Những dấu hỏi lớn phía sau cuộc đảo chính Niger

Sau khi các lãnh đạo quân đội Niger lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự ở nước này tuần trước, có một số câu hỏi đang được đặt ra: Vì sao lại có cuộc đảo chính, và bên nào sẽ được lợi, bên nào đang thiệt hại?

Vì sao có đảo chính?

Như đã biết, Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị chính các vệ sĩ của ông bắt và quản thúc tại Văn phòng Tổng thống ở thủ đô Niamey của Niger hôm thứ Tư tuần trước. Hai ngày sau, Tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng bảo vệ Tổng thống Bazoum, tuyên bố thành lập chính phủ mới do quân đội điều hành, với người đứng đầu chính là ông.

 Tướng Abdourahamane Tchiani tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự tại Niger. Ảnh: RNZ

Tướng Abdourahamane Tchiani tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự tại Niger. Ảnh: RNZ

Trong tuyên bố trên truyền hình, Tướng Tchiani nhắc lại thông điệp được các chỉ huy quân sự đưa ra trước đó rằng cuộc đảo chính được thúc đẩy bởi "tình hình an ninh của đất nước đang ngày càng xấu đi”. Song một số nhà quan sát chính trị về Niger không đồng ý với tuyên bố đó.

“So với năm 2021 và 2022, chúng ta có thể nói rằng năm 2023 là một trong những năm tốt nhất về mặt chính sách an ninh tại Niger”, Alkassoum Abdourahmane - nhà phân tích chính trị chuyên về vùng Sahel nói. “Lập luận này, như được sử dụng ở các quốc gia Sahel khác liên quan đến các cuộc đảo chính, tôi tin rằng không phù hợp trong trường hợp của Niger”.

Ông Daniel Kere - giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu chính trị CDAM có trụ sở ở nước láng giềng Burkina Faso, quốc gia đã trải qua hai cuộc đảo chính vào năm 2022 - cũng nói rằng những lý do mà quân đội Niger đưa ra là không rõ ràng.

“Tình hình chính trị ở Niger gần như không bị đe dọa như ở các nước khác”, Kere nói. "Ngay cả thách thức đối với chủ nghĩa đế quốc trên thực tế cũng không phát triển đủ ở Niger để biện minh cho cuộc đảo chính này. Và, nếu chúng ta phân tích lời giải thích của những kẻ âm mưu đảo chính, thì chúng ta không thấy bất kỳ động cơ cơ bản nào có thể biện minh cho việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Bazoum”.

Trên thực tế, cuộc đảo chính ở Niger được xem như hệ quả của một làn sóng đảo chính đang lan rộng tại khu vực Sahel của Tây Phi, vùng đất đất rộng lớn khô cằn phía nam sa mạc Sahara. Đây là cuộc đảo chính thứ 6 tại khu vực Sahel, và là thứ 7 ở Tây và Trung Phi, chỉ trong vòng 3 năm qua.

Kể từ năm 2020 đến nay, lực lượng quân đội đã lật đổ các tổng thống của Mali (tháng 8/2020 và tháng 5/2021), Guinea (tháng 9/2021) và Burkina Faso (tháng 1 và tháng 9/2022). Nằm ở trung tâm khu vực Sahel, Niger cũng từng chứng kiến 4 cuộc đảo chính thành công và nhiều âm mưu đảo chính bị dập tắt kể từ khi giành độc lập từ Pháp vào năm 1960 đến nay.

Có thể nói, đảo chính đã trở thành phương tiện quen thuộc để các lãnh đạo quân sự tại Tây Phi thâu tóm quyền lực. Ngay bản thân Tổng thống Bazoum cũng từng dẹp tan một âm mưu lật đổ vào năm 2021, chỉ ít tháng sau khi ông đắc cử. Và nhân vật giúp Tổng thống Bazoum trấn áp thành công cuộc đảo chính năm ấy chính là… Tướng Tchiani, người vừa tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của Niger.

Ai mất gì vì đảo chính?

Người dân Niger, vốn đang sống trong hoàn cảnh kinh tế kém phát triển và thiếu thốn đủ đường, đương nhiên là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bất cứ biến cố chính trị nào.

Nhưng trên bình diện quốc tế, Pháp là nước chịu thiệt hại đầu tiên và rõ ràng nhất. Sau khi phải triệt thoái lực lượng đặc nhiệm khỏi Mali vì cuộc đảo chính ở nước này, Pháp nhiều khả năng cũng phải rút 1500 quân đang đồn trú tại Niger, lực lượng trước đó vẫn đang sát cánh cùng quân đội của Tổng thống Bazoum trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nhưng rút quân mới chỉ là thiệt hại nhỏ. Ảnh hưởng của Pháp có thể sẽ mất sạch tại Niger sau khi ông Bazoum, nhà lãnh đạo có xu hướng thân phương Tây, bị phế truất. Tâm lý thù ghét Pháp, được thúc đẩy bởi quá khứ thuộc địa, vẫn âm ỉ nơi người dân Niger. Hôm thứ Hai, hàng nghìn người dân nước này đã tụ tập trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey, trưng biểu ngữ phản đối Pháp và đốt cổng tòa đại sứ.

