Những cuộc gặp gỡ xúc động ở Trường Sa

Chuyến công tác đầu tháng 5 thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/7 Huyền Trân đọng lại trong tôi thật nhiều cảm xúc. Ở nơi ấy, có những cuộc gặp gỡ bất ngờ và vô cùng xúc động giữa trùng khơi.

Thầy Tuấn (hàng sau) cùng một số thành viên đoàn công tác bên cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn.

Thầy Tuấn (hàng sau) cùng một số thành viên đoàn công tác bên cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn.

Gặp nhau nơi đảo xa

Sau 30 giờ trên biển, điểm đến đầu tiên của Đoàn công tác số 15 là xã đảo Song Tử Tây. Chị em chúng tôi rủ nhau mặc áo dài lên đảo. Vừa vào đảo, tôi bất ngờ gặp Cao Văn Giáp - cậu học viên cũ nay làm Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây. Giáp đi Trường Sa lần này là lần thứ 2. Đã 9 năm xa cách, không ngờ cô trò được gặp lại nhau giữa biển trời của Tổ quốc. Em luýnh quýnh mời tôi ghé thăm nơi em làm việc và bảo năm sau về sẽ tặng cô một quả bàng vuông làm kỷ niệm cho cuộc gặp gỡ Trường Sa. Cũng trên đảo Song Tử Tây, tôi và Trang, cô bạn cùng đoàn công tác trò chuyện với bộ đội, hỏi thăm các chiến sĩ về điều kiện sinh hoạt trên đảo. Đến lúc chia tay, một chiến sĩ đem tặng bó hoa vừa hái, được bó rất khéo làm tôi và Trang xúc động đến bối rối, chỉ kịp chụp vội bức ảnh bằng điện thoại để lưu lại tình cảm mộc mạc, dễ thương. Trang mang bó hoa về tàu và tấm tắc mãi về bộ đội.

Điểm đến thứ hai là đảo Cô Lin. Buổi sáng hôm ấy, trước khi xuống xuồng sang đảo, cả đoàn đã dự Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở vùng biển Gạc Ma được tổ chức ngay trên boong tàu với sự chuẩn bị rất chu đáo. Đoàn công tác hơn 200 người xúc động thắp hương, thả hoa và hạc giấy để cầu nguyện cho anh linh các liệt sĩ đã nằm lại giữa lòng biển cả quê hương.

Sau Cô Lin, đoàn đến thăm quân và dân xã đảo Sinh Tồn. Trong phòng tôi có Phan Thị Thùy Trang đi thăm bố ở đảo này. Trang kể, bố em là thầy giáo Phan Quang Tuấn, đã tình nguyện đăng ký đi Trường Sa khi biết đảo cần giáo viên tiểu học. Bố làm cả nhà bất ngờ vì mãi đến khi nhận được danh sách các cán bộ ra công tác ở Trường Sa mới thông báo với gia đình. Lúc ấy, mọi người tỏ ra lo lắng cho sức khỏe tuổi ngũ tuần sẽ vất vả ở nơi đầu sóng, nhưng khi hiểu được ước nguyện của bố thì cả nhà đều ủng hộ và động viên. Trang đi thăm bố chỉ mang theo vài loại trái cây và một ít thuốc, đặc biệt là thuốc chống say sóng để phòng cho chuyến bố em sắp được nghỉ hè về thăm nhà. Vì mong được gặp bố nên từ buổi trưa, em đã ra đứng sẵn chỗ xuống xuồng để được sang xuồng sớm. Hai bố con ngóng nhau suốt từ lúc tàu xuất bến ở Quân cảng Cam Ranh nên vừa lên đảo, bố con gặp nhau mừng rỡ, hỏi han ríu rít. Cả mấy chị em chúng tôi cũng theo thầy Tuấn - bố Trang về thăm nơi ở. Căn phòng nhỏ chỉ có chiếc giường, chiếc giá sách và bộ bàn ghế.

Đảo Sinh Tồn xanh mướt. Nhờ vậy, nắng không quá gắt và chiều trên đảo như dịu dàng hơn, lắng trong câu hát của Đội văn nghệ xung kích, khiến cuộc gặp gỡ của cha con thầy giáo Tuấn thêm bịn rịn. Cũng trên đảo Sinh Tồn, khi cùng Nguyễn Thị Thúy Anh - cán bộ UBMTTQ Việt Nam tỉnh đi thăm cán bộ mặt trận trên đảo thì tôi gặp Lương Đức Hiếu. Gặp lại cô giáo cũ, Hiếu vui lắm, em mời tôi và Thúy Anh ghé thăm nơi làm việc cũng là nơi ở, rồi tặng chị em tôi mỗi người một chiếc vỏ ốc Trường Sa. Món quà đơn sơ mà gói bao tình cảm, nối đảo và bờ.

Tác giả (bìa trái) cùng một số chị em đoàn công tác gặp lại học viên cũ Lê Thành Văn Khôi ở thị trấn Trường Sa.

Tác giả (bìa trái) cùng một số chị em đoàn công tác gặp lại học viên cũ Lê Thành Văn Khôi ở thị trấn Trường Sa.

