Những cầu nối Mặt trận đặc biệt

Toàn tỉnh có 169 chủ tịch và 169 phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; 932 trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Trong số này có những trường hợp đặc biệt về độ tuổi công tác hay đã xây dựng nên những mô hình kết nối người dân ấn tượng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc của Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam cho anh Dương Nguyễn Tiến Đạt. Ảnh: S.Thao

* Vượt qua tuổi tác để cống hiến

Trong số những cá nhân đặc biệt này có ông Phạm Hữu Phúc, Trưởng ban công tác Mặt trận KP.8B, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa). Năm nay, ông Phúc 78 tuổi và đã có 17 năm tham gia công tác Mặt trận. Ông Phúc hiện là một trong số ít người cao tuổi đảm nhận công tác Mặt trận ở cơ sở.

Ông Phúc cho hay, gia đình ông theo đạo Công giáo. Bản thân ông từng tham gia ban hành giáo của giáo xứ một thời gian dài. Sau khi thôi vai trò chức việc tôn giáo, ông tiếp tục tham gia công tác ở cơ sở. Trong thời gian đảm nhận công việc ở một khu phố có đến 98% dân số là đồng bào có đạo, việc ông là người đồng đạo chính là một lợi thế lớn, song cũng là áp lực.

Tuổi đã lớn, nhà lại ít người nhưng khi nắm được thông tin về những hoàn cảnh khó khăn hay sự việc cần Mặt trận tham gia giải quyết ông đều tìm đến. Theo ông Phúc, khu phố có 121 gia đình tạm trú có hoàn cảnh khó khăn. Họ từ nơi khác đến nên khi gặp những trở ngại trong cuộc sống sẽ thiếu nơi nương tựa. “Xác định được đều này nên mình cố gắng giúp họ, rồi vận động bà con nơi sinh sống kề cận cùng quan tâm lẫn nhau” - ông Phúc nói.

Bà Hoàng Thị Vân (ngụ KP.8B) cho hay, thông qua sự vận động của ông Phúc, nhiều người ở trọ bán vé số, lao động tự do đã được giúp đỡ các nhu yếu phẩm cùng những món quà khác để cuộc sống bớt khó khăn hơn. Nhờ vậy mà mỗi năm có hàng trăm phần quà được trao cho bà con trong dịp Tết, ngày lễ kỷ niệm lớn. Nhiều suất quà đột xuất hay hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh cho người ở trọ, tiền nhập học cho học sinh, sinh viên đã đến tay người cần giúp đỡ.

Kém ông Phúc đến 11 tuổi nhưng ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thái Hòa, xã Phú Túc (H.Định Quán) lại có thời gian tham gia công tác Mặt trận lâu năm nhất với 26 năm.

Trong thời gian đảm nhận công tác Mặt trận ở cơ sở, ông Diệp đã xây dựng nên mô hình Hộ có điều kiện giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ đóng góp thực hiện các công trình ở địa phương. Cụ thể, khi trong ấp thực hiện bê tông tuyến đường giao thông nông thôn, làm đèn chiếu sáng, sửa chữa văn phòng ấp - nhà văn hóa ấp…, số tiền đóng góp được phân đều hay tùy vào diện tích đất của từng hộ gia đình. Nhìn chung, số tiền khi chia ra đối với từng hộ không nhiều song với hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo thì đây là vấn đề không hề nhỏ. Vậy nên, khi thông tin đến bà con về việc đóng góp, ông Diệp kết hợp vận động thêm hộ khá giả, cơ sở kinh doanh đóng choàng giúp những trường hợp khó khăn.

Ghi nhận những đóng góp tích cực trong công tác Mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tặng bằng khen cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu cho các ông Phạm Hữu Phúc, Hoàng Văn Diệp, anh Dương Nguyễn Tiến Đạt, chị Phạm Thị Bích Phương.

Vừa qua, khi một tuyến đường trong ấp cần đổ bê tông nhưng nhiều gia đình sống hai bên đường có hoàn cảnh khó khăn không thể đóng góp, ông Diệp đã vận động một nhà hảo tâm hỗ trợ trên 100 triệu đồng để choàng phần tiền phải đóng của những gia đình này. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành hệ thống đèn chiếu sáng ở khu dân cư, ông Diệp cùng một số bà con cùng họp nhau để sửa chữa những hư hỏng nhỏ thường gặp.

