Những ấn tượng đẹp về nước Lào anh em

TRẦN VĂN - Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIIIMấy anh em chúng tôi rủ nhau đi thăm Lào dịp năm mới Bunpimay năm nay. Đến Lào ngày 13.4 thì hôm sau là ngày đầu năm mới theo Phật lịch, chúng tôi được các bạn Lào học cùng ở New Zealand từ năm 2013 như Bounkham, Athsaphangthong, Phutavanh và Bounthavi đón tiếp nồng nhiệt. Đoàn được Phoukham, em gái Bounkham, từng học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, đồng hành nên càng tìm hiểu được nhiều hơn về lịch sử, phong tục, tập quán truyền thống Lào.

Vợ chồng bác Bounnhang Vorachith với các bạn Việt Nam của con gái, mùng 3 Tết Bunpimay 2023

Ở Vientiane, bạn không thể bỏ qua Di sản thế giới, cũng là biểu tượng quốc gia của Lào - tháp That Luang dát vàng lộng lẫy; hay ngôi chùa nổi tiếng Phra Keo có nhiều tác phẩm điêu khắc, chạm trổ tinh xảo; vườn tượng Phật với hơn 200 bức tượng Phật giáo và Hindu. Tượng đài Patuxay hay còn gọi là Khải hoàn môn, vinh danh những chiến sĩ Lào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, cũng là điểm đến hấp dẫn nằm ngay trước Phủ Thủ tướng Lào. Bạn có thể đi dọc bờ sông Mekong vừa hóng mát, vừa ngắm nhìn Thủ đô Vientiane, vừa nhìn sang bên kia là đất Thái Lan xanh ngát bóng cây.

Nhưng ấn tượng hơn cả chính là những thay đổi của đường sắt Lào. Đúng hôm chúng tôi tới Vientiane, theo tờ Vientiane Times ngày 13.4, công ty liên doanh đường sắt Lào - Trung chính thức khai trương tuyến tàu cao tốc liên vận quốc tế từ Vientiane đi Côn Minh và ngược lại, qua các thành phố Vangvieng, Luang Prabang, Boten (Lào), Mohan, Xishuangbanna, Pu’re và Côn Minh (Trung Quốc).

Khoảng cách từ Vientiane tới Côn Minh theo đường bộ là hơn 1.600km, đi ô tô phải mất khoảng 28 tiếng, đi tàu cao tốc chỉ 10 tiếng rưỡi. Còn chúng tôi đã đi tàu cao tốc đó từ Vientiane đến Luang Prabang ngày mùng 2 Tết Lào mất khoảng 2 tiếng rưỡi, thay vì 6 - 7 tiếng đi ô tô. Tàu chạy với tốc độ trung bình khoảng 160km/h.

Bạn Loup, tiếp viên trẻ trên tàu, từng học tiếng Việt ở Điện Biên cho biết, hàng ngày có 6 đôi tàu Lane Xang (Triệu Voi) với 8 toa, chở đủ tải là 630 khách, chạy trên tuyến Vientiane, Luang Prabang, Udonxay, Boten. Nghe nói, tuyến đường sắt đang phát huy hiệu quả đối với vận chuyển hàng hóa, kể cả hàng hóa quá cảnh Thái Lan đi Trung Quốc, và du lịch.

Các bạn Lào năm nay nghỉ Tết Bunpimay gần cả tuần vì trùng vào 2 ngày nghỉ cuối tuần nên được nghỉ bù thêm hai ngày. Nghe tiếng Tết “té nước” đã lâu nhưng nay chúng tôi mới được chứng kiến. Hai ngày ở Luang Prabang chúng tôi mấy lần ướt quần áo vì được người dân, nhất là trẻ em “té nước” vào người như một cử chỉ cầu phúc an lành cho năm mới, cầu mưa cho mùa màng sắp tới. Chỗ nào cũng thấy thùng, xô, chậu, bể bơi nhựa trẻ em chứa đầy nước. Chỗ nào cũng thấy bọn trẻ tay lăm lăm súng nhựa bắn nước. Thật là vui, nhất là mấy hôm đó trời khô nóng tới 39 độ.

