Nhịp đập năng lượng ngày 28/11/2023

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập khuôn khổ hợp tác về chuyển đổi năng lượng; OPEC quyết liệt bảo vệ ngành dầu khí trước hội nghị COP28; Zarubezhneft gần như chuyển hướng hoàn toàn dầu từ EU sang Trung Quốc, Ấn Độ… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 28/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập khuôn khổ hợp tác về chuyển đổi năng lượng

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, chiều 27/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đã trao đổi “Biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi năng lượng” giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (Bộ METI) trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Biên bản ghi nhớ hợp tác với mục tiêu thiết lập khuôn khổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản để thực hiện chuyển dịch năng lượng, sử dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ sẵn có trong năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, sử dụng hydro, ammoniac và biomass cho sản xuất điện, sử dụng và lưu trữ carbon, tái chế carbon, nhiên liệu sinh học, khí mê-tan và LNG trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.

Biên bản ghi nhớ hợp tác là cơ sở quan trọng để hai bên thiết lập cơ chế phối hợp xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng trung hòa carbon, nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng và công nghệ góp phần tạo ra nguồn năng lượng thiết thực, nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, và một số lĩnh vực khác do hai bên thống nhất quyết định. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam tận dụng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ nguồn ngân quỹ 10 tỷ USD mà Nhật Bản cam kết hỗ trợ cho việc chuyển dịch năng lượng của các nước ASEAN, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

OPEC+ xem xét cắt giảm dầu sâu hơn

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đang xem xét cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn mặc dù cuộc họp chính sách của họ bị hoãn lại đến ngày 30/11, trong bối cảnh bất đồng về hạn ngạch giữa một số nhà khai thác, một nguồn tin của OPEC+ cho biết hôm 27/11. Hồi đầu tháng này, các nguồn tin của OPEC+ cho biết nhóm này dự kiến sẽ xem xét cắt giảm bổ sung.

OPEC+ sẽ bắt đầu các cuộc họp trực tuyến để quyết định mức sản lượng dầu vào lúc 13:00 GMT ngày 30/11. Cuộc họp đã bị trì hoãn từ ngày 26/11.

Các nguồn tin của OPEC+ cho biết cuộc họp bị trì hoãn là do sự bất đồng về mức sản lượng của các nhà khai thác châu Phi, mặc dù kể từ đó nhóm đã tiến gần hơn đến một thỏa hiệp về quan điểm này.

OPEC quyết liệt bảo vệ ngành dầu khí trước hội nghị COP28

Phản đối Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và nhấn mạnh cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về cách tốt nhất để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra lời lẽ bảo vệ mạnh mẽ đối với ngành dầu khí, trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán về khí hậu lớn nhất từ trước đến nay.

OPEC cho biết, IEA đã “nói xấu một cách vô cớ” ngành này về vai trò của ngành trong cuộc khủng hoảng khí hậu, theo một tuyên bố ngày 27/11. Theo OPEC, ngành dầu mỏ cũng đang hướng tới cả năng lượng tái tạo với các khoản đầu tư lớn đang được thực hiện và đang đầu tư vào công nghệ để giảm lượng khí thải.

Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais nhấn mạnh: “Thật không may là cách IEA sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội của mình trong những ngày gần đây để chỉ trích và chỉ đạo ngành dầu khí là phi ngoại giao. Bản thân OPEC không phải là một tổ chức có thể quy định cho người khác những gì họ nên làm”.

Zarubezhneft gần như chuyển hướng hoàn toàn dầu từ EU sang Trung Quốc, Ấn Độ

Phát biểu tại diễn đàn Primakov Readings ngày 27/11, Tổng giám đốc Sergey Kudryashov cho biết công ty Zarubezhneft gần như đã chuyển hướng hoàn toàn nguồn cung dầu từ châu Âu sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Kudryashov cũng lưu ý rằng cho đến năm 2022, công ty kinh doanh dầu xuất khẩu trên cơ sở FOB (free on board) thông qua St. Petersburg International Mercantile (SPIMEX).

Người đứng đầu Zarubezhneft cho biết: “Rõ ràng là sau năm 2022, tình hình đã thay đổi. Thành thật mà nói, chúng tôi không đủ năng lực để làm việc trên thị trường giao dịch. Chúng tôi phải nắm vững những thứ liên quan đến cả hậu cần, tàu chở dầu và bảo hiểm”.

Cũng tại diễn đàn này, lãnh đạo Zarubezhneft cho biết việc tạo ra một chuẩn mực cho dầu thô của Nga đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng tài chính lành mạnh xung quanh nó. Ông Zarubezhneft cho biết đồng đô la vẫn chiếm ưu thế trên thị trường tài chính và lưu ý tất cả các khoản nợ phải trả đều được chốt bằng đồng tiền này. "Ngay cả khi bây giờ chúng tôi ký các hợp đồng liên quan đến tiền tệ của mình, chúng vẫn lấy đồng đô la làm căn cứ. Do đó, cần phải nỗ lực nghiêm túc để tạo ra cơ sở hạ tầng chung để tiến tới chuẩn mực”, ông Kudryashov nói thêm.

Nga tăng mạnh khai thác khí đốt

Báo “Thương gia” dẫn các nguồn thạo tin của Bộ Năng lượng Liên bang Nga ngày 28/11 cho biết, khối lượng khai thác khí đốt ở nước này trong tháng 10 tăng khoảng 11,8% và đạt mức 60,13 tỷ m3. Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2023, sản lượng khí đốt của Nga đã đạt mức 534,5 tỷ m3, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo này cũng nêu rõ tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã tăng sản lượng trong tháng 10/2023 thêm 14,6%, đạt mức 38,6 tỷ m3, nhưng trong 10 tháng, sản lượng của Gazprom đã giảm 11%, xuống còn 327,8 tỷ m3. Các nhà phân tích lưu ý rằng xu hướng phục hồi sản lượng được hỗ trợ bởi xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu dùng nội địa ngày càng tăng.

Ngày 22/11, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ tăng nguồn cung khí đốt cung cấp qua đường ống cho Trung Quốc lên mức 100 tỷ m3/năm. Trước đó, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch từ bỏ khí đốt Nga vào cuối thập niên này.

Mỹ vẫn chậm trễ trong việc làm đầy kho dự trữ dầu thô chiến lược

Những nỗ lực nhằm bổ sung vào kho dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ đang bị chậm lại, một phần là do các công ty trì hoãn trả lại số thùng dầu đã mượn, theo Bloomberg. Việc hoàn trả các thùng dầu trao đổi là một phần quan trọng trong chiến lược của Bộ Năng lượng nhằm nạp đầy kho dự trữ khẩn cấp, vốn đã cạn kiệt đến mức thấp nhất kể từ những năm 1980.

Những nỗ lực của Bộ Năng lượng nhằm trực tiếp mua dầu thô để dự trữ cũng đã bị cản trở bởi những bất đồng về giá cả và chất lượng, với việc cơ quan này đã hủy 2 gói thầu mua tổng cộng 9 triệu thùng trong năm nay. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ mua 7,5 triệu trong số 12 triệu thùng dự kiến mua trong năm nay.

Ông Hunter Kornfeind, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rapidan Energy Group, cho biết: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi vẫn dễ bị tổn thương trong trường hợp một cơn bão làm gián đoạn nguồn cung hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang”. Ông không mong đợi Bộ Năng lượng sẽ tiến hành mua hàng “hàng loạt” mà sẽ dựa vào những cơ hội mà cơ quan này nắm bắt được.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-28112023-700530.html