* Phát huy sức trẻ trong xây dựng phong trào

Cùng với những người cao tuổi nổi bật, những người trẻ tham gia công tác Mặt trận ở cơ sở cũng phát huy sức trẻ trong xây dựng các mô hình, phong trào ở địa phương. Trong số này có anh Dương Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Tân (H.Định Quán). Năm nay mới 33 tuổi song anh Tiến Đạt đã có gần 9 năm tham gia công tác Mặt trận.

Theo anh Đạt, qua mỗi năm, số hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương ngày càng giảm song số trường hợp khó khăn, gặp khó khăn đột xuất còn rất nhiều. Vì vậy, trong vai trò Trưởng ban vận động Quỹ Vì người nghèo xã, anh đã tích cực vận động đóng góp cho quỹ bằng nhiều hình thức, trong đó có thông qua mạng xã hội, liên hệ những mối quan hệ cá nhân, tổ chức tôn giáo để kêu gọi trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn đã được anh xác minh thông tin. Đến nay, Quỹ Vì người nghèo xã vận động được trên 277 triệu đồng. Ngoài ra, có 8 trường hợp được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương với tổng kinh phí 957 triệu đồng…

Bên cạnh công tác an sinh xã hội, việc bảo vệ môi trường được anh chú trọng thực hiện.

Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thái Hòa, xã Phú Túc (H.Định Quán) Hoàng Văn Diệp thay bóng đèn ở một trụ đèn bị hư

Theo anh Tiến Đạt, xã có diện tích lớn với nhiều khu vực đặc điểm khác nhau nên trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh cũng được thực hiện linh hoạt. Như với những trường hợp bà con sống dọc quốc lộ 20 hay tiếp giáp với rừng giá tỵ, Mặt trận phối hợp tuyên truyền bà con buôn bán không lấn chiếm lề đường, không mang rác bỏ trộm vào khu vực rừng. Trong quá trình canh tác nông nghiệp, nhất là vào mùa khô, cần cẩn trọng phòng cháy, chữa cháy.

Riêng những gia đình sống ở khu vực rẫy thưa vắng dân cư, Mặt trận phối hợp vận động người dân tự xử lý rác thải tại nhà, không đem đổ rác từ nơi này đến nơi rác làm phát sinh những ụ rác tự phát. Đồng thời, có sự chú ý đến những trường hợp có biểu hiện đem rác đến nơi vắng vẻ để xả rác làm ảnh hưởng đến cộng đồng.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ, những hoạt động tích cực của anh Đạt đã phát huy vai trò kết hợp, tập hợp người dân giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội của Mặt trận. Qua đó góp phần nâng cao vai trò cầu nối của Mặt trận ở cơ sở.

Cùng tuổi với anh Tiến Đạt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn (H.Tân Phú) Phạm Thị Bích Phương cũng đã có 8 năm đảm nhận công tác Mặt trận.

Theo chị Bích Phương, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Thời gian qua, các chính sách dành cho đồng bào được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến tích cực khi đời sống được nâng cao, con em được tiếp cận giáo dục tốt hơn… Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến sinh hoạt thường ngày vẫn còn cần sự tuyên truyền, vận động để ngày một tốt hơn.

Từ thực tế đó, chị Bích Phương đã đề ra nhiều giải pháp trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Cụ thể, thời gian qua, Mặt trận đã phối hợp cùng các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số vận động nhân dân trước tiên giữ gìn vệ sinh nơi mình sinh sống. Trong quá trình chăn nuôi phải chú ý xử lý chất thải, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, mỗi ấp ra quân dọn đẹp vệ sinh môi trường. Nhờ vậy mà thời gian qua, cảnh quan khu vực dân cư trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với đó, chị Bích Phương còn tích cực vận động các nguồn lực, đảm bảo sự trợ giúp đến đúng hoàn cảnh cần trợ giúp. Năm qua, đã có gần 900 phần quà với tổng trị giá gần 500 triệu đồng được trao đến người nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi, người gặp khó khăn đột xuất.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202402/nhung-cau-noi-mat-tran-dac-biet-0884325/