Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 9)

Kỳ 9: Người chiến sĩ áo blouse trắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong bất kỳ một chiến dịch quân sự nào, lực lượng quân y luôn là lực lượng vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong chiến dịch Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận nhưng những y, bác sĩ nơi chảo lửa đã góp phần to lớn vào chiến công vang dội của chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

"Mỗi xe là một bệnh xá lưu động, mỗi cáng là một gia đình thân yêu"

Dù đã bước vào tuổi 94 - cái tuổi xưa nay hiếm, với 65 năm tuổi Đảng, sức khỏe suy giảm, nhưng người y tá Đàm Quang Lợi sau 70 năm từ khi chiến dịch Điện Biên phủ kết thúc vẫn còn rất minh mẫn. Nhắc tới Điện Biên, ánh mắt của người lính già như ngời sáng lên, dẫn chúng tôi quay trở lại ký ức những năm tháng hào hùng, thấm đượm máu và hoa của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Ông Lợi thường xuyên theo dõi sự phát triển của quê hương, đất nước qua báo chí.

Tháng 8/1951, người thanh niên Đàm Quang Lợi ở xóm Nà Niền, xã Đức Long (Hòa An) được tuyển vào làm nhân viên phục vụ cho cố vấn Trung Quốc ở Phòng Giao tế Trung ương, đặt tại huyện Phổ Thông (Bắc Kạn). Năm 1952, ông Lợi xung phong và được điều động tham gia chiến dịch Tây Bắc rồi đến chiến dịch Thượng Lào, nhằm giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa của cách mạng Lào, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Sau khi chiến dịch hoàn thành các mục tiêu đề ra, lực lược bộ đội của ta rút về, ông Lợi được tổ chức cử tham gia lớp đào tạo trực thuộc Cục Quân y tại Phân viện 5, tỉnh Thái Nguyên gồm 100 học viên.

Tháng 3/1954, sau 6 tháng hoàn thành đào tạo, mang theo nhiệt huyết, khao khát cống hiến, ông Lợi cùng với các học viên được phân công nhiệm vụ là y tá tại Đội điều trị 6, theo đơn vị hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ để chăm sóc, điều trị thương binh. Ông Lợi bùi ngùi: Ngày ấy hành quân phải đi bộ gần 600 cây số, trên lưng vác ba lô nặng 30 kg. Đoàn quân cứ đêm đi, ngày nghỉ để tránh bị địch phát hiện, sau cả tháng trời vượt suối, băng rừng mới đến nơi làm nhiệm vụ. Quá trình hành quân kéo dài trong điều kiện bom rơi lửa đạn, có một số đồng đội của tôi đã hy sinh khi ước mơ còn dang dở do trúng đạn pháo, mìn cóc của địch cài cắm dọc đường hành quân.

Trong hồi ức của ông Lợi, chiến dịch Điện Biên Phủ là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ta phải bảo đảm quân y cho một chiến dịch bao vây lấn chiếm công kích quy mô vào một tập đoàn cứ điểm lớn theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” kéo dài thêm hơn 2 tháng, trong khi đó, mặt trận cách xa các bệnh viện trực thuộc Cục Quân y ở hậu phương. Vấn đề đặt ra với lực lượng quân y là phải bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và cả dân công, tạo điều kiện bổ sung quân số chiến đấu cho đơn vị ngay tại mặt trận, do đó quân y đã luôn sát cánh trên mọi chiến trường và có nhiều sáng tạo để phục hồi sức khỏe nhanh cho các chiến sĩ, tăng tỷ lệ ra viện để kịp thời bổ sung lực lượng tinh nhuệ trở lại vị trí chiến đấu. Trước khi các trận đánh bắt đầu, ta đã bố trí được hơn 600 giường bệnh tại tất cả các vị trí.

