Những cô gái Hải Dương 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những cô gái Hải Dương tuổi 18 - 20 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'. Những 'bông hồng thép' ngày ấy vượt qua mưa bom, bão đạn, khoét núi, mở đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần vào Chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Những nữ chiến sĩ Trường Sơn của Hải Dương tới viếng đồng đội đã hy sinh tại Trường Sơn (ảnh nhân vật cung cấp)

Tuổi trẻ dấn thân nơi mưa bom, bão đạn

Em đâu được làm duyên con gái/ Mái tóc dài đi theo dải Trường Sơn…/ Nếm trải bụi đường, nếm trải những gió sương/ Bao khó khăn gian khổ cũng coi thường/ Không ngăn nổi bước chân em thời con gái…

Bà Nguyễn Thị Oanh ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) đã vào tuổi thất thập nhưng vẫn nhớ và đọc cho tôi nghe bài thơ mà bà đã thuộc lòng dù không nhớ tác giả là ai. Bà Oanh bảo đó chính là hình ảnh chân thực nhất về những cô gái mở đường Trường Sơn hơn 50 năm trước.

“Năm 1973, tôi giấu bố mẹ viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Dù biết gia đình không đồng ý nhưng khao khát cống hiến, được đem tuổi trẻ của mình cùng bao người con quê hương Thanh Cường (Thanh Hà) đi cứu nước đã thôi thúc tôi quyết tâm lên đường. Bà nội tôi ngày ấy còn bảo mày chết ở nhà còn thấy xác chứ đi vào đó biết tìm ở đâu. Gạt nước mắt, chia tay gia đình, tôi cùng 6 chị em trong xã lên đường làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn cho từng chuyến xe của bộ đội ta tiến vào Nam chiến đấu”, bà Oanh kể.

Bức ảnh bà Nguyễn Thị Oanh (ngoài cùng bên phải) chụp cùng đồng đội trong thời gian ở Trường Sơn (ảnh nhân vật cung cấp)

Hải Dương hiện còn hơn 1.400 nữ chiến sĩ Trường Sơn. Họ là những nữ cựu binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt ở hầu khắp tuyến đường Trường Sơn làm nhiều nhiệm vụ khác nhau vào những năm 70 của thế kỷ XX. Những người con gái Hải Dương năm ấy chỉ tầm 18, 20 tuổi từ khắp các địa phương trong tỉnh tình nguyện vào chiến trường. Những dãy núi Trường Sơn cao vút, rừng thiêng nước độc, nơi túi bom, chảo lửa không thể làm chùn bước những cô gái tưởng như chân yếu tay mềm. Họ tiến vào tuyến lửa Trường Sơn với tâm thế “Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên”.

“Rời gia đình khi vừa tròn 18 tuổi, tôi lên xe vào chiến trận mang theo hy vọng một ngày sẽ được gặp cha và anh trai nơi chiến trường khốc liệt”, bà Nguyễn Thị Đào quê ở xã Thống Nhất (Gia Lộc), cựu thanh niên xung phong từng có mặt ở những cứ điểm quan trọng mở đường Trường Sơn nhớ lại.

Con đường của thanh xuân

Nhiều người gọi Trường Sơn là con đường huyền thoại, là tuyến lửa… nhưng nhiều nữ chiến sĩ Trường Sơn của Hải Dương lại coi nơi ấy là tuyến đường của thanh xuân. Biết bao người con gái Hải Dương đã gửi lại tuổi trẻ ở tuyến đường này. Họ vào chiến trường với bao vui buồn, ấm áp, yêu thương nhưng cũng có những hằn sâu của đau thương, mất mát khi những đồng đội nằm lại dãy Trường Sơn.

Bà Nguyễn Thị Oanh ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) từng làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn huyền thoại

Bà Phạm Thị Phiếm, Trưởng Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn của Hải Dương bồi hồi nhớ lại những năm tháng ăn núi, ngủ rừng cùng đồng đội. "Những ngày đầu vào chiến trường nhìn dãy Trường Sơn cao xanh vời vợi, nhớ nhà lắm. Những hôm có thư nhà gửi vào không dám mở ra đọc trước giờ cơm vì sợ chị em sẽ ôm nhau khóc rồi bỏ bữa. Vượt qua nỗi nhớ nhà, sự thiếu thốn, khổ cực, hiểm nguy, chị em chúng tôi tự an ủi, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ", bà Phiếm kể.

Núi rừng Trường Sơn bao bọc bộ đội, ôm ấp, chở che cho những nữ cựu binh, nữ thanh niên xung phong gan dạ nhưng cũng để lại cho họ những nỗi ám ảnh khó quên. Đó là những trận sốt rét rừng không chăn ấm nào ủ được. Những trận lũ quét kinh hoàng mà chỉ sau một giờ lều lán, dụng cụ mở đường, thiết bị y tế bị cuốn theo dòng nước.

Bà Phạm Thị Phiếm, Trưởng Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn của Hải Dương dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn nhiệt tình tham gia hỗ trợ đồng đội khó khăn trong thời bình

Với những người con gái mới lớn tuổi 18 - 20, cuộc sống thiếu thốn nơi rừng thiêng, nước độc chưa là gì khi phải chứng kiến những hy sinh của đồng đội. “Trước mỗi lần mở đường, phá bom, chúng tôi đã được làm lễ truy điệu sống. Bởi sau mỗi trận bom của địch, quân số lại vơi dần. Có những buổi chiều cơm bê lên mà không ai nuốt nổi. Bát cơm chan nước mắt bởi đồng đội của mình bị bom vùi ở đâu chưa biết. Đôi đũa, chiếc bát vẫn còn nguyên chờ người còn thiếu trở về”, bà Nguyễn Thị Hà ở xã Lai Vu (Kim Thành) vừa kể vừa lau nước mắt khi nhớ về những năm tháng phục vụ phá bom, mở đường Trường Sơn đoạn qua đèo Đá Đẽo, tỉnh Quảng Bình.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-co-gai-hai-duong-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-379161.html