Những bác sĩ, điều dưỡng trẻ, giỏi

Với mong muốn triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, giúp người dân địa phương tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, nhiều bác sĩ (BS), điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang tiếp tục nỗ lực, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quang Tiến (phải) thực hiện phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Phải kể đến trong số đó là BS CKI Trần Quang Tiến, Khoa Ngoại tổng hợp và Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm Nguyễn Thị Thùy Trang.

Đưa phẫu thuật nội soi đại tràng vào thường quy

Sau khi tốt nghiệp BS đa khoa năm 2018, BS Trần Quang Tiến vào Đồng Nai lập nghiệp và chọn Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh làm bến đỗ. Để nâng cao trình độ chuyên môn, anh tiếp tục học chuyên khoa I tại Trường đại học Y dược TP.HCM.

Chia sẻ về lý do chọn chuyên ngành ngoại khoa, BS Tiến cho biết, ngày đi học, anh thường theo các thầy đi mổ. Nhiều bệnh nhân sau khi được phẫu thuật đã bình phục nhanh chóng, sớm trở về với cuộc sống đời thường. Điều này thôi thúc và là động lực để anh tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Ngoại khoa.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ: “Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng cần tăng tính chủ động để góp ý với BS đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho người bệnh trên tinh thần xây dựng, tôn trọng, cùng phát triển chứ không phải nhất nhất thực hiện theo y lệnh của BS”.

Hàng ngày, BS Tiến có mặt ở phòng khám để khám bệnh hoặc khám cấp cứu, mổ cấp cứu, mổ các ca trong chương trình đã lên sẵn. Các mặt bệnh rất đa dạng, có thể liên quan đến sọ não, lồng ngực hoặc ngoại tiêu hóa. Các ca mổ chủ yếu là mổ thoát vị bẹn, trĩ, sỏi túi mật, cắt dạ dày cấp cứu, nối ruột bằng máy…

Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa I, BS Tiến đã thực hiện thêm một số kỹ thuật mới như phẫu thuật đại tràng. Đến nay, BS Tiến đã thực hiện được 5 ca nội soi cắt đại tràng. Đây là kỹ thuật khá khó và trước kia thường phải mổ mở hoặc chuyển lên các bệnh viện tuyến trên thực hiện.

So với mổ mở cắt đại tràng thì nội soi cắt đại tràng khó hơn, vì BS thực hiện kỹ thuật qua dụng cụ nội soi, khâu, bấm, không trực tiếp cầm nắm được chỗ cần cắt, tư thế thực hiện phải tốt để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho cuộc mổ. Mổ nội soi với vết mổ ngắn hơn, giảm nhiễm trùng vết mổ, giảm tắc ruột sau mổ, giúp bệnh nhân hồi phục sớm hơn.

BS Tiến tâm sự, niềm vui của BS sau mỗi ca mổ là thấy bệnh nhân bình phục tốt. Điều này cũng giúp BS tự tin hơn đối với những ca mổ sau.

BS Tiến khuyến cáo, bệnh u đại tràng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa trong những năm gần đây do người dân ăn nhiều thịt, thức ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, kèm theo yếu tố di truyền… Bệnh u đại tràng phát triển âm thầm, khi có dấu hiệu như đi cầu ra máu, rối loạn tiêu hóa thì đã ở giai đoạn trễ. Do vậy, người dân cần thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm nếu có.

Tận tình chăm sóc người bệnh

16 năm công tác tại Khoa Truyền nhiễm, điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Trang đã cùng đồng nghiệp trải qua nhiều đợt dịch truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó phải kể đến đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát hồi giữa năm 2021. Tuy nhiên, sau đợt dịch đó, tập thể điều dưỡng của Khoa Truyền nhiễm đã lớn mạnh rất nhiều cả về trình độ chuyên môn lẫn tâm lý làm việc. Các thành viên trong khoa luôn đoàn kết, yêu thương, chia sẻ công việc với nhau.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Trang thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh

Chị Thùy Trang chia sẻ, những ngày đầu làm việc tại khoa, chị được các điều dưỡng đi trước chỉ bảo tận tình về cách chăm sóc, giao tiếp với người bệnh, sử dụng máy móc. Chính tình yêu thương của đồng nghiệp là động lực thôi thúc chị nỗ lực nhiều hơn trong công việc.

Năm 2018, chị được phân công giữ chức Điều dưỡng trưởng khoa. Hàng ngày, chị phân công công việc cụ thể cho từng điều dưỡng, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên các điều dưỡng, nhất là điều dưỡng trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên kiểm tra hồ sơ bệnh án, thăm hỏi người bệnh để nắm được tâm tư, nguyện vọng của người bệnh; giám sát điều dưỡng thực hiện các kỹ thuật, thăm bệnh nặng để góp ý với hệ điều trị.

Tại Khoa Truyền nhiễm, ngoài bệnh nhân người lớn, còn có cả bệnh nhi. Để các bệnh nhi hợp tác trong quá trình điều trị, ngoài trách nhiệm của người thầy thuốc, các điều dưỡng trong khoa còn chăm sóc bệnh nhi bằng tình yêu thương của người mẹ, người thân trong gia đình.

“Có những trẻ không chịu uống thuốc, chúng tôi phải tìm cách dỗ ngọt để trẻ uống, rồi hướng dẫn người nhà cách cho trẻ ăn để không bị ói, cách vệ sinh răng miệng, lau mát hạ sốt cho trẻ…” - chị Trang nói.

Nhớ lại quãng thời gian điều trị Covid-19 tại khoa, chị Thùy Trang tâm sự: “Chúng tôi không nghĩ có thể vượt qua được. Đó là quãng thời gian không thể nào quên trong đời. Các điều dưỡng thực hiện 3 tại chỗ, vừa phải xa gia đình, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà không có sự hỗ trợ của người nhà bệnh nhân. Tất cả mọi việc từ thực hiện y lệnh của BS đến lo bỉm tã, cho bệnh nhân uống sữa, khiêng máy móc nặng cả tạ từ tầng dưới lên tầng trên và ngược lại, thậm chí đến lo vệ sinh thân thể, thay đồ cho những bệnh nhân tử vong do Covid-19…, đều do các điều dưỡng, hộ lý, BS thực hiện”.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân lao, Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… Để bệnh nhân an tâm và hài lòng điều trị tại khoa, chị Thùy Trang thường xuyên nhắc nhở các điều dưỡng trong khoa phải có thái độ hòa nhã khi tiếp xúc với người bệnh; tư vấn cho người bệnh về vấn đề dinh dưỡng, nghỉ ngơi, quan sát, theo dõi diễn tiến bệnh của bệnh nhân, xem bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202402/nhung-bac-si-dieu-duong-tre-gioi-7f52d5e/