Nhớ về những người làm thơ tay trái

Được xem là một trong những tỉnh đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, thế nhưng Đồng Nai cũng là nơi có lực lượng sáng tác thi ca khá đông đảo và phong phú.

Vài tác phẩm thơ của các tác giả không chuyên

Vài tác phẩm thơ của các tác giả không chuyên

Bên cạnh những nhà thơ đã thành danh, Đồng Nai cũng là “nơi xuất phát”, “điểm khởi đầu” của một số nhà thơ tên tuổi đương thời như: Cao Xuân Sơn, Lương Định, Vũ Xuân Hương, Trương Nam Hương. Đặc biệt, đây từng là nơi nhà thơ Giang Nam cho ra đời bài Quê hương nổi tiếng. Trước đó, Đồng Nai đã rất lừng lẫy với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, thi nhân triết luận Hoài Khanh, thi sĩ học trò Nguyễn Tất Nhiên… Cũng giống như các vùng miền ưa chuộng văn chương thi phú khác trên đất nước ta, Đồng Nai có rất nhiều người làm thơ không chuyên và không được gọi là… thi sĩ hay nhà thơ.

* Viết nhật ký bằng thơ

Trong số những người làm thơ tay trái này, nguyên cố Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Văn Thông (Nguyễn Chiến Lũy) thật là độc đáo. Với hơn 300 bài thơ được in thành 2 tập Yêu quê hương 1&2, cụ Hai Thông đã “nhật ký” gần như toàn bộ cuộc đời chiến đấu của mình và mọi diễn tiến liên quan trên chiến trường Nhơn Trạch - Long Thành, cùng mọi sự đổi thay trên đất Đồng Nai sau ngày đất nước thống nhất.

Bằng câu chữ bình dị, mộc mạc, mỗi bài thơ của tác giả Nguyễn Văn Thông đúng tính chất của một bản tin thông tấn. Như bài Trận thắng đắt giá, tác giả ghi cụ thể lời đầu bài về ngày tháng năm, địa điểm, kết quả trận đánh, mà bài thơ vẫn đầy đủ yếu tố thông tấn: Hăm lăm, hăm sáu tháng giêng/ Giặc Tây đi bố tính riêng hai ngày/ Đốt nhà, bắn giết thẳng tay/ Long Tân, Phú Hội... hai ngày đau thương/ Máu hồng đọng vũng khắp đường/ Ba trăm sinh mạng kiên cường hy sinh/ Chống Tây dù phải “một mình”/ Tầm vong vót nhọn địch kình súng to/ Quân Tây đến Nỗng ven lò/ Hồn lìa khỏi xác, ít là hai trăm/ Còn thêm bao đứa... chông đâm/ Máu thù nhuộm đỏ tầm vông đất này/ Long Thành nổi tiếng từ đây/ Chiến công đắt giá trả đầy máu xương...

Cũng với giọng điệu bộc trực đó, bước vào thời kỳ hòa bình, mọi người đang khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, tác giả Nguyễn Văn Thông trong bài Đê ngăn mặn Vĩnh Thanh đã ghi tựa đề: “Hơn 4.000 đồng bào xã Vĩnh Thanh hăng hái đắp đê ngăn mặn, bảo vệ hơn 650ha ruộng. Đây là cuộc “đọ sức” với trời của đồng bào xã Vĩnh Thanh. Xin cảm nghĩ có mấy vần thơ”.

Thế rồi cụ ứng tác: ...Đánh Tây đuổi Mỹ kỳ công/ Bây giờ vác cuốc ra đồng đào kinh/ Muốn cho đồng lúa tốt xinh/ Quyết tâm ngăn mặn “thay trời làm mưa”/ Một năm làm được hai mùa/ Xen canh tăng vụ chẳng thua đất trời/ Bây giờ phải nhớ kỹ lời: “Nước, phân, cần, giống” cho đời ấm no...

