Những cháu nội của Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của quê hương Quảng Trị đã có nhiều đóng góp to lớn. Các mẹ đã hiến dâng những người con thân yêu nhất của mình lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh. Tiếp nối truyền thống gia đình hôm nay, phần lớn con cháu họ đều nỗ lực vươn lên, là những tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

 Trưởng thôn Xuân Long Bùi Ngọc Thịnh (bên trái) luôn quan tâm đến đời sống, sản xuất của người dân -Ảnh: TÚ LINH

Trưởng thôn Xuân Long Bùi Ngọc Thịnh (bên trái) luôn quan tâm đến đời sống, sản xuất của người dân -Ảnh: TÚ LINH

1- Cuối tháng Tư, nắng màu vàng mật trải dài trên đồng ruộng thôn Xuân Long của xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Những ngày này, trưởng thôn Bùi Ngọc Thịnh (sinh năm 1982) tất bật tìm mối tiêu thụ rau sạch mang thương hiệu “Rau an toàn Xuân Long” cho người dân. Anh là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Hoàng Thị Quyến. Mẹ Quyến có sáu người con, trong đó có 5 con trai đều tham gia hoạt động cách mạng. Hiện chỉ còn bố của anh Thịnh, người con út của mẹ còn sống… Thôn Xuân Long hiện nay có 210 hộ dân, có đến 140 liệt sĩ, 21 Bà mẹ VNAH, hàng trăm thương binh và người có công với cách mạng. Gần mười năm trước, sau thời gian làm bí thư chi đoàn thôn, khi mới 30 tuổi, anh Thịnh được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn với mong muốn anh sẽ đem hết năng lực, trách nhiệm để đưa thôn Xuân Long ngày một phát triển. Đúng là người dân đã “chọn mặt gửi vàng”. Câu chuyện cánh đồng lúa xã Trung Hải luôn đạt năng suất cao nhất huyện Gio Linh ắt hẳn có một phần công sức tổ chức, chỉ đạo sản xuất của anh Thịnh. Đột phá lớn nhất trong công tác tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở địa bàn này là thôn hướng dẫn người dân sản xuất sau an toàn trong nhà lưới với diện tích gần 10 ha. Trồng rau trên một diện tích lớn, cần thị trường tiêu thụ, anh Thịnh luôn xoay xở khắp nơi tìm đầu mối xây dựng thành công thương hiệu, quảng bá sản phẩm “Rau an toàn Xuân Long” để người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm của người nông dân. Cho đến bây giờ nhớ lại những ngày đầu tiên làm trưởng thôn, anh Thịnh chia sẻ, nếu làm chưa hết trách nhiệm thì không bao giờ hoàn thành công việc của trưởng thôn. Điều anh luôn tâm niệm là mình phải luôn sống và làm việc để xứng đánh với sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ, Bà mẹ VNAH, trong đó có bà nội và các bác ruột của mình.

2- Những năm quê hương chưa được giải phóng, người dân trên mọi miền quê đều sẵn sàng giúp sức cho cách mạng. Bà mẹ VNAH Lê Thị San ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong sinh ra được 6 người con, thì có 3 người con tập kết ra Bắc, 3 người ở lại miền Nam, trong đó có 2 người anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nỗi đau dồn dập nỗi đau, chỉ một năm sau, vào năm 1953, ông Hoàng Quang Bân, chồng của mẹ anh dũng hy sinh khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang đi vào giai đoạn quyết định. Lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng, cùng với gia phả của dòng họ như những trang sử đỏ, anh Hoàng Quốc Vũ (sinh năm 1969, cháu nội mẹ San), hiện là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gio Linh sớm làm rạng danh gia đình khi đạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, chuyên ngành bác sĩ đa khoa, anh Vũ về công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; rồi tiếp tục học thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1. Nhớ lại những ngày đó, anh Vũ cho biết, dù kinh qua nhiều công việc khác nhau, anh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Giai đoạn làm lãnh đạo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2013-2018, được Trung ương Đoàn TNCSHCM tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”, Bộ Y tế tặng 3 bằng khen và 1 bằng khen của UBND tỉnh. Tháng 10/2020, với những phấn đấu không ngừng nghỉ, anh được điều động đến nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gio Linh. Tất cả sự dấn thân, chia sẻ của anh với nghề nghiệp trên hết đó là tình yêu thương bệnh nhân, cùng tập thể bệnh viện cố gắng thật tốt để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân huyện Gio Linh, một nhiệm vụ nặng nề mà cao cả được lãnh đạo ngành y tế tin tưởng, giao phó.

 Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gio Linh Hoàng Quốc Vũ thăm hỏi, động viên bệnh nhân -Ảnh: Tú Linh

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gio Linh Hoàng Quốc Vũ thăm hỏi, động viên bệnh nhân -Ảnh: Tú Linh

3- Thế hệ trẻ hơn là chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh năm 1983), giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị - cháu ruột của Bà mẹ VNAH Lê Thị Thuyền ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng.

Những ngày đấu tranh tiến đến thống nhất đất nước, một nửa diện tích của tỉnh Quảng Trị, trong đó có xã Hải Thượng nằm trong sự quản lý của chế độ miền Nam cũ, điều này đã làm cho Quảng Trị trở thành một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất Việt Nam. Xã Hải Thượng là vùng đất anh dũng, kiên cường, mỗi khi nhắc đến ai cũng cảm thấy tự hào. Thời kỳ đó, gia đình mẹ Lê Thị Thuyền sớm trở thành cơ sở cách mạng. Mẹ sinh được 9 người con, 7 trai, 2 gái, đều sớm tham gia hoạt động cách mạng. Gia đình mẹ Thuyền có đến 3 người con liệt sĩ, 1 người con bị giặc Pháp giết, 4 lần tang thương trong chiến tranh vì làm cách mạng. Một gia đình sống dưới chế độ miền Nam cũ đều là những người kháng chiến, có huân, huy chương kháng chiến, hẳn đó là một gia đình đặc biệt.

Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ Lê Thị Thuyền sống với người con trai thứ là ông Nguyễn Điền, ba của chị Nguyễn Thị Như Quỳnh. Chị Quỳnh là người cháu gái duy nhất may mắn được ở gần bà nội. Hằng đêm, bên chõng tre trước hiên nhà, chị được bà nội kể cho nghe câu chuyện đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng; chuyện du kích xã Hải Thượng gài mìn diệt xe địch; về những tấm gương anh dũng hy sinh, trong đó có 3 người bác ruột của chị. Nhiều lúc, chị còn chứng kiến từng gọt nước mắt của nội lặng lẽ rơi khi thương nhớ quay quắt các con. Thấu hiểu lòng của nội, chị ân cần chăm sóc cho bà từng bát cơm ngon, tranh thủ những khi rảnh việc đưa bà đi thăm bà con, làng xóm cho khuây khỏa tuổi già. Truyền thống của gia đình, nguồn năng lượng dồi dào của quê hương cách mạng Hải Thượng như tiếp sức thêm cho chị Quỳnh vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống, công việc để từng bước hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế, khi chưa tìm được việc làm, chị đã tham gia sinh hoạt Đoàn thanh niên ở xã và được kết nạp Đảng tại quê hương. Hiện chị là Thạc sĩ Triết học tại Trường Chính trị Lê Duẩn, được lãnh đạo nhà trường đánh giá là người luôn nhiệt huyết, trách nhiệm, say mê công việc và luôn phấn đấu vì lý tưởng cách mạng. Làm mẹ của hai con trai, chị Quỳnh càng thấu hiểu hơn tình mẫu tử và nỗi mất mát to lớn của những người mẹ đã dâng hiến con mình cho cách mạng, đứng lên cầm súng vì hòa bình, thống nhất đất nước.

 Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh trong giờ giảng dạy tại Trường Chính trị Lê Duẩn -Ảnh: Tú Linh

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh trong giờ giảng dạy tại Trường Chính trị Lê Duẩn -Ảnh: Tú Linh

Chị Quỳnh chia sẻ, tuổi trẻ hôm nay may mắn hơn khi chỉ biết đến đạn bom, chiến tranh qua phim ảnh, sách vở; không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, chúng tôi đều hiểu sâu sắc rằng giá trị của hòa bình hôm nay được đổi bằng sự hy sinh của nhiều thế hệ trước, để từ đó nỗ lực phấn đấu trở thành những công dân có ích cho đất nước.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157266&title=nhung-chau-noi-cua-ba-me-viet-nam-anh-hung