Những kiến nghị qua thực hiện cơ chế, chính sách

Qua những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp có chuyển biến tích cực, khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực. Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết người sản xuất đều có lợi nhuận. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, một số ngành hàng ghi nhận sự bứt phá; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và là điểm sáng, đặc biệt ghi nhận sự phục hồi đáng kể của mặt hàng thủy sản đông lạnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức lấy ý kiến đóng góp, kiến nghị của UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức lấy ý kiến đóng góp, kiến nghị của UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh

Các chỉ tiêu văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng thực hiện, đạt kết quả tốt, nhất là đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng giúp hoạt động du lịch phát triển. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách trên địa bàn. Qua đó, tỉnh đã có những kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương. Trong đó, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 theo hướng kéo dài hơn thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính và các tài liệu khác cho người có thẩm quyền xử phạt.

Đồng thời xem xét, sửa đổi khoản 1 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và kiến nghị Chính phủ sửa đổi Mẫu Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính số 05 (ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP) theo hướng quy định và hướng dẫn về thẩm quyền lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Cùng với đó, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 theo hướng thẩm quyền lập biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Về niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định về niêm phong tang vật theo hướng niêm phong kho hàng tạm giữ tang vật và giao cho đơn vị bắt giữ chịu trách nhiệm pháp lý đối với máy móc, thiết bị, phương tiện cồng kềnh để thuận lợi, thống nhất trong thực hiện.

Về thời hạn xử lý tang vật, phương tiện vắng chủ, kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định về thời hạn tịch thu tang vật là hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo lần 2 mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để xử lý theo quy định; xem xét, quy định thêm về thẩm quyền điều tra ban đầu của cơ quan Hải quan yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp chứng từ, tài liệu, thẩm quyền áp giải...

Bên cạnh đó, xem xét, bổ sung Luật Viên chức quy định viên chức được cử biệt phái đến làm việc ở nơi được cử biệt phái được hưởng chế độ chính sách theo vị trí việc làm theo nơi biệt phái. Trong trường hợp chế độ chính sách tại nơi biệt phái thấp hơn tại đơn vị cử biệt phái thì được hưởng bảo lưu chính sách tại nơi cử biệt phái đến hết thời gian biệt phái. Quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với công chức, viên chức biệt phái là 3 năm.

Luật Xây dựng năm 2014 quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng, theo đó quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị là không phù hợp thực tế, khó thực hiện, để phủ kín 100% quy hoạch chi tiết phải có lộ trình. Thực tế, trên địa bàn tỉnh, quy hoạch chi tiết chưa bao phủ toàn bộ không gian các đô thị do nguồn lực của tỉnh có hạn. Nếu chờ phải có quy hoạch chi tiết mới cấp phép xây dựng thì làm trì trệ phát triển kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng đời sống người dân. Do đó, kiến nghị Quốc hội quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho phù hợp tình hình thực tế.

Về lấy ý kiến Hội đồng nhân dân về đồ án quy hoạch, kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh theo hướng nhất quán giữa 3 Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nhật Anh

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/nhung-kien-nghi-qua-thuc-hien-co-che-chinh-sach-122461.aspx