Thơ cụ Nguyễn Văn Thông còn rất nhiều chỗ chưa chuẩn mực, thậm chí ép vận, ép từ; nhưng đây có thể coi như cuốn nhật ký lịch sử đáng tin cậy về vùng đất, con người Nhơn Trạch - Long Thành thời chiến tranh (Yêu quê hương tập 1 * 1945-1975) và sự kiện quan trọng cùng nhân vật chí Đồng Nai (Yêu quê hương tập 2 * 1976-2004 ) với cứ liệu, thời gian, địa điểm... thật rõ ràng, cụ thể.

Hình như hầu hết những người làm thơ tay trái đều không mang hoài bão được đi vào... văn học sử, nhưng không thể phủ nhận được là tài sản tinh thần họ để lại cho đời thật đáng trân quý biết bao.

* Thơ của anh hùng đặc công Rừng Sác

Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác với tên gọi thân thương là... ông Bảy Rừng Sác, người từng chỉ huy đơn vị anh hùng làm cho quân lính Mỹ ngụy kinh hồn bạt vía lại là một cây bút khá tài hoa. Cuốn hồi ký Một thời Rừng Sác của ông được trao Giải thưởng Văn học Trịnh Hoài Đức năm 2000 và được Đoàn Cải lương Đồng Nai dàn dựng thành tuồng Dòng sông đỏ. Hãng phim Giải phóng cho chuyển thành kịch bản điện ảnh lấy cùng tên với hồi ký Một thời Rừng Sác.

Vị anh hùng đặc công Rừng Sác này khi cầm ly rượu hoặc tách trà đều có thể... xuất khẩu thành thơ, nên số bài thơ mà ông làm ra nhiều không sao kể xiết. Năm 2005, nhân kỷ niệm 75 tuổi, cụ Lê Bá Ước đã chọn ra 75 bài ưng ý nhất để in thành tập thơ Trái tim người lính.

Khá bất ngờ là ngoài những bài thơ viết về chiến tranh, đồng đội, tình yêu quê hương, tổ quốc..., người lính già Rừng Sác còn nói về tình yêu trai gái một cách khá nồng nàn và không kém phần lãng mạn:

...Nhớ mãi không quên một nụ cười/ Của cô thôn nữ tuổi đôi mươi...

...Đến lúc gặp em trời ấm lạ/ Đưa tay anh hái một cành hoa/ Lòng anh đậm nét riêng hình bóng/ Vũ trụ này là của chúng ta.... (Trái tim Người lính)

...Gặp lại em gái tuổi bảy mươi/ Từng là du kích tuổi đôi mươi/ Trải bao khói lửa từ thu ấy/ Mái tóc bạc nay đẹp tuyệt vời (50 năm trở lại).

Đậm nồng cảm xúc hơn với nhà thơ tay ngang này có lẽ là niềm đau khôn nguôi về việc hơn 500 đồng đội của mình đã nằm lại dưới vùng nước ngập mặn Rừng Sác mà không tìm được hài cốt, luôn day dứt người chỉ huy Lê Bá Ước mỗi khi ông nhớ Về Rừng Sác:

...Lặn sâu dưới nước sông Lòng Tàu/ Đồng đội ngày xưa có thấy đâu/ Chỉ có xác tàu quân giặc Mỹ/ Sóng triều vùi lấp dưới bùn sâu...

* Người viết diễn ca về Biên Hòa

Nói đến Biên Hòa sử lược toàn biên, nhiều người đều biết tác giả của bộ dư địa chí này là cụ Lương Văn Lựu, một nhân sĩ Biên Hòa chính gốc; nhưng vào năm 2004 khi xuất hiện quyển Biên Hòa sử lược diễn ca thì không mấy ai biết đến tác giả Đinh Giang Nam, một cái tên rất lạ. Bút danh lạ này là của cụ Đinh Quang Dữa - nguyên Phó trưởng phòng Nhà đất Biên Hòa.

