, kali... có thể mất một chút. Sau khi chần các loại rau củ như các loại họ cà, tỷ lệ giữ lại canxi, phốt pho và kali nằm trong khoảng từ 60% đến 80%; các loại rau ăn lá sẽ làm thất thoát khoảng 50% lượng vitamin B1 và B2. Vì thế cần lưu ý nguyên tắc là chần lửa lớn và nhanh để hạn chế thất thoát chất dinh dưỡng.

Đối với các loại rau ăn lá chỉ nên đun sôi nước, thả rau vào và vớt ra, thời gian chỉ trong khoảng 15-20 giây. Lượng nước nên vừa với nguyên liệu. Khi chần không nên cắt nhỏ nguyên liệu, mà có thể chần nguyên cả cây rau/củ hoặc cắt miếng lớn. Thêm chút dầu hoặc muối vào quá trình này. Muối giúp hạn chế tốc độ khuếch tán các các vitamin. Dầu ăn sẽ tạo thành một lớp màng bảo vệ trên bề mặt rau để cách ly không khí và giữ màu cho rau.

Không cắt nhỏ rau trước khi chần. Việc bảo quản nguyên cây rau sẽ giảm bề mặt tiếp xúc giữa rau và nước. Phương pháp này có thể tối đa hóa việc lưu giữ các chất dinh dưỡng thực phẩm và tránh thất thoát chất dinh dưỡng khi chần. Ngay sau khi chần, hãy thả ngay vào nước lạnh để làm nguội thật nhanh. Nhiệt độ của rau sau khi chần tương đối cao, sau khi ra khỏi nước dễ xảy ra phản ứng oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, do đó, ngâm ngay vào nước lạnh để làm nguội nhanh sẽ giúp khóa chất dinh dưỡng trong rau lại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-loai-rau-phai-chan-truoc-khi-an-de-loai-bo-doc-to-post576796.antd