Chúng tôi hòa cùng du khách ở chợ đêm, trong các đền, chùa cổ kính, uy nghiêm, bảo tàng, cung điện lộng lẫy, trong những điệu múa, tiếng hát rộn ràng. Chúng tôi cũng trèo lên núi Phousi, thăm các cửa hàng bán đồ lưu niệm mà đặc sắc nhất có lẽ là các loại thổ cẩm dệt tay truyền thống với hoa văn, họa tiết phong phú, lạ mắt. Bạn có thể tìm thấy khăn trải bàn, thảm treo tường, thảm trải sàn nhà, váy áo thêu cầu kỳ và đẹp mắt… Tôi thấy hầu như du khách nào cũng tìm mua được một sản phẩm thủ công làm quà lưu niệm.

Hai ngày ở Luang Prabang là quá ngắn để có thể thăm được hết các chùa cổ, đi được hết các tour, tuyến du lịch nổi tiếng nơi đây như Trại voi (All Lao Elephant Camp), Đường mòn Hổ (Tiger Trail) xem huấn luyện và cưỡi voi, leo núi, vượt thác, thăm bản hay đi thuyền kayak dọc sông Mekong hùng vĩ... Các căn nhà khu phố cổ Luang Prabang được bảo tồn, phục chế rất tốt theo những yêu cầu khắt khe về bảo tồn, bảo tàng của UNESCO, được sử dụng làm khách sạn, nhà hàng, quá cà phê, cửa hàng lưu niệm, chủ yếu phục vụ du lịch.

Các bạn Lào thật hiếu khách, nhất là dịp Tết. Chúng tôi được thết đãi bao nhiêu món ăn ngon, đặc sản từ dòng sông Mekong, nào là cá tươi hấp Mok Pa bọc lá chuối nhiều gia vị, hay món thịt nướng Sindat, rồi món ăn may mắn không thể thiếu là Laap từ thịt gà, lợn, bò… ăn cùng xôi và rau sống. Mọi người trong đoàn chúng tôi cực thích món rong sông Mekong giã, dàn mỏng trên khay rồi rắc vừng, phơi khô, sau đó chiên giòn.

Ngày mùng 3 Tết, chúng tôi vinh dự được tới nhà chào và chúc Tết bác Bounnhang Volachit, thân sinh của bạn Bounkham, nguyên Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Nước CHDCND Lào. Bác trai và bác gái ân cần thăm hỏi về chuyến đi của chúng tôi, rồi kể cho chúng tôi về những kỷ niệm khi hai bác ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An năm 1969 trong chiến tranh. Bác Bounnhang Volachit nói tiếng Việt rất hay, truyền cảm, nhẹ nhàng.

Cũng tại nhà bác Bounnhang Volachit, chúng tôi được tham gia nghi lễ buộc chỉ cổ tay của các bạn Lào như một phong tục văn hóa cổ truyền dành cho bạn bè, khách quý của gia chủ. Người Lào làm lễ buộc chỉ cổ tay mỗi dịp năm mới, hay cưới hỏi, về nhà mới, đi xa nhà hay mới khỏi ốm… Chính vợ chồng bạn Bounkham và Athsaphangthong đã buộc chỉ tay cho anh em chúng tôi, cùng những lời chúc tốt đẹp nhất. Theo phong tục, người Lào không bao giờ cầu chúc cho mình mà chỉ cầu chúc cho người khác với quan niệm, khi bạn cầu chúc điều tốt lành cho người khác, tất nhiên họ sẽ cầu chúc điều tốt lành cho bạn.

Rời nước Lào, bên cạnh các tấm thổ cẩm là những gói cà phê arabica từ cao nguyên Bolovan và rong sông Mekong mang về làm quà, chúng tôi sẽ mãi không quên những tình cảm chân thành của các bạn Lào, những ấn tượng đẹp đẽ về miền đất chúng tôi đã đi qua, những gương mặt hiền hòa, thân thiện chúng tôi đã gặp gỡ và hương vị độc đáo của những đặc sản mà chúng tôi đã thưởng thức. Chúng tôi thật sự vinh dự khi được làm những đại sứ nhân dân, góp phần giữ vững, bồi đắp cho tình cảm anh em cao quý Việt - Lào.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nhung-an-tuong-dep-ve-nuoc-lao-anh-em-i326810/