Từ đất học Nam Định, cụ lưu lạc vào xứ Biên Hòa từ năm 1940 và làm bồi cho gia đình ông Balick, Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, tham gia hoạt động cách mạng, núp dưới danh nghĩa các tổ chức nghiệp đoàn “vàng”, làm thơ đăng trên các báo Thanh niên Đông Pháp, Tiếng Dội, Buổi Sáng, Biên Hùng, Người Việt, Thần Chung... Ông bị địch phát hiện là “Việt Cộng nằm vùng” và bị đày ra Côn Đảo...

Trong hoàn cảnh nào, chiến sĩ cách mạng Đinh Quang Dữa cũng... tức cảnh sinh tình nên đề tài thơ của cụ hết sức phong phú. Năm 1994, sau khi nghỉ hưu, cụ Dữa đã chọn lọc được 53 bài thơ và “chưa thật là thơ” in thành tập thơ Bên dòng Sông Phố (NXB Đồng Nai, 1994). 10 năm sau, cụ lại cho ra đời tập thơ Bên dòng Sông Phố 2 (NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005) cùng với công trình Biên Hòa sử lược diễn ca (tập 1 - từ thế kỷ I đến thế kỷ XVIII) - một dự án tâm huyết và khá dài hơi được tính toán ra 2 tập.

* Một “tự truyện” viết bằng thơ

Với Lời tâm sự, tập thơ của tác giả Lê Tố Nga (1999) chỉ với 58 bài nhưng có thể được xem như một cuốn tự truyện hết sức sống động và đầy kịch tính về cuộc đời của nữ chiến sĩ cách mạng. Bà Lê Tố Nga, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai và là phu nhân của cố Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá công an Huỳnh Tấn Minh.

Phần lớn dung lượng của tập thơ Lê Tố Nga lại phản ảnh khía cạnh hết sức bi kịch của một sự kiện được xem là... “vụ án thế kỷ” trong lịch sử Đồng Nai mà vợ chồng bà cùng một số lãnh đạo thị xã Biên Hòa bị vu là làm tay sai cho C.I.A (Cơ quan Tình báo Mỹ)…

* Nhiều lắm những người làm thơ

Một người cũng làm thơ không chuyên, nhưng có bút danh hẳn hoi là cố luật sư Hồ Văn Lưu. Từ năm 1970, một số bài thơ tình của tác giả Hồ Triều đã bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí Văn nghệ ở Sài Gòn và sau năm 1975 cái tên Hồ Triều lại có mặt thường xuyên hơn trên báo Đồng Nai, Văn nghệ Đồng Nai... với nhiều đề tài trẻ trung, thời sự hơn. Năm 1998, luật sư Hồ Văn Lưu cho ra mắt tập thơ Hồ Triều (NXB Đồng Nai) với 24 bài được tuyển chọn khá kỹ lưỡng.

Những người làm thơ tay trái ở Đồng Nai còn rất nhiều. Trong đó có cả những người viết báo, viết văn, làm thông tấn như các cụ Võ Thế Đại, Lê Thiện, Trương Thanh Phận, Mai Sông Bé... Và rất đáng ngạc nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Quang Huy lâu nay nổi tiếng với nhiều công trình biên soạn công phu, nghiêm túc cũng bất thần buông ra câu hỏi: “Ba mươi sáu năm tôi sống ở chốn này/ Chừng ấy thời gian, có còn đất khách?”. Rồi nghẹn ngào tự nhủ: “Đâu chỉ mình ta là lưu lạc/ Đâu phải riêng ta lỡ bước chốn này”... trong tập phê bình và tiểu luận có tênNgười Xưa... Người Nay mới ra mắt đầu năm 2024 (Nhà xuất bản Đồng Nai).

Bùi Thuận

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/nho-ve-nhung-nguoi-lam-tho-tay-trai-d9650e7/