Trong đợt chiến dịch đầu tiên, nhờ sự chủ động trong đối phó với địch, quân đội ta đã giảm thiểu được số lượng thương vong và có thể nhanh chóng cấp cứu, chữa trị cho các chiến sĩ bị thương nặng, từ đó họ được xuất viện trở lại đơn vị chiến đấu. Nhưng, đến đợt tấn công thứ hai, khi tình hình chiến sự trở nên ngày càng ác liệt, số lượng thương binh tăng. Chứng kiến đồng đội của mình nơi chiến trường bão lửa đã kiên cường chiến đấu, hy sinh, chúng tôi làm việc không ngơi nghỉ bằng tất cả lòng nhiệt tình và hăng hái của tuổi trẻ, với khẩu hiệu "Mỗi xe là một bệnh xá lưu động, mỗi cáng là một gia đình thân yêu", để thương binh cảm thấy như được chăm sóc trong gia đình mình, đội điều trị là nhà, quân y với thương binh là những người ruột thịt.

Ông Lợi nhớ lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên dân công, thanh niên xung phong hỏa tuyến được biên chế vào trạm quân y trung đoàn, lên tới hàng rào thép gai đón thương binh về các trạm. Các chiến sĩ quân y và dân công phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men để phẫu thuật, cấp cứu và điều trị thương binh. Có những lúc quá đông thương binh, mọi người phải thay ca liên tục không nghỉ để cứu chữa kịp thời cho thương binh, đến độ số băng, bông, thuốc giảm đau tại chỗ gần như cạn kiệt. Không chỉ chăm sóc, cấp cứu cho thương binh mà lực lượng quân y còn đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác, cả chăm sóc cho một số tù binh Pháp trước khi trao trả, bởi Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, mệnh lệnh cứu người là trên hết.

Trong dòng hồi tưởng, ánh mắt người lính già mờ đục nhìn về nơi xa, giọng nghẹn lại: Có những thương binh khi đưa đến trạm điều trị của chúng tôi, người tròn trùng trục như một hòn đá xù xì, gai góc với những vết thương đã khô máu, bởi các anh đã mất cả chân, tay, nửa mê nửa tỉnh vẫn cố hét lên “Đánh, đánh...” rồi lại ngất lịm. Có thương binh bom đạn đã cướp đi đôi mắt nhưng vẫn đòi bác sĩ đưa ra ngoài mặt trận để làm giá súng cho đồng đội. Và có những thương binh tuổi vừa 18 đôi mươi, mới được bổ sung từ thanh niên xung phong vào đơn vị chiến đấu, đến tên của tiểu đội trưởng còn chưa biết... Chúng tôi kìm nén nỗi đau, cố gắng phẫu thuật, cứu chữa với hy vọng đồng đội của mình sớm phục hồi.

Ông vẫn nhớ thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi anh chị em cán bộ, nhân viên quân y, dân công, hộ lý, cấp dưỡng phục vụ thương binh vào ngày 8/4/1954 đã viết: "... Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử quy mô to lớn hơn các chiến dịch trước. Do đó, công tác thương binh cũng đòi hỏi một sự cố gắng mới về tổ chức cũng như về tinh thần phục vụ... Từ nay đến lúc tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ, chúng ta còn phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ. Các đồng chí cần tiếp tục nâng cao tinh thần dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ cứu chữa anh em thương binh cho chu đáo". Những lời động viên của vị hùng tướng - Tổng tư lệnh Quân đội Võ Nguyên Giáp như lời thúc giục, mệnh lệnh trái tim để những người lính vượt lên tất cả gian khó, đau thương và mất mát, hoàn thành nhiệm vụ nơi bom rơi lửa đạn.

56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, 6 đội điều trị trực thuộc Cục Quân y và 4 đội điều trị của các đại đoàn chủ lực đã căng mình hết sức phục vụ cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh; hàng nghìn thương binh, bệnh binh nhẹ được điều trị khỏi trong vòng từ 7 - 10 ngày, trở lại đơn vị tiếp tục xung trận, góp phần quan trọng vào việc khôi phục sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trên toàn mặt trận.

Đúng 17h30’ ngày 7/5/1954 là thời khắc thiêng liêng nhất khi lá cờ chiến thắng của quân ta ngạo nghễ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, kết thúc gần 1 thế kỷ Pháp xâm lược nước ta. Lực lượng quân y “đi trước về sau”, khi bộ đội rút hết khỏi chiến trường Điện Biên, các y, bác sĩ vẫn phải tiếp tục cứu chữa và chăm sóc thương binh, cùng lực lượng vận tải và dân công hỏa tuyến đưa thương binh về các bệnh viện hậu phương ở Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, Thanh Hóa điều trị.

