Những bệnh lý dễ gây suy giảm thính lực

Có nhiều người vẫn nghĩ rằng suy giảm thính lực chỉ gặp ở những người lớn tuổi. Thế nhưng trên thực tế có rất nhiều người trẻ cũng đang gặp phải các vấn đề về suy giảm thính lực.

Giảm thính lực hay còn gọi là nghe kém là hiện tượng giảm một phần hay toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh của tai. Khi bị giảm thính lực hầu hết không thể phục hồi, nhưng có thể cải thiện nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây giảm thính lực

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm thính lực, trong đó thường gặp là:

Do sự lão hóa của tuổi tác, thường gặp ở người cao tuổi.
Liên tục tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn trong công việc.
Giảm thính lực do di truyền.
Sau khi sử dụng một số loại thuốc độc hại với thính giác.
Vệ sinh tai quá sâu dễ làm rách màng nhĩ.
Để nước tràn vào trong tai sau khi tắm hoặc đi bơi.
Dị vật mắc kẹt trong ống tai.

Trên thực tế suy giảm thính lực còn có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe trong cơ thể. Dưới đây là những bệnh lý dễ gây suy giảm thính lực:

Viêm tai giữa: Viêm tai giữa là một trong những bệnh về tai phổ biến. Viêm tai giữa nếu không được điều trị đúng cách có thể làm suy giảm khả năng nghe.

U dây thần kinh thính giác: Đây là một khối u đè lên dây thần kinh thính giác, khiến khả năng nghe bị suy giảm. Thông thường khối u ở bên tai nào sẽ gây suy giảm khả năng nghe ở bên tai đó.

Thủng màng nhĩ:Một lỗ thủng trong màng nhĩ cũng có thể khiến bạn bị nghe kém, suy giảm thính lực. Màng nhĩ bên tai nào bị thủng sẽ gây suy giảm thính lực ở tai bên đó.

Suy giảm chức năng thận: Đây là nguyên nhân gây suy giảm thính lực phổ biến, nhưng ít được để ý tới. Sở dĩ chức năng thận có liên quan tới điếc một bên tai là do theo y học cổ truyền thì: "Thận khai khiếu ở tai", chức năng thận có mối quan hệ mật thiết tới sức khỏe thính giác. Khi thận yếu thì tai sẽ bị ù, nếu yếu quá thì tai sẽ bị điếc. Do vậy, điếc tai, nghe kém có thể là dấu hiệu của suy giảm chức năng thận.

Tuần hoàn máu kém: Tuần hoàn máu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi tế bào thần kinh tai. Khi tuần hoàn máu kém sẽ khiến quá trình này bị gián đoạn, thần kinh tai không nhận được dưỡng chất cần thiết để hoạt động, cuối cùng sẽ dẫn tới điếc tai, suy giảm thính lực.

Các vấn đề khác như: Rối loạn khớp thái dương hàm, bệnh xơ cứng tai, huyết áp cao, đái tháo đường… cũng có thể là nguyên nhân gây điếc tai, suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi.

Giảm thính lực hay còn gọi là nghe kém là hiện tượng giảm một phần hay toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh của tai.

Biểu hiện của suy giảm thính lực

Người bị suy giảm thính lực sẽ có những biểu hiện sau:

Xuất hiện nhiều tình huống không nghe rõ người khác nói chuyện.
Thường xuyên yêu cầu mọi người nhắc lại.
Khó khăn khi nghe điện thoại ở chốn đông người.
Nghe radio hoặc nghe nhạc với âm lượng to.

Tình trạng suy giảm thính lực không chỉ gặp khó khăn trong giao tiếp, ngôn ngữ mà còn làm giảm hiệu suất công việc của người bệnh. Nếu phát hiện một hay nhiều biểu hiện suy giảm thính lực, bạn cần phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng ở bệnh viện để được khám sàng lọc, nội soi tai để biết các bất thường ở trong tai. Đo thính lực nhằm xác định mức độ nghe kém.

Ngoài ra, người bệnh cần làm thêm xét nghiệm máu, nước tiểu nếu nghi ngờ bị giảm thính lực do nhiễm trùng để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Điều trị suy giảm thính lực thế nào?

Việc điều trị bệnh suy giảm thính lực còn tùy vào tình trạng của bệnh. Các phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và từng người, thông thường nếu giảm thính lực do tích tụ ráy tai: Bác sĩ sẽ loại bỏ bằng cách làm mềm ráy tai để giúp lấy ráy tai ra ngoài một cách dễ dàng.

Đối với trường hợp bệnh suy giảm thính lực do nhiễm trùng nhẹ, người bệnh sẽ được bác sĩ cho điều trị bằng thuốc.

Đối với trường hợp bệnh suy giảm thính lực do chấn thương thủng màng nhĩ hoặc nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều lần, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định cho phẫu thuật.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh suy giảm thính lực do các vấn đề về đường dẫn truyền khác, bác sĩ có thể sẽ giới thiệu người bệnh sử dụng máy trợ thính nhằm giúp khuếch đại âm thanh.

Để phòng ngừa suy giảm thính lực cần hạn chế việc sử dụng các thiết bị nghe nhạc với âm lượng quá mức và một số thói quen xấu khi đeo tai nghe như: Ngủ quên khi đeo tai nghe, nghe liên tục trong vài giờ đồng hồ khiến thính lực bị suy giảm mà người bệnh không hề hay biết.

Nên đeo dụng cụ bảo vệ tai khi phải thường xuyên làm việc với tiếng ồn và âm thanh lớn. Hãy bảo vệ đôi tai của bạn trước tiếng ồn quá lớn.

Khi nghi ngờ bị suy giảm thính lực nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên ngành tai mũi họng để được chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh, khi đó việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.

BS Nguyễn Hồng Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-benh-ly-de-gay-suy-giam-thinh-luc-169240506173238014.htm