 Tổng thống Niger, Mohamed Bazoum được xem là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Tây Phi. Ảnh: Al Jazeera

Tổng thống Niger, Mohamed Bazoum được xem là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Tây Phi. Ảnh: Al Jazeera

Ngay sau cuộc đảo chính, Pháp cùng Liên minh châu Âu đã tuyên bố phản đối cuộc đảo chính, đồng thời dừng tất cả các viện trợ tài chính và quân sự cho Niger. Nhưng cũng giống như tại nước láng giềng Mali, khả năng Pháp có thể làm gì để đảo ngược tình thế tại Niger và vãn hồi quyền lực của chính phủ dân cử là rất thấp.

Cũng ảnh hưởng như Pháp còn có Mỹ. Trước đảo chính, Niger của Tổng thống Bazoum là đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến lược chống khủng bố tại Tây Phi, nơi các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày càng lan rộng tầm ảnh hưởng.

Mỹ có khoảng 1100 quân đang đóng tại Niger, với phần lớn đồn trú ở sân bay quốc tế Niamey, nơi bố trí những máy bay không người lái. Còn lại là lực lượng đặc nhiệm đang đào tạo và hỗ trợ quân đội Niger cho nhiệm vụ chống khủng bố.

Lực lượng này hiện vẫn đang án binh bất động. Nhưng khả năng họ phải rút khỏi Niger cũng không hề thấp, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ sự ủng hộ kiên định với Tổng thống bị lật đổ Bazoum. Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, hôm 29/7 đã tuyên bố cuộc đảo chính tại Niger đang khiến “hàng trăm triệu USD viện trợ cho người dân nước này gặp nguy hiểm”.

Ai được lợi từ sự bất ổn ở Niger?

Các nhà quan sát chính trị cho rằng, cuộc đảo chính ở Niger sẽ còn diễn biến phức tạp vì dường như chính Tướng Tchiani cũng chưa thực sự thâu tóm đầy đủ quyền lực. Bằng chứng là phải mất 2 ngày đàm phán, phe đảo chính mới chọn ra được người đứng đầu chính quyền quân sự mới.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), nơi Niger cũng là thành viên, đã quyết định cấm vận nước này đồng thời đe dọa sử dụng vũ lực nếu các nhà lãnh đạo quân sự ở Niger không trao trả quyền lực cho chính phủ dân cử trong vòng 2 tuần nữa. Phía đảo chính, dĩ nhiên không chấp nhận lời đe dọa và tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng nếu có một cuộc can thiệp quân sự.

 Quân đội Niger dưới thời Tổng thống Bazoum đang phối hợp với Pháp và Mỹ để chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan. Ảnh: Global News

Quân đội Niger dưới thời Tổng thống Bazoum đang phối hợp với Pháp và Mỹ để chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan. Ảnh: Global News

Bức tranh còn rối ren ấy là môi trường lý tưởng mà các tổ chức Hồi giáo cực đoan mơ ước. Trong khoảng 6 năm qua, những lực lượng khủng bố thánh chiến này đang ngày càng mở rộng hoạt động tại Tây Phi. Theo quân đội Mỹ, chỉ riêng các nhóm vũ trang có liên hệ với Al Qaeda đã tiến hành hàng nghìn cuộc tấn công ở Mali, Niger và Burkina Faso kể từ năm 2017 đến nay,

Hiện tại, làn sóng khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan đang tiến về các khu vực phía bắc của Bờ Biển Ngà, Togo và Benin. Ngoài ra, giới chức tình báo Mỹ cũng cho hay, những lực lượng thánh chiến cũng đang để mắt tới Ghana, một nước lớn ở khu vực Sahel với đông đảo người Hồi giáo sinh sống ở phía bắc trong điều kiện tương đối nghèo khổ.

Bản thân Niger cũng đang phải vật lộn với hai làn sóng thánh chiến - một ở phía tây nam, tràn vào từ nước láng giềng Mali vào năm 2015, và một ở phía đông nam, liên quan đến nhóm khủng bố Boko Haram ở đông bắc Nigeria.

Do đó, theo chuyên gia về vùng Sahel, ông Abdourahmane Alkassoum thì cuộc đảo chính tại Niger có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. “Nếu Niger sụp đổ, thì tất cả ECOWAS sụp đổ, và tất cả Sahel cũng sụp đổ”, Alkassoum nói, đồng thời dự đoán cuộc đảo chính ở Niger sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với an ninh của Nigeria, quốc gia có chung đường biên giới dài hơn 1.000 km với họ.

“Cuộc chiến của Nigeria với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Đông Bắc phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp xuyên biên giới với Niger”, ông Alkassoum nhấn mạnh.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-dau-hoi-lon-phia-sau-cuoc-dao-chinh-niger-post258643.html