Những điểm nhấn chăm sóc sức khỏe Nhân dân: Bài 1 - Bước tiến trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe

Hiện nay, Sở Y tế có 19 đơn vị trực thuộc, gồm 9 đơn vị tuyến tỉnh và 10 đơn vị tuyến huyện. Trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ngành Y tế đã tạo dấu ấn trong thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) các dân tộc trên địa bàn.

>> Bài 2 - Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn

Công tác phòng bệnh luôn được ngành Y tế quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ảnh: Cán bộ trạm y tế xã vùng cao Độc Lập (TP Hòa Bình) tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh.

Công tác phòng bệnh luôn được ngành Y tế quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ảnh: Cán bộ trạm y tế xã vùng cao Độc Lập (TP Hòa Bình) tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh.

Trách nhiệm và tình người trong phòng, chống dịch Covid-19

Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chia sẻ: Các y, bác sỹ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong "trận chiến”, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả. Tỉnh Hòa Bình đã thành lập 6 đoàn cán bộ y tế hỗ trợ

TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và TP Hà Nội phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Với tổng số 566 cán bộ, có 391 cán bộ y tế là nữ, chiếm 69%. Các chị em đã thu xếp công việc gia đình để lên đường thực hiện nhiệm vụ cao cả. Với công việc trong môi trường dày đặc vi rút, thời gian thực hiện nhiệm vụ dài ngày, tới 2 - 3 tháng/đoàn công tác, đó thực sự là bất lợi và khó khăn lớn cho các chị em, trong đó 25 cán bộ y tế tham gia PCD đã bị nhiễm Covid-19. Các đoàn công tác hỗ trợ PCD cho các tỉnh bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các tỉnh đánh giá cao, góp phần giúp dịch bệnh được khống chế, kiểm soát, ổn định trên phạm vi toàn quốc.

Đồng chí Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tỉnh luôn bám sát, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, Bộ Y tế, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp PCD Covid-19. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp PCD, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đảm bảo đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19. Triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép” vừa PCD Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển KT-XH.

Đặc biệt, trong cuộc chiến PCD Covid-19, tinh thần tương thân tương ái của cán bộ và nhân dân trong tỉnh được phát huy cao độ; nhiều tập thể, cá nhân đóng góp lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn… giúp người bệnh, người dân trong vùng cách ly vượt qua khó khăn. Với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng của người dân đã giúp tỉnh làm tốt công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Chất lượng các mặt công tác không ngừng được nâng lên

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, ngành Y tế tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc được đầu tư; đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao năng lực, thực hiện tốt các định hướng của T.Ư về công tác CSSKND.

Là tuyến đầu thực hiện công tác KCB của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh nhận được sự tin tưởng, lựa chọn của người dân. Chị Bùi Thanh Hoa, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chia sẻ: Nhà tôi cách BVĐK tỉnh hơn 30km, nhưng do tôi sinh cháu thứ 2 khi đã 35 tuổi nên chuyển lên đây sinh nở cho yên tâm. Sau khi "mẹ tròn, con vuông”, gia đình cho con tiêm chủng tại Khoa khám bệnh dịch vụ theo yêu cầu, được các y, bác sỹ tư vấn tận tình để tiêm những mũi tiêm phòng đầu tiên cho con...

Đồng chí Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh viện được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, các y, bác sỹ được đào tạo bài bản, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng công việc ngày càng được nâng cao. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng, nhiều bệnh nhân lựa chọn điều trị tại tỉnh, hạn chế chuyển tuyến trên.

Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giao, từ năm 2020 đến nay, hệ thống KCB từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng, với 219 đơn vị công lập thực hiện KCB (BVĐK tỉnh hạng I; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, 10 trung tâm y tế (TTYT) hạng II; 207 trạm y tế và điểm trạm y tế) đáp ứng một phần sự phát triển của y học hiện đại và nhu cầu CSSK của Nhân dân trong tỉnh. Đến tháng 6/2023, tỷ lệ bác sỹ/1 vạn dân đạt 9,47 bác sỹ, số giường bệnh/1 vạn dân đạt 29,4 giường.

Ngành Y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở; đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các TTYT, trạm y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị. Tuyến tỉnh, BVĐK tỉnh được hưởng lợi từ Quỹ Ả rập Xê út đã xây dựng cơ sở hạ tầng (Trung tâm Ung bướu, tòa nhà 9 tầng), mua sắm trang thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về CSSK. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã hoàn thiện giai đoạn II về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ KCB. Có 3 phòng khám đa khoa gồm: Phòng khám và quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh, phòng khám đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Giám định y khoa đang hoạt động và ngày càng được đầu tư bổ sung trang thiết bị, danh mục kỹ thuật để KCB cho người dân.

Nguồn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư xây dựng mới Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm. Nguồn phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đầu tư nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Tuyến huyện, thành phố gồm 10 TTYT cũng cơ bản đáp ứng về cơ sở hạ tầng. Dịch vụ y tế cơ bản đáp ứng được nhu cầu CSSK cho Nhân dân. Các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao, máy móc hiện đại giúp chẩn đoán, điều trị bệnh được các cơ sở y tế đầu tư, nâng cấp. Danh mục kỹ thuật cao được phê duyệt hàng năm; các phương pháp điều trị tiên tiến, điều trị bệnh ung thư, can thiệp tim mạch... được áp dụng giúp người bệnh được điều trị tại tỉnh, không phải chuyển tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư và giảm chi phí cho người bệnh.

Cùng với nhân lực ngành Y tế được tăng cường, công tác xã hội hóa, phát triển y tế ngoài công lập và hợp tác công tư trong lĩnh vực CSSK được đẩy mạnh, góp phần phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Các bệnh truyền nhiễm thông thường không có sự gia tăng đột biến… Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, an toàn thực phẩm, DS/KHHGĐ… được triển khai, thực hiện tốt.

(Còn nữa)

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/180196/nhung-diem-nhan-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-bai-1-buoc-tien-tr111ng-cham-soc,-nang-cao-suc-khoe-.htm