Đến thị trấn Trường Sa, tôi bất ngờ gặp lại Lê Thành Văn Khôi và Nguyễn Ngọc Hòa, 2 học viên cũ. Khôi học lớp Trung cấp Lý luận Chính trị K164, mới tốt nghiệp năm ngoái. Khôi là Trưởng đại diện của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang tại Trường Sa. Em mới ra Trường Sa hồi tháng 4-2024. Cơ quan Cảng vụ Hàng hải luân phiên cử anh em của bộ phận pháp chế an toàn hàng hải ra Trường Sa để đảm bảo công tác này. Còn Nguyễn Ngọc Hòa học Trung cấp Thanh vận khóa 2, lớp tôi chủ nhiệm, tốt nghiệp đã gần 15 năm. Em xung phong ra Trường Sa, hiện nay làm công chức văn phòng. Hòa và Lương Đức Hiếu công tác ở Trường Sa đã gần 1 năm. Lớp của Hòa có lập nhóm để mọi người trò chuyện nhưng ở đảo Internet chưa tốt nên Hòa nhắn nhủ “cô cho em gửi lời thăm các bạn nha cô!”. Chỉ bấy nhiêu đó mà nghe thật xúc động, bởi bây giờ để trò chuyện online cùng bạn bè cũng không dễ dàng.

Gặp lại học viên cũ đã là những hạnh ngộ. Hạnh ngộ nơi biển khơi sóng gió như thế này thật sự rất bất ngờ và vô cùng xúc động. Tôi tự hào về các bạn, chỉ mong các em luôn khỏe và vững vàng.

Tiếng lòng giữa trùng khơi

Tại mỗi nơi đến, đoàn công tác đều tặng quà, thăm hỏi động viên, chụp ảnh kỷ niệm ở cột mốc chủ quyền và giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo. Các chiến sĩ rất vui, nhiệt tình tham gia giao lưu hát và nhảy múa cùng đội văn nghệ. Có chiến sĩ hát rất hay, còn hứa hẹn ngày ra quân sẽ gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng của tỉnh. Ở đâu cũng vậy, phút gặp mặt, giao lưu đầy phấn khởi và phút chia tay đầy bịn rịn, quyến luyến. Lần nào các chiến sĩ cũng đứng vẫy tay chào mãi đến khi chiếc xuồng cuối cùng về đến tàu, những cánh tay và ánh mắt lưu luyến gửi biết bao nhiêu là mến thương. Khi tàu chia tay Trường Sa, quân và dân đứng ở cầu cảng hát vang những khúc hát hào hùng. Tiếng hát như bay trên ngọn sóng, âm vang thật kiên cường: “đảo này là của ta, biển này là của ta,… dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…” (Khúc quân ca Trường Sa). Thương và yêu sao những người lính đảo. Chúng tôi không giấu được những giọt nước mắt khi con tàu dần xa và tiếng hát từ Trường Sa như vang mãi, đọng mãi trong tim.

Thành viên Đoàn công tác số 15 và chiến sĩ đảo Đá Đông A giao lưu văn nghệ. Ảnh: MINH THẢO

Thành viên Đoàn công tác số 15 và chiến sĩ đảo Đá Đông A giao lưu văn nghệ. Ảnh: MINH THẢO

Hải trình đang yên ả thì sóng bắt đầu lớn khi tàu rời thị trấn Trường Sa di chuyển đến nhà giàn DK1/7 Huyền Trân. Chiều hôm trước sóng còn nhẹ, vậy mà chỉ qua một đêm đến sáng hôm sau thì sóng cao quá. Ban đầu loa vẫn báo mọi người chuẩn bị xuống xuồng để lên nhà giàn, những chị em không say sóng hăm hở nghĩ mình sẽ cố gắng leo được lên giàn cao 30m để thăm các chiến sĩ. Nhưng 3 chiếc xuồng đầu tiên chở hàng qua, thăm dò sóng gió thấy không thể đưa các đại biểu lên nhà giàn được; thủ trưởng đoàn công tác thông báo mọi người tập trung lên khoang lái, hệ thống tín hiệu âm thanh được kết nối giữa tàu và nhà giàn, cuộc trao đổi ngắn đầu tiên là hỏi thăm quê của các chiến sĩ trên nhà giàn, có chiến sĩ ở Vĩnh Phúc, có chiến sĩ người Nghệ An… Ngay lập tức trên tàu chuẩn bị danh sách những ai cùng quê với các chiến sĩ. Sau khi nhà giàn báo cáo công tác với thủ trưởng và đoàn công tác, những người lính cũng được trò chuyện cùng đồng hương và Đội văn nghệ xung kích lại đem tiếng hát gửi đến các anh để nói rằng đất liền luôn ở bên các chiến sĩ. Sau đó, tàu chạy quanh nhà giàn để chào tạm biệt. Bên phía nhà giàn, các chiến sĩ có 1 người cầm cờ, còn lại thì hát vang và vẫy tay chào đoàn công tác. Cuộc trò chuyện lúc này thật sự xúc động vì những tiếng hát, những tiếng hô đồng thanh không cần qua máy tăng âm, từ tàu và từ nhà giàn trực tiếp giao tiếp với nhau, nhìn thấy nhau nhưng lại cách nhau bởi sóng gió. Bên tàu hát vang bài ca Nối vòng tay lớn rồi nói vọng qua “Chúc DK1/7 khỏe”, thì bên nhà giàn cũng đáp lời “Chúc đoàn công tác khỏe”. Không có cuộc trò chuyện nào ngắn gọn và xúc động hơn. Nước mắt lưng tròng nhưng vẫn hô “Yêu nhà giàn”, “Yêu DK1/7 Huyền Trân”…

Lá cờ phất cao và tiếng hô “khỏe, khỏe” giữa trùng khơi như cái ôm ấm lòng người đi và cả người ở lại. Bài học về lòng yêu nước như tự thân và mỗi người ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.

KIM CHUNG (Trường Chính trị tỉnh)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202405/nhung-cuoc-gap-go-xuc-dong-o-truong-sa-85921eb/