Hào khí Điện Biên vang mãi

Dù ở vị trí trung tuyến của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng người lính quân y Đàm Quang Lợi và các, bác sĩ thời điểm đó đã hy sinh và chiến đấu hết mình để cứu chữa và bảo đảm sức khỏe cho các lực lượng ở hỏa tuyến. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên toàn đơn vị quân y và ông Lợi được Bác Hồ khen thưởng và trao tặng “Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên”. Đó là niềm tự hào, nguồn động lực to lớn để người chiến sĩ quân y bước tiếp chặng đường cách mạng đầy gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang.

Kết thúc chiến dịch, ông Lợi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Phân viện 7, Cục Quân Y, đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cuối năm 1957, ông phục viên, sau đó công tác tại Ty Y tế Cao Bằng và được đào tạo y sỹ tại Trường Y sỹ Việt Bắc Thái Nguyên (nay là Đại học Y - Dược Thái Nguyên) từ năm 1962 - 1965, rồi nhận công tác tại Mỏ Măng gan Cao Bằng thuộc Khu gang thép Thái Nguyên. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông cùng những đồng nghiệp của mình tiếp tục được điều động quay trở về Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ tại Khu Gang thép. Trong câu chuyện với chúng tôi, ký ức của người lính già về những “Đội tự vệ thép anh hùng” với những người lính áo thợ góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” quay trở lại như mới ngày hôm qua.

Với dã tâm biến miền Bắc Việt Nam thành "thời kỳ đồ đá", tháng 12/1972, đế quốc Mỹ quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam bằng B52 và các loại máy bay chiến thuật nhằm mục tiêu đánh phá hủy diệt tiềm lực kinh tế quốc phòng của miền Bắc, hòng hạn chế tối đa sự chi viện cho cách mạng miền Nam. Những ngày cuối tháng 12/1972, Khu công nghiệp Gang thép là một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Khi đó, tôi tham gia Tiểu đoàn tự vệ, là một trong những Đội trưởng Trạm cấp cứu của Khu Gang Thép gồm 67 người, cấp cứu và chăm sóc những công nhân và người dân bị thương được đưa đến điều trị – ông Lợi kể. Tính từ ngày ngày đầu tiên máy bay Mỹ bắn phá Khu gang thép (29/4/1966) đến ngày cuối cùng đánh phá (29/12/1972 ), trên bầu trời Gang thép đã có 59 máy bay địch bị bắn hạ, 5 giặc lái Mỹ bị tự vệ bắt sống tại chỗ. Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, khiến cho dã tâm của đế quốc Mỹ thất bại thảm hại như quân Pháp gần 20 năm trước đó.

Ông Lợi chia sẻ về ký ức hào hùng trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Đóng góp cho 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và làm tròn nhiệm vụ trong chiến sự biên giới năm 1979, ông Lợi sau đó chuyển công tác vào Vũng Tàu, làm ở Trạm Y tế phường cho đến khi nghỉ hưu năm 1989. Phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên, suốt những chặng đường chiến đấu đến công tác, ông không ngừng cống hiến và được ghi nhận với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng: Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Chiến thắng hạng II, 2 Huân chương kháng chiến hạng Nhì chống Pháp, chống Mỹ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đi qua 70 năm nhưng hào khí Điện Biên vẫn vẹn nguyên trong trái tim những người lính. Câu chuyện của ông Lợi và những chiến sĩ Điện Biên năm xưa về những tháng năm lịch sử, “cả nước cùng nhau ra trận” là một bản hùng ca đẹp, tiếp sức cho thế hệ hôm nay phát huy hào khí Điện Biên trong chặng đường đổi mới và hội nhập, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Kỳ 5: Người góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Kỳ 6: Thanh xuân gửi trọn chiến trường Điện Biên

Kỳ 7: Gặp người lái xe trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Kỳ 8: Hồi ức người lính Điện Biên

Thanh Loan

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